McDonald's, Maggi hay Walmart tại châu Á đang chi mạnh tay cho an toàn thực phẩm

02/10/2015 09:53 AM | Thương hiệu

An toàn thực phẩm luôn là đề tài nóng trong năm vừa qua tại châu Á bởi hàng loạt vụ bê bối của những thương hiệu lớn.

Đầu năm nay, nhãn hàng Maggi của Nestle trở thành điểm nóng ở Ấn Độ sau khi nhà chức trách phát hiện những gói mì có chứa lượng chì vượt quá mức quy định. Những chuỗi thức ăn nhanh như McDonald’s và Yum Brands cũng là tâm điểm cho những quan ngại về an toàn thực phẩm năm 2014 ở Trung Quốc do nhập nguyên liệu từ những nhà cung cấp sử dụng nguồn thịt ôi thiu.

Giữa thời điểm khủng hoảng này, các doanh nghiệp đang nỗ lực hơn bao giờ hết để đối phó với những quan ngại về an toàn thực phẩm và giành lại niềm tin của khách hàng. Với McDonald ở Ấn Độ, nguồn cung ứng nguyên liệu nội địa hiện đang là chìa khóa để tạo dựng an toàn thực phẩm bền vững.

“Hiện nay hơn 98% sản phẩm của chúng tôi được nhập nguyên liệu từ các nhà cung ứng địa phương,” Kedar Teny, giám đốc marketing số của McDonald ở Ấn Độ (khu vực phía Tây và Nam) cho biết. “Từ nguồn cung nội địa này, chúng tôi có thể cắt giảm đáng kể phí bảo quản đồng thời luôn duy trì sự tươi mới và những giá trị dinh dưỡng của thực phẩm sống hoặc đã qua chế biến.”

Teny cho biết thêm rằng thương hiệu đang đầu tư vào quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm duyệt chất lượng nghiêm ngặt trong mỗi khâu.

Điều này đồng nghĩa với 72 lần kiểm tra hàng ngày tại các phòng bếp và khoảng 25.920 kiểm tra theo quy trình hàng năm, dưới sự giám sát nghiêm ngặt đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá sản phẩm của mình đồng thời nỗ lực để đạt được chất lượng cao nhất,” ông cho biết.

Ambrish Chaudhry, giám đốc chiến lược trong khu vực Nam và Đông Nam Á tại Brand Union, cho biết những thương hiệu như McDonald đang công khai với công chúng những gì thật sự diễn ra đằng sau khu chế biến.

“Kiểm duyệt chất lượng tại những khâu như đầu vào, chuẩn bị và chế biến là những lợi thế cạnh tranh rõ rệt mà thương hiệu cần tập trung vào,” ông cho biết. “Ở châu Á, chúng tôi có thể còn cách rất xa những điều mà thương hiệu như Chipotle đã làm được (với triết lý cốt lõi: thức ăn nhanh và an toàn), tuy nhiên sự an toàn và kiểm định nghiêm ngặt trong chế biến thực phẩm đang được xem như một yếu tố khác biệt.”

Để thực hiện tốt kiểm duyệt an toàn thực phẩm sẽ ngốn khá nhiều tiền của. Nhưng Matthew Crabbe, giám đốc nghiên cứu khu vực Thái Bình Dương tại Mintel Group, cho biết rằng chi phí này sẽ được tính cho người tiêu dùng bởi họ sẵn sàng trả nhiều hơn để mua thực phẩm an toàn và chất lượng sau một loạt tai tiếng trong ngành gần đây. “Chi phí để sản xuất thực phẩm đạt chất lượng cao hơn là điều cần thiết để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng,” ông cho biết. “Chi phí để quảng cáo tốt hơn tới người tiêu dùng cũng là một phần để phù hợp với sự tinh tế và đa dạng trong phong cách sống của người tiêu dùng đang ngày một cao hơn.”

Câu hỏi đặt ra cho các thương hiệu không hẳn là chi phí để thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm, mà là mức giá người mua sẽ trả nếu những biện pháp này không đủ nghiêm ngặt hay không được áp dụng đồng bộ.

Harish Bijoor, chuyên gia thương hiệu và giám đốc điều hành của hãng tư vấn Harish Bijoor Consults, tin rằng hiện tại thì vấn đề an toàn thực phẩm vẫn chưa thay đổi cách thức các thương hiệu thực phẩm quảng bá sản phẩm nhưng điều này sẽ thay đổi trong tương lai.

“Sau vụ lùm xùm của Maggi ở Ấn Độ, các công ty giờ đây đang đầu tư nhiều hơn vào khâu cuối cùng của marketing,” ông cho biết. “Các thương hiệu giờ sẽ cẩn trọng hơn trong những phát ngôn quảng cáo.”

Mới tháng trước, công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh của Ấn Độ ITC tung ra một chiến dịch cho sản phẩm mì Yippee xoay quanh vấn đề an toàn thực phẩm. Quảng cáo được thực hiện bởi hãng Ogilvy & Mather, quay cận cảnh khu nhà máy sản xuất sản phẩm mì này.

Rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm ở châu Á đang buộc các thương hiệu đánh giá lại quy trình sản xuất để đồng bộ với cam kết chất lượng của mình, xét trên phương diện chuỗi cung ứng và những hoạt động marketing. Thương hiệu nào mang triết lý minh bạch và cởi mở sẽ tạo được lợi nhuận nhưng điều này cũng mang đến những thách thức lớn trong tương lai. Khi thương hiệu đã đưa ra một cam kết, điều quan trọng là họ phải tuân thủ điều đó trong mọi hoàn cảnh.

“Với những công ty đa quốc gia, điều này không chỉ có nghĩa là tuân thủ theo luật pháp của đất nước đó mà còn là áp dụng những quy định nghiêm ngặt trên toàn cầu của họ như một tiêu chuẩn cho những sản phẩm của mình ở châu Á,” giám đốc Brand Union chia sẻ.

Hãng bán lẻ thực phẩm Walmart chia sẻ mình đang thực hiện đổi mới toàn diện hệ thống với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ đáng tin cậy nhất ở châu Á.

Hãng đã phát triển một chương trình chuyên sâu kiểm soát nguồn cung cấp. Ở Trung Quốc, hãng đang làm việc với người nông dân, yêu cầu kiểm duyệt độ an toàn thực phẩm cho quy trình sản xuất và khu chế biến, đồng thời cung cấp liên kết qua iPad cập nhật liên tục những thông tin về an toàn thực phẩm tại những địa điểm khác nhau. Walmart cho rằng việc dễ dàng kiểm tra và tiếp cận thông tin sẽ đảm bảo tuân thủ sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Marilee McInnis, giám đốc kinh doanh quốc tế tại Walmart cho biết rằng ở châu Á, thương hiệu cam kết lắng nghe khách hàng qua nhiều kênh và rất khuyến khích những ý kiến đóng góp. Ví dụ tại Trung Quốc, hãng có 1 đường dây nóng để khách hàng có thể chia sẻ ý kiến cũng như những mối quan ngại của mình.

“Chúng tôi hiện đang quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm hơn bất kỳ lúc nào,” McInnis cho biết. “Khách hàng muốn biết liệu thực phẩm mình mua cho gia đình có an toàn, có xuất xứ rõ ràng không, vì vậy chúng tôi sẽ nỗ lực để cung cấp những thông tin này tới họ.”

Hãng cũng tung ra chiến dịch ‘Fresh guarantee’ (Tạm dịch: ‘Đảm bảo tươi mới’) trên toàn bộ hệ thống cửa hàng ở Trung Quốc trong tháng 6. Trong chiến dịch này, hãng sẽ hoàn trả toàn bộ chi phí cho khách hàng nếu có phàn nàn về chất lượng thực phẩm trong vòng 14 ngày.

Mặc dù để thực hiện những biện pháp, thương hiệu sẽ phải chi một khoản không nhỏ nhưng rõ ràng rằng người tiêu dùng sẽ an tâm hơn nhiều khi lựa chọn thực phẩm có sự minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ và quy trình chế biến.

Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM