Hiệp hội Mía đường: Đường HAGL giá thành thấp, người Việt có được dùng đường rẻ?

04/03/2015 14:34 PM |

Hiệp hội Mía đường Việt Nam phản bác thông tin Thứ trưởng Bộ Công thương dẫn lời các thương nhân than phiền chất lượng đường Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu. Hiệp hội cho rằng họ than phiền là nhằm chủ ý xin được nhập đường từ Thái Lan với mức giá và thuế thấp hơn.

Nội dung nổi bật:

- Chất lượng đường tinh luyện của Việt Nam hiện nay đạt chất lượng quốc tế Grade I EU, Codex 1 của USA và có đủ khả năng sản xuất chất lượng cao đặc biệt nếu có đặt hàng. Riêng chất lượng đường trắng đồn điền của Việt Nam thì hầu hết đạt tốt hơn tiêu chuẩn quốc tế

- Nhà nước Việt Nam có tạo điều kiện cho các nhà máy đường Việt Nam như nhà nước Lào tạo điều kiện cho Hoàng Anh Gia Lai tại Lào không?


Trước đó, trong một bài viết với tiêu đề “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nêu lên 4 bất cập của ngành mía đường gồm: Bất cập về giá thành, bất cập về hỗ trợ người nông dân, về phương thức kinh doanh và sự liên kết lỏng lẻo.

Trong nội dung đề cập đến bất cập về phương thức kinh doanh của ngành mía đường trong nước, Thứ trưởng nêu lên 3 vấn đề còn tồn tại, trong đó, có vấn đề quan hệ giữa các nhà máy mía đường với các hộ kinh doanh, tiêu dùng đường lớn là các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát … chủ yếu vẫn là quan hệ mua bán thông thường, trong khi với bất cứ ngành kinh doanh nào, các đối tác tiêu thụ lớn, mua bán ổn định là hết sức quan trọng.

“Cùng với đó, các thương nhân kinh doanh đường lớn thường than phiền về chất lượng đường Việt Nam không đáp ứng yêu cầu” – Thứ trưởng nêu.

Đường Việt Nam chất lượng hơn Thái Lan và cả quốc tế

Phản bác lại ý kiến về chất lượng đường Việt Nam, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư Ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam – cho rằng, thông tin trên chỉ là một chiều.

“Thứ trưởng không tìm hiểu xem tính trung thực của họ, chỉ có vài công ty sản xuất nước ngọt cao cấp là đòi hỏi đường luyện chất lượng cao và hiện nay họ vẫn là khách hàng của các nhà máy đường luyện của Việt Nam (Lượng đường được cấp phép nhập khẩu theo cơ chế xin cho chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu, phần 50% còn lại họ đã và đang sử dụng đường trong nước)” – ông Hải lập luân.

“Phần lớn các doanh nghiệp còn lại sản xuất sữa, bánh kẹo… từ trước đến nay vẫn dùng đường luyện tiêu chuẩn và đường trắng đồn điền của các nhà máy đường Việt Nam”.

Từ đây, Hiệp hội Mía đường cho rằng, thông tin than phiền chất lượng đường của Việt Nam là do có chủ ý để xin cấp nhập đường theo hạn ngạch thuế quan với cơ chế xin cho để được hưởng giá thấp từ giá thương mại thế giới, và gần hơn là nhập từ nguồn gốc Thái Lan để được giá vừa thấp và thuế chỉ 5% theo hiệp định ATIGA, chứ không phải được bảo hộ thuế cao theo WTO 25% và 40% trong hạn ngạch thuế quan.

Về chất lượng đường Việt Nam, Hiệp hội Mía đường cho rằng chất lượng đường luyện của Việt Nam hiện nay đạt chất lượng quốc tế Grade I EU, Codex 1 của USA và có đủ khả năng sản xuất chất lượng cao đặc biệt nếu có đặt hàng.

Cụ thể đường luyện mà các doanh nghiệp xin nhập bảo là chất lượng cao chính là đường luyện 45 ICUMSA của Thái Lan, trong khi đường luyện của Việt Nam thông thường là <30 ICUMSA; <15 ICUMSA; nếu có yêu cầu thì đáp ứng <10 ICUMSA.

Riêng chất lượng đường trắng đồn điền của Việt Nam thì hầu hết đạt tốt hơn tiêu chuẩn quốc tế. Đường trắng quốc tế đạt độ màu 150 – 160 ICUMSA, trong khi của Việt Nam đạt phần lớn <120 ICUMSA, nhiều nhà máy đường đạt <80 – 100 ICUMSA(*).

Đường Hoàng Anh Gia Lai có giá thành thấp, người Việt có được dùng đường rẻ?

Ông Hải cũng đồng thời cho rằng Hoàng Anh Gia Lai đang được "ưu ái".

"Đối với đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào nếu được cho nhập về Việt Nam thì áp dụng như đường các nước trong khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam trong lượng hạn ngạch thuế quan hằng năm và áp dụng thuế nhập khẩu theo ATIGA (5%) và hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào là đã được ưu đãi nhiều so với xuất xứ các nước khác trong khối ASEAN, chứ không thể xem đó là đường sản xuất trong nước" - ông Hải lập luận.

Ông cũng cho rằng việc Thứ trưởng Tú yêu cầu các nhà máy đường trong nước nên cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai là không hợp lý trong khi điều kiện cơ bản của 2 đối thủ cạnh tranh hoàn toàn khác nhau.

"Nhà nước Việt Nam có tạo điều kiện cho các nhà máy đường Việt Nam như nhà nước Lào tạo điều kiện cho Hoàng Anh Gia Lai tại Lào không?" - ông Hải chất vấn.

Ông cũng đồng thời đặt một loạt dấu hỏi với đường của Hoàng Anh Gia Lai: "Nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào có giá thành thấp như Hoàng Anh Gia Lai công bố (mặc dù số công bố chúng tôi chưa biết là đã có tổ chức kiểm toán nào kiểm chứng chưa?) thì tiêu thụ ở đâu cũng dễ dàng cần gì phải yêu cầu được đưa về tiêu thụ tại Việt Nam, sao không xuất khẩu trực tiếp vào các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm với số lượng gấp hàng trăm lần sản lượng của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất, phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai còn có điều gì chưa ổn? "

"Nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai với giá thành thấp như thế, có một số ý kiến cho rằng nhập đường này về để dân Việt Nam được ăn đường giá rẻ, liệu Hoàng Anh Gia Lai có bán đường giá rẻ như ý kiến mong đợi đó cho dân Việt Nam không? Hay là bán theo giá của thị trường Việt Nam? Nếu không có quản lý điều này về mặt nhà nước, thì doanh nghiệp Việt Nam là Nivl (của chủ đầu tư Ấn Độ), đầu tư nhà máy đường tại Campuchia cũng xem như nhà máy đường trong nước sao?".

* ICUMSA là đơn vị đo độ màu – một trong các chỉ tiêu lý hóa của đường tinh luyện. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6958:2001 áp dụng cho đường tinh luyện, độ màu của đường <30 ICUMSA là đạt tiêu chuẩn.

>> Hiệp hội Mía đường: Nếu năng suất mía đường thực sự cao, sao HAGL cứ phải tiêu thụ ở Việt Nam?

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM