Tham vọng mở 400 nhà hàng năm 2018 của Golden Gate
Hiện Golden Gate sở hữu 130 nhà hàng. Tham vọng sau 3 năm, đến 2018, con số này sẽ tăng gấp 3.
Thành lập từ năm 2005, Golden Gate Restaurant Group là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ở Việt Nam. Công ty này hiện sở hữu 18 thương hiệu, 130 nhà hàng đa phong cách trên toàn quốc và vẫn đang tiếp tục không ngừng mở rộng.
Ông Nguyễn Cao Trí – Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Golden Gate cho biết, mục tiêu của công ty là trở thành home kitchen tại thị trường Việt Nam và đến năm 2018 đạt số lượng là 400 nhà hàng.
"Năm 2013 là thời điểm kinh tế khó khăn, nhưng Golden Gate vẫn nghiên cứu phát triển các mô hình ẩm thực và ra mắt 7 mô hình mới. 8 tháng đầu năm 2015 chúng tôi vẫn trên đà tăng trưởng so với kế hoạch đề ra và tăng 30% so với cùng kì 2014", ông Trí cho biết.
Vuvuzela là mô hình rất thành công của Golden Gate. Vậy, Golden Gate đã lấy ý tưởng từ đâu để tạo ra mô hình này, và quyết tâm duy trì mô hình đó?
Trước tiên Golden Gate nghiên cứu và ước lượng dung lượng thị trường. Sau đó chúng tôi dựa trên sự quan sát và cảm nhận về các món ăn, không gian, phục vụ, khách hàng mục tiêu và các thị trường tương đương trong khu vực để có sự so sánh và rút kinh nghiệm. Đội ngũ R&D (Research & Development) thường xuyên có những cải tiến để bắt kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường và khách hàng.
Cụ thể với Vuvuzela, mô hình đã được triển khai như thế nào?
Vuvuzela ra mắt tại Hà Nội từ năm 2011. Đến năm 2013, mô hình này bùng nổ mạnh mẽ và không ngừng mở rộng tại Tp.Hồ Chí Minh. Kết quả là hệ thống Vuvuzela phát triển rộng khắp toàn quốc và trở thành một trong những chuỗi beer club đứng đầu thị trường với 13 nhà hàng tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vinh, Vũng Tàu, Biên Hòa cho tới nay.
Với tuổi thọ trung bình một mô hình là khoảng 3 năm, có phải Vuvuzela cũng đã đến giai đoạn thoái trào?
Mặc dù thị trường Beer Club cạnh tranh gay gắt với 43 thương hiệu trên địa bàn Tp.HCM và 100 thương hiệu tại thị trường miền Nam, chưa kể tới số lượng beer club vẫn đang mở ra hàng ngày, Vuvuzela hiện vẫn tăng trưởng ổn định. Vuvuzela sẽ còn tiếp tục mở rộng thêm và cam kết giữ được vị trí beer club dẫn đầu thị trường về chất lượng sản phẩm và thương hiệu.
Còn những mô hình khác thì sao? Những mô hình đầu tiên của Golden Gate như lẩu băng chuyền Kichi Kichi?
Thông thường các mô hình nhà hàng phát triển trong khoảng 3 năm và sẽ đi vào thoái trào. Tuy nhiên, với chuỗi nhà hàng Kichi Kichi, sau 6 năm phát triển, yếu tố khiến khách hàng quay lại là chất lượng và dịch vụ. Kichi Kichi vẫn tiếp tục thu hút khách mới và mở rộng ra các tỉnh.
Theo ông, trong kinh doanh nhà hàng, đi đầu trong việc tạo ra các mô hình mới có phải là ưu thế tuyệt đối không?
Theo tôi việc ra được một mô hình tiên phong thành công là rất quan trọng, nhưng việc duy trì chất lượng mới là yếu tố then chốt. Golden Gate theo đuổi cả hai chiến lược trong xây dựng mô hình. Đó là mục tiêu ngắn hạn là tạo ra sản phẩm khác biệt và mục tiêu dài hạn là xây dựng hệ thống bền vững.
Áp lực cạnh tranh là tất yếu trong một thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam nhưng chúng tôi xem đây cũng là cơ hội để luôn cải tiến tăng giá trị cho khách hàng.
Vậy còn việc nhượng quyền lại những thương hiệu của mình thì sao? Golden Gate có tính tới việc này để đẩy nhanh quy mô?
Chúng tôi nhìn thấy nhượng quyền tại Việt Nam tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, vì vậy chúng tôi chưa có kế hoạch gì trong tương lai gần.
Như vậy công ty có gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm mặt bằng không?
Mặt bằng là tối quan trọng và chúng tôi luôn chủ động tìm kiếm mặt bằng tốt nhất để tạo ra một mạng lưới chuẩn bị cho tương lai
Còn về nguồn vốn thì sao? Golden Gate có đang cần thêm vốn?
Khi Mekong Capital thoái vốn thì Standard Chattered tiếp nhận phần góp này và sự hỗ trợ của họ giúp cho Golden Gate tăng tốc phát triển từ đó đến nay. Trong kế hoạch đến năm 2018 chúng tôi chưa có kế hoạch gọi thêm vốn.
Xin cảm ơn ông!