
-
VinFast Energy và Điện Nghi Sơn 2 vận hành hệ thống điện mặt trời tích hợp pin lưu trữ năng lượng
-
Câu chuyện giảm thiểu lãng phí thực phẩm thông qua dự án 'thiết kế thùng carton phù hợp xuất khẩu trái cây tươi' cho các DN Việt
-
Singapore sắp trở thành 'trùm thịt nuôi cấy' của thế giới: Chi 230 triệu USD cho nghiên cứu, mục tiêu hạ giá còn 1/10
-
Khảo sát 500 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy 99% đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp
Câu chuyện giảm thiểu lãng phí thực phẩm thông qua dự án 'thiết kế thùng carton phù hợp xuất khẩu trái cây tươi' cho các DN Việt
Mỗi năm, thế giới lãng phí khoảng 1,05 tỷ tấn lương thực còn Việt Nam gần 7 triệu tấn – cao thứ 3 Đông Nam Á. Làm tốt hơn nữa trong khâu thiết kế - sản xuất bao bì sẽ giúp Việt Nam cũng như thế giới cải thiện tình trạng xấu này. Nỗ lực ấn tượng nhất thuộc về dự án "thay đổi bao bì carton cho ngành xuất khẩu trái cây tươi" của UNIDO Việt Nam.
Thiết kế bao bì phù hợp sẽ góp phần cải thiện thực trạng lãng phí thực phẩm nghiêm trọng của thế giới
Theo bà Nerida Kelton – Giám đốc Viện bao bì Úc (AIP), gần 800 triệu người trên thế giới không được bảo đảm lương thực – ví dụ bị đói hoặc ăn không đủ no. Vậy nhưng, hằng năm, thế giới lại lãng phí tới 1,05 tỷ tấn lương thực; tức trung bình, mỗi người bỏ phí 79kg thực phẩm/năm. Theo đó, nếu lượng lương thực đó không lãng phí đã có thể cung cấp 1,3 bữa ăn/mỗi ngày cho những người đang bị thiếu ăn trên khắp thế giới.
"Nếu lãng phí lương thực là một quốc gia, thì nó là quốc gia gây ra phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới. Cắt giảm lãng phí lương thực sẽ giảm khí CO2 gấp 10 lần ngành xe điện.
Sau đây là 5 nguyên tắc đã có từ lâu giúp mọi người tiêu dùng thực phẩm một cách thông minh: mua thực phẩm sau khi đã suy nghĩ cẩn thận, nấu chúng với tình yêu thương, sử dụng ít tinh bột và thịt, ưu tiên mua sản vật địa phương, ăn vừa đủ, dùng lại đồ ăn thừa – đừng lãng phí chúng", bà Nerida Kelton khuyến nghị.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Đại diện Quốc gia UNIDO Việt Nam tiếp lời: nếu quy ra tiền, thì lượng lương thực lãng phí hàng năm của thế giới vào khoảng 1 nghìn tỷ USD; việc lãng phí lương thực tương đương với 8% đến 10% lượng khí nhà kính mà trái đất thải vào bầu khí quyển.
Đông Nam Á – cái nôi của ngành nông nghiệp châu Á đang là khu vực có sự lãng phí lương thực nghiêm trọng nhất – chiếm 25% của thế giới. Trong tất cả, Việt Nam đứng thứ 3, khi hàng năm các hộ gia đình gây lãng phí tới 7 triệu tấn lương thực; hiện vẫn có tới 10,6 triệu người Việt đang nằm trong tình trạng không an toàn lương thực.
Dự án của UNIDO
Để cải thiện thực trạng này, UNIDO đã ra mắt dự án "thay đổi bao bì carton cho ngành xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam" nhằm hỗ trợ các DN SMEs kinh doanh tốt hơn. Bao bì chính là trung gian đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng, nếu bao bì giữ được thực phẩm tươi lâu hơn và tiện cho người dùng hơn, tất nhiêu sẽ giảm thiểu được sự lãng phí.
Xuất khẩu trái cây tươi chính là hoạt động dễ gây ra lãng phí lương thực nhất trên thế giới. Vì thời gian vận chuyển xa, nên ngành này cần rất nhiều công nghệ - vật tư hỗ trợ, nhưng chỉ cần một sơ sẩy ở khâu nào đó – như nhiệt độ container hoặc kho không ổn định, bao bì bị rách hoặc quá mỏng… cũng khiến trái cây bị hư hại hoặc chất lượng giảm sút nghiêm trọng. Lúc đó, trái cây sẽ là rác còn các SMEs sẽ mất trắng vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng, thậm chí có lúc phải đền hợp đồng cho nhà nhập khẩu.
"Trước đây, hầu hết thùng giấy mà các DN SMEs Việt Nam dùng để đựng trái cây xuất khẩu có thiết kế và cấu trúc khá đơn giản, ứng dụng rất ít công nghệ bao bì hiện đại. Chúng vừa không phù hợp với nhiều tiêu chuẩn về bao bì cũng như không đủ khả năng tích hợp với chuỗi logistics lạnh, không tuân thủ theo luật xuất khẩu và khả năng làm thương hiệu – marketing qua bao bì cũng rất yếu kém.
Nhiệm vụ của UNIDO và các chuyên gia tham gia dự án là: đầu tiên, phải thúc đẩy các SMEs đầu tư vào R&D nhằm tạo ra các loại bao bì tiết kiệm chi phí – bền vững; thứ hai, phát triển các giải pháp bao bì thân thiện với các chuỗi logistics lạnh; thứ ba, tăng cường sự hiện diện của thương hiệu thông qua thiết kế bao bì đổi mới sáng tạo; cuối cùng, xem lại để phát triển các tiêu chuẩn cho bao bì xuất khẩu", bà Lê Thị Thanh Thảo nêu cụ thể.
Những giải pháp công nghệ bao bì tiên tiến trên thế giới
Là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành bao bì, bà Nerida Kelton cũng đưa ra các nguyên tắc – chỉ dẫn cụ thể cho các SMEs Việt khi muốn thiết kế bao bì phục vụ mục tiêu kinh doanh.
Bà Nerida Kelton – Giám đốc Viện bao bì Úc (AIP)
"Bao bì được thiết kế để chắc chắn rằng sản phẩm mà chúng chứa đựng được bảo quản – bảo vệ tốt khi di chuyển xuyên suốt chuỗi cung ứng cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, bao bì cũng phải chắc chắn không gây hại đến sức khỏe – sự an toàn cho sản phẩm lẫn người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, lượng sản phẩm loại thải ra cũng bảo đảm ở mức tối thiểu, bao bì cũng phải chịu được những khắc nghiệt của quá trình di chuyển – như va đập hoặc lênh đênh nhiều ngày trên biển và thiết kế bao bì cũng phải tác động thấp nhất đến môi trường.
Thứ tự ưu tiên khi thiết kế bao bì hướng đến bền vững bao gồm: thiết kế phải phù hợp để tái chế, tối ưu nguyên liệu, giúp giảm sự hư hỏng của sản phẩm, loại bỏ vật liệu nguy hiểm, sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng vật liệu có thể tái tạo, giảm thiểu rác thải, thiết kế phù hợp cho tác động từ vận chuyển, người dùng dễ sử dụng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về câu chuyện bền vững", Giám đốc Viện bao bì Úc cho hay.
Kệ đựng trái cây tươi của AgroLife đến từ Tây Ban Nha
Thiết kế các gói sốt nhỏ hút chân không của McDonald's Úc
Hộp đựng trứng dành riêng cho giao hàng online từ công ty Thiết kế bao bì Bắc Kinh Easite.
Để minh họa, bà Nerida Kelton đã đưa ra 3 case study về thiết kế bao bì hiện đại đã đạt các giải thưởng trên thế giới: kệ đựng trái cây tươi của AgroLife đến từ Tây Ban Nha, thiết kế các gói sốt nhỏ hút chân không của McDonald's Úc, hộp đựng trứng dành riêng cho giao hàng online từ công ty Thiết kế bao bì Bắc Kinh Easite.
Thông qua việc giải phóng ethynene, chiếc kệ của AgroLife làm chậm quá trình chín của trái cây, kéo dài vòng đời tươi của sản phẩm và cải thiện hương vị nhờ được gặt hái ở thời điểm chín tối ưu.
Phần mình, là công ty đầu ngành bao bì của thế giới, SIG tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc.
Bà Huangyi Chen - Giám đốc Phát triển bền vững, Khu vực Nam Thái Bình Dương, Tập đoàn SIG
"Cũng như Việt Nam, ở Thái Lan, đến mùa trái cây thỉnh thoảng chúng ta cũng sẽ gặp tình trạng cung lớn hơn cầu. Vậy nên, SIG Thái Lan đã hợp tác với Ampol Food thực hiện dự án sản xuất thức uống thạch dinh dưỡng từ nhãn và xoài khi đến mùa, nhằm cung cấp cho những người già lớn tuổi có vấn đề về răng miệng.
Dự án này đã sản xuất được 288.000 hộp thức uống, cung cấp cho 1.000 hộ gia đình, giúp không lãng phí 15 tấn thực phẩm, cả thiện đời sống của người nông dân", bà Huangyi Chen - Giám đốc Phát triển bền vững, Khu vực Nam Thái Bình Dương, Tập đoàn SIG, cho hay.
Ngoài ra, các công nghệ bao bì hiện đại như Aseptic – đang được hầu hết công ty thức uống đầu ngành Việt Nam sử dụng hay công nghệ rót chiết linh hoạt 5 đến 7 kích cỡ, cũng hỗ trợ DN lẫn người tiêu dùng trong câu chuyện giảm lãng phí lương thực.
"Cũng như các công ty bao bì trên khắp thế giới, các thiết kế của SIG cũng đang đồng thời theo đuổi 2 tiêu chí là bảo quản – giữ gìn dinh dưỡng của thực phẩm tốt hơn và không gây hại nhiều đến môi trường. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chính của bao bì là bảo quản thực phẩm, nên chúng tôi cũng sẽ ưu tiên chức năng bảo quản hơn là bền vững trong lúc thiết kế cũng như lựa chọn vật liệu cho bao bì.
Còn về khía cạnh chi phí, đây là một bài toán khá phức tạp. Thực tế là có DN khi sử dụng công nghệ và dây chuyền rót chiết của SIG đã giảm chi phí từ 2% đến 5% nhờ bao bì tốt. Nhưng đúng là vẫn có rất nhiều nghi ngại của các DN chung quanh vấn đề chi phí, khi nói đến việc sử dụng bao bì có thiết kế - công nghệ hiện đại. Để quyết định đầu tư hay không đầu tư, các DN Việt cần có một góc nhìn toàn cảnh cũng như bài toán tổng hợp", bà Huangyi Chen phân tích.

Tin cùng SERIES BizGreen
- VinFast Energy và Điện Nghi Sơn 2 vận hành hệ thống điện mặt trời tích hợp pin lưu trữ năng lượng
- Câu chuyện giảm thiểu lãng phí thực phẩm thông qua dự án 'thiết kế thùng carton phù hợp xuất khẩu trái cây tươi' cho các DN Việt
- Singapore sắp trở thành 'trùm thịt nuôi cấy' của thế giới: Chi 230 triệu USD cho nghiên cứu, mục tiêu hạ giá còn 1/10
- Khảo sát 500 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy 99% đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp