Tokyo đánh bại Paris để trở thành kinh đô ẩm thực thế giới mới

15/10/2015 15:10 PM | Sống

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã lên ngôi kinh đô ẩm thực thế giới với tổng cộng 226 ngôi sao Michelin được trao tặng, vượt xa con số 94 nhà hàng tại Paris.

Với điện ảnh, người ta có thước đo là giải thưởng Oscar, với âm nhạc là giải Grammy danh giá, còn với ẩm thực, các nhà hàng nhận những ngôi sao Michelin để chứng tỏ giá trị. Những tưởng quê nhà Pháp của loạt sao danh giá này sẽ là nơi tập trung nhiều nhà hàng được trao tặng sao Michelin nhất. Nhưng thực tế, kinh đô ẩm thực của thế giới lại là thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Thủ đô xứ sở hoa anh đào hội tụ tới 226 ngôi sao Michelin trao tặng cho các nhà hàng, quán ăn, bỏ xa đối thủ đang ở vị trí thứ 2 là Paris. Nhưng điều gì khiến Tokyo lại trở thành một trung tâm hội tụ tinh hoa ẩm thực thế giới như hiện nay? Điều đó phụ thuộc vào nhiều khía cạnh.

Đầu tiên, đừng bao giờ nghĩ, cứ đến Nhật là chỉ có sushi, sashimi, kaisiki, teppanyaki hay các món ăn truyền thống nào đó. Đúng là văn hóa ẩm thực đặc trưng là một yếu tố dễ lôi kéo, thế nhưng sự thật là nền ẩm thực tại Tokyo phong phú hơn rất nhiều. Ước tính, hầu hết những nhà hàng được trao tặng sao Michelin đều là nhà hàng Châu Âu, với không ít hơn 50 trong số đó là nhà hàng của người Pháp, và phần lớn là nhà hàng 1 sao..

Ẩm thực Nhật không chỉ có sushi.
Ẩm thực Nhật không chỉ có sushi.

Nhiều nhà hàng ở Nhật có quy mô không hề lớn, với chỉ 8-10 chỗ ngồi là hết cỡ. Đồng thời, nhân viên trong quán thường biết rất rõ công việc của mình, không ai phàn nàn công việc của ai, tránh tình trạng "lắm thầy nhiều ma" mà ảnh hưởng tới công việc. Món ăn được tập trung tinh hoa của người chế biến, bớt phải chạy đua với thời gian mà giảm sút chất lượng, hương liệu như những nhà hàng hàng chục chỗ ngồi. Mặt khác, các bếp trưởng ở đây có tới ít nhất 30 năm tuổi nghề, và trong suốt quãng thời gian làm bếp, họ thường chỉ chuyên về một món, hoặc một loại hình ẩm thực cố định, nhằm đem lại hơi thở tinh tế nhất cho từng món ăn.

Các đầu bếp tại nhà hàng Nhật thường chuyên về một công đoạn, hay một món ăn.
Các đầu bếp tại nhà hàng Nhật thường chuyên về một công đoạn, hay một món ăn.

"Bạn sẽ thấy trong gian bếp các nhà hàng lớn, mỗi người chỉ làm một nhiệm vụ ngày này qua tháng khác, điều đó tạo nên sự hoàn hảo. Họ đều rất tâm huyết với từng sản phẩm mình làm ra" - Bếp trưởng Virgilio Martinez của một nhà hàng nổi tiếng tại Peru cho hay.

Tiếp theo, có lẽ ở Nhật, kể cả nhà hàng truyền thống hay ẩm thực Châu Âu cũng đều có sự cầu kỳ cẩn thận của người dân nước này. Mỗi suất ăn đều chứa đựng nỗ lực người làm bếp, từ chọn lựa nguyên liệu, sơ chế đến chế biến và cuối cùng là trang trí món ăn. Có thể nói, mỗi đầu bếp tại Nhật là một nghệ sĩ, họ chăm chút tỉ mỉ cho "đứa con" của mình kỹ lưỡng vô cùng.

Các món ăn đều chứa đựng sự cầu kỳ và mỹ học như văn hóa Nhật Bản.
Các món ăn đều chứa đựng sự cầu kỳ và mỹ học như văn hóa Nhật Bản.

Người ta tôn trọng thực khách đến nỗi họ thể hiện cả sự tôn trọng ấy cho từng loại nguyên liệu được chọn lựa thật kỹ càng, đảm bảo sự hài lòng tuyệt đối và sự tự tin khi trình cho thực khách món ăn. Nếu nguyên liệu dù chỉ có một sai sót nhỏ, phía nhà hàng sẵn sàng gửi trả lại nơi bán mà không hề do dự.

Vốn người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới do chế độ ăn toàn thực phẩm tươi sạch, tốt cho sức khỏe với sự hậu thuẫn của điều kiện địa lý có 4 mùa rõ rệt. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhu cầu ăn uống khỏe, sạch trở nên cao hơn bao giờ hết, và đây chính là thời khắc để Nhật Bản tỏa sáng. Có lẽ đây cũng là một phần tạo nên sự hấp dẫn cho thực khách khi đến với đảo quốc Đông Á này.

Thực phẩm luôn vào loại tươi sạch, thơm ngon nhất.
Thực phẩm luôn vào loại tươi sạch, thơm ngon nhất.

Tuy nhiên, đến với ẩm thực Nhật Bản, đừng quá chăm chăm tới các nhà hàng gắn sao Michelin. Tokyo rất rộng, nhiều ngõ ngách, và là một kinh đô ăn uống dành cho những người sành ăn thực sự, từ các xe đẩy hàng rong, quán ăn gia đình trong những ngõ nhỏ tới đồ ăn nhanh, tất cả đều rất tuyệt vời.

Theo Lương Hồng Phúc

Cùng chuyên mục
XEM