Bầu Đức trông chờ vào đâu nhất trong năm 2015?
Tái cơ cấu sang tập trung vào phát triển nông nghiệp, những kết quả mà Hoàng Anh Gia Lai thu về chưa thực sự được như kỳ vọng.
2014: Doanh thu, lợi nhuận tốt chưa chắc đã vui
Năm 2014. xét về các chỉ tiêu kinh doanh, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 3 nghìn tỉ đồng, lãi ròng đạt 1,5 nghìn tỉ. Cả hai chỉ tiêu này đều tăng so với năm 2013, đặc biệt là lợi nhuận của HAGL đã tăng mạnh tới hơn 50% so với năm trước.
Tuy nhiên, điều này chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc sau thời kỳ tái cơ cấu của bầu Đức. Kể từ năm 2012, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty liên tục bị âm. Năm nay, dòng tiền từ hoạt động đầu tư đã âm tới hơn 5.800 tỉ đồng. Để bù đắp lại, HAGL chủ yếu dựa vào dòng tiền từ hoạt động tài chính của công ty.
Hiện tại, 2 lĩnh vực chính của HAGL là đầu tư nông nghiệp và bất động sản ở nước ngoài. Những lĩnh vực này đã dần “kéo” HAGL dời địa bàn hoạt động từ Việt Nam sang Lào, Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, những lĩnh vực mà bầu Đức khẳng định sẽ lãi lớn, lại không mang về nhiều tiền như các cổ đông HAGL kỳ vọng.
Nguyên nhân đến từ việc, HAGL thường lâm vào cảnh “mua đỉnh, bán đáy”. Trong các lĩnh vực nông nghiệp HAGL tham gia như cao su, cọ dầu, mía đường, công ty này rơi vào tình cảnh cứ bắt đầu tham gia lúc giá nông sản đạt đỉnh và đến khi có thành phẩm, giá đã rớt xuống đáy.
Lấy cao su là một ví dụ. Thời điểm 2012, khi HAGL bắt đầu trồng cao su, giá cao su thế giới đạt đỉnh lên tới 6.000 USD/tấn. Với giá thành sản xuất chỉ từ 1.200 USD – 1.400 USD/tấn, HAGL dự báo sẽ lãi lớn.
3 năm sau, Hoàng Anh Gia Lai có 42,5 nghìn ha trồng cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Thế nhưng cũng trong thời gian này, giá cao su đã tuột dốc không phanh sau khi chạm đỉnh, và giờ chỉ còn dao động ở mức 1.500 USD/tấn. Nếu so với giá thành sản xuất, có thể thấy lãi từ việc bán cao su là không đáng kể. Tình trạng dư thừa cao su trên thế giới khiến đầu ra cho sản phẩm ngày một khó khăn hơn.
Tương tự với cọ dầu hiện cũng phải đối mặt với tình trạng giá bán thấp. Trong mảng mía đường, HAGL cũng đang phải đối mặt với xu hướng giảm giá và tình trạng dư thừa nguồn cung.
Có thể thấy, những cây trồng được xem là trọng tâm phát triển của HAGL trong những năm qua đều phải đối mặt với tình trạng giá bán thấp, khó khăn đầu ra và dư thừa nguồn cung. Dù là một trong những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, HAGL vẫn cho thấy sự thiếu kinh nghiệm trong các khoản đầu tư mới.
Năm 2015, cuộc chơi của HAGL tiếp tục gặp phải nhiều thách thức. Giá mía đường, cao su, cọ dầu không có dấu hiệu tăng trở lại. Đi cùng với đó là dòng tiền cũng sẽ gặp vấn đề. Hiện tại, ngân hàng đứng ra cung cấp vốn chủ yếu cho HAGL tại Myanmar là EximBank. Ngân hàng này hiện đang kinh doanh khó khăn và có nhiều tin đồn chuẩn bị sáp nhập. Yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng tới nguồn tiền của HAGL.
Trong lĩnh vực bất động sản, thương vụ trị giá 275 triệu USD khi bán 50% của HAGL Land cho Rowsley Land cũng không thành vì những bất đồng giữa HAGL với tỷ phú Singapore.
Đàn bò – chìa khóa của bầu Đức trong 2015
Dù kinh doanh chưa thật thuận lợi, tại Đại hội cổ đông 2015, HAGL đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với mức tổng doanh thu 5.347 tỉ, tăng trưởng ấn tượng 75%. Mục tiêu, lợi nhuận trước thuế mà HĐQT đề ra là 2.100 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%.
Để đạt được mục tiêu này, một lĩnh vực mới sẽ chiếm tới gần 50% nguồn thu của công ty. Đó là bò thịt. Lần đầu tiên đóng góp vào doanh thu của HAGL, dự kiến mức đóng góp của bò thịt sẽ là 2.475 tỷ đồng. HAGL đang rất kỳ vọng sẽ thu lời lớn từ đàn bò và bầu Đức đã từng phát biểu “lãi hơn cả bất động sản thời cực thịnh”.
Hiện tại, đàn bò của HAGL có 55.000 con và dự kiến xuất chuồng bán 60.000 con trong năm 2015. Kế hoạch cuối năm của bầu Đức là nâng tổng đàn bò lên từ 100.000 – 150.000 con nếu điều kiện thuận lợi.
Ngoài bò thịt, HAGL cũng phát triển đàn bò sữa với dự định đầu tư thêm 13.000 con để thực hiện chiến lược cung cấp sữa tươi sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác với Nutifood.
So với các lĩnh vực khác, chăn nuôi bò cho thấy đầu ra sáng hơn khi bò thịt của HAGL đã có Vissan sẵn sàng bao tiêu đầu ra với giá thành ổn định. Đối lại có thịt bò của HAGL, Vissan sẽ không phải nhập trực tiếp thịt bò Úc, vốn giá cao nhiều lần. Giá thành bò thịt của HAGL chỉ khoảng hơn 1USD/kg, bằng 30% so với giá 3,2USD/kg thịt bò do Vissan nhập từ Úc về.
Một số mảng kinh doanh khác của HAGL đã được cắt giảm bớt để phục vụ cho chăn nuôi bò. 2.000 ha mía đường sẽ được chuyển sang trồng cỏ. Ngô cũng giảm diện tích xuống còn 3.000 ha – vừa đủ để phục vụ nhu cầu thức ăn cho đàn bò hiện tại.
Với việc “đặt” sẵn tới gần 50% doanh thu của tập đoàn vào trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, bầu Đức khá tự tin vào mảng kinh doanh này.
Vấn đề lớn nhất của đàn bò của HAGL hiện tại, có lẽ chỉ là nguồn vốn. HAGL dự kiến tổng vốn đầu tư cho đàn bò sẽ lên đến 6.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong tình trạng EximBank đang khó khăn và bất động sản Myanmar chưa bán được, nguồn tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh của HAGL sẽ bị ảnh hưởng. Theo nhận định của VPBS, việc HAGL đạt được quy mô 100.000 con bò thịt và 13.000 con bò sữa trong năm nay là điều không chắc chắn.
>> Nội soi cỗ máy kiếm tiền khủng của bầu Đức
Trang Lam