Các thương hiệu đồ ăn nhanh có lo sợ trước báo cáo của WHO?
Tổ chức y tế thế giới WHO trực thuộc Liên hợp quốc đã chính thức đưa một lời buộc tội chống lại việc tiêu thụ thịt đỏ đã qua chế biến như thịt muối, xúc xích và gọi đó là những chất gây ưng. Đặc biệt, thịt hun khói được liệt vào danh sách gây hại ngang với việc hút thuốc lá.
Mới đây, WHO đã xếp các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn), thịt tươi đã qua chế biến như xúc xích, thịt hun khói, thịt muối vào hạng mục các chất gây ung thư, nghiêm trọng nhất là ngang với khói thuốc lá.
Thông tin này ít nhiều khiến dư luận quan tâm nhưng lại là một vấn đề không mới từ trước tới nay, khi đã có rất nhiều nghiên cứu về việc này.
Tuy nhiên, khi một tổ chức về sức khỏe y tế uy tín nhất thế giới là WHO đưa ra báo cáo chính thức, các thương hiệu nổi tiếng kinh doanh các loại thịt này như McDonald’s, Burger King, KFC, Subway không tránh khỏi sự khó chịu, nhất là khi không ít hãng đã dính vào những vụ bê bối thực phẩm gây tổn hại về danh tiếng trong quá khứ.
Báo cáo này thực chất không để lại nhiều ấn tượng cho người tiêu dùng vốn đã quá quen với những thông tin về mức độ nguy hiểm khi sử dụng quá nhiều bơ sữa, chất béo và thịt đỏ. Nhưng sự kiện lần này có vẻ đã đi xa hơn trong việc “cảnh cáo” các hãng ăn nhanh trên thế giới.
Tổ chức y tế thế giới WHO trực thuộc Liên hợp quốc đã chính thức đưa một lời buộc tội chống lại việc tiêu thụ thịt đỏ đã qua chế biến như thịt muối, xúc xích và gọi đó là những chất gây ưng. Đặc biệt, thịt hun khói được liệt vào danh sách gây hại ngang với việc hút thuốc lá.
Các thương hiệu kinh doanh các sản phẩm chứa thịt qua chế biến như Arby’s, McDonald’s, Oscar Mayer, Krave, Burger King và hàng trăm nhãn hàng trên khắp thế giới tỏ ra không mấy vui vẻ gì với báo cáo này của WHO khi mà Tổ chức y tế thế giới đã sử dụng tất cả những lời lẽ nặng nề nhất để miêu tả việc ăn các loại thịt này sẽ gây ra những căn bệnh ung thư như thế nào.
Dựa trên dữ liệu của Viện nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư (IARC), WHO tuyên bố mình có đầy đủ bằng chứng cho thấy các loại xúc xích, thịt hun khói, thịt muối, hotdog xứng đáng bị xếp vào nhóm 1 – nhóm thức ăn cần tránh xa đầu tiên nếu muốn bảo vệ sức khỏe.
Theo ghi nhận của USA Today, IARC cho biết đã xem xét kĩ càng hơn 800 nghiên cứu điều tra mối liên hệ giữa hàng loạt các căn bệnh ung thư và các loại thịt đỏ, thịt qua chế biến tại nhiều quốc gia khác nhau, đồng thời cũng so sánh tỷ lệ này với các nhóm thực phẩm khác.
Từ đó, các chuyên gia dinh dưỡng và y tế kết luận rằng nếu một người tiêu thụ 50 gram - tương đương hai dải thịt xông khói hoặc thịt qua chế biến hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột lên khoảng 18%.
Giám đốc IARC, ông Christopher cho rằng phát hiện này sẽ giúp giảm bớt lượng thịt nói trên được tiêu thụ hàng ngày, nhưng cũng nhấn mạnh việc thịt đỏ có giá trị dinh dưỡng nên không thể hoàn toàn loại bỏ chúng. Ông cho biết các chính phủ và cơ quan quản lý quốc tế phải có được những kế hoạch giúp cân bằng được rủi ro và lợi ích của việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến, qua đó đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống tốt nhất có thể.
Trong khi đó, nhóm thương hiệu thuộc ngành công nghiệp thịt bác bỏ nghiên cứu của IARC và cho rằng sự phát hiện quá đơn giản. Câu chuyện giữa thịt đỏ qua chế biến và những căn bệnh ung thư vốn là chuyện “xưa như diễm” mà các nhà khoa học đã nhắc đến liên tục qua nhiều năm, cho nên báo cáo của cả IRAC và WHO đều chẳng có gì mới.
Tờ The Atlantic thậm chí còn dự báo rằng: “Việc kêu gọi hạn chế ăn thịt là trách nhiệm của các Ủy ban dịch vụ y tế sức khỏe. Các nhà sản xuất thịt sẽ chẳng bao giờ dừng lại và lượng tiêu thụ thịt cũng chẳng vì thế mà giảm đi.”
Tuy nhiên, các thương hiệu kinh doanh loạt sản phẩm này đang trở nên thận trọng hơn trong mỗi chiến dịch quảng bá của mình nhằm tránh khỏi sự chỉ trích công khai của các cơ quan sức khỏe trên thế giới.
Arby’s là một ví dụ điển hình khi nhãn hàng này đã thay đổi hình ảnh các banner quảng cáo của mình sao cho nhẹ nhàng nhất, khác với trước đây luôn nhấn mạnh lượng thịt “khủng” trong mỗi sản phẩm. Các dòng đồ ăn dành cho người ăn chay, nhiều rau và tốt cho sức khỏe cũng được đầu tư nhiều hơn để trấn an tâm lý của khách hàng. Đây được coi là một chiến lược đi ngược lại với tư tưởng truyền thống của hãng, bởi sự ảnh hưởng của WHO.
Công ty tư vấn thương hiệu CPG cho biết các nhãn hàng như McDonald’s, Burger King cần phải thay đổi các chiến lược khi mà người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ giờ đây đã biết quan tâm hơn đến sức khỏe của mình, sau khi chứng kiến sự gia tăng khủng khiếp của các chứng bệnh béo phì hay ung thư. Các khách hàng hiện nay thậm chí còn dè chừng cả trứng và bơ vì sợ chúng vượt quá mức dinh dưỡng cần thiết.
"Là những người tiêu dùng, chúng ta chẳng thể làm được gì ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Các thương hiệu đồ ăn nhanh, nhà sản xuất thịt chế biến có lo lắng cho chúng ta không? Câu trả lời là không bao giờ. Trong khi đó, báo cáo của WHO chỉ dừng lại ở những trang giấy và cũng không nên quá trông mong những chiến dịch bảo vệ từ họ. Chúng ta đều đang hoang mang, nhưng điều quan trọng duy nhất bây giờ là ăn uống đúng khoa học và chờ đợi. "- Ken Harris, quản lý của công ty tư vấn Cadent Consulting nhận định.
George Young, chủ tịch của Kalypso, một công ty tư vấn kinh doanh lại có một suy nghĩ khác: “Những nghiên cứu của WHO chưa hẳn đã đúng hoàn toàn, trừ phi mọi người ăn chúng quá nhiều. Cách đây 10 năm, thịt hun khói từng bị coi là loại thực phẩm tồi tệ, nhưng giờ đây chúng ngon lành, tràn đầy protein và không hề gây béo như chúng ta nghĩ.”
Ngay sau khi ban bố thông tin này, WHO đã cho đăng tải những dòng tweet trên tài khoản mạng xã hội Twitter nhằm nhấn mạnh tác hại của các loại thịt đã qua chế biến và kêu gọi người dân thế giới hạn chế hoặc ngừng tiêu thụ chúng.
Các thương hiệu thuộc ngành công nghiệp này ngoài Arby’s vẫn chưa lên tiếng chính thức hay có một động thái nào đáp trả. Cuộc chiến chắc chắn không dừng lại tại đây và sẽ có nhiều điều đáng bàn trong thời gian tới.