Sau lần chết hụt, Từ Hi "cải tạo" gối để chống thích khách
Gối của Từ Hi sau khi "cải tạo" không chỉ dùng để chống thích khách, nó còn có 2 công dụng khác.
Từ Hi thái hậu trước nay luôn là một nhân vật lịch sử mà xung quanh có nhiều giai thoại đặc biệt. Tạm gác lại những thị phi, có một điều không thể phủ nhận, Từ Hi thái hậu là một "bậc thầy" trong việc dưỡng nhan và giữ gìn sức khỏe.
Hơn nữa, vì sống trong chốn hậu cung có vô số kẻ thù nên Từ Hi thái hậu còn có những bí kíp phòng thân có một không hai khiến hậu thế phải kinh ngạc. Và một trong số đó là cách dùng gối để dưỡng nhan, bảo vệ sức khỏe và phòng thân.
Chiếc gối của Từ Hi thái hậu có tới 3 công dụng. (Ảnh: Baidu)
CHIẾC GỐI "THẦN KỲ" CỦA TỪ HI THÁI HẬU
Hai công dụng đầu tiên của "chiếc gối thần" mà Từ Hi thái hậu sở hữu là dưỡng nhan và bảo vệ sức khỏe.
Trong cuốn "Thanh Cung Nhị Niên Ký" có ghi, mỗi năm cứ đến mùa thu hoa cúc nở rộ, Từ Hi thái hậu lại lệnh cho cung nữ đi hái những đóa hoa cúc lớn và hoa cúc dại để phơi khô, sau đó đem nhồi vào trong vỏ gối rồi sử dụng nó. Nếu cung nữ làm tốt công việc này khiến thái hậu vui lòng còn có thể được ban thưởng.
Hoa cúc vốn là loài thuốc quý, sau khi phơi khô có mùi thơm nhẹ rất dễ chịu. Lấy hoa cúc làm ruột gối có tác dụng an thần, giúp giấc ngủ sâu và ngon hơn. Ngoài ra, loại gối này còn góp phần làm sáng mắt, tỉnh táo, đả thông kinh mạch và điều hòa khí huyết, giúp phòng chống bệnh tật.
Nhờ những công dụng đó mà người sử dụng cũng trẻ lâu, da dẻ hồng hào và thần sắc tươi tắn hơn. Những công dụng của gối hoa cúc từ lâu đã được các thần y như Hoa Đà, Tôn Tư Mạc đề cập tới và coi đây như liệu pháp chữa bệnh bằng mùi hương.
Sử dụng "gối hoa cúc" đem lại nhiều công dụng cho nhan sắc và sức khỏe con người (Ảnh: Baidu).
Từ Hi thái hậu không phải người đầu tiên sử dụng loại gối này. Từ thời nhà Minh, danh y Lý Thời Trân đã ghi chép về "gối hoa cúc" trong cuốn "Bản Thảo Cương Mục". Đến thời Nam Tống, đại thi nhân Lục Du cũng rất thích sử dụng gối hoa cúc và từng nhắc tới loại gối này trong nhiều bài thơ của mình.
BÍ MẬT CỦA CHIẾC GỐI
Ngoài công dụng dưỡng nhan và bảo vệ sức khỏe kể trên, chiếc gối của Từ Hi thái hậu còn có tác dụng… phòng thân. Nghe hơi khó tin nhưng đây lại là sự thật được ghi lại trong sử sách.
Trong cuốn "Ghi chép chân thực về cuộc sống của Từ Hi thái hậu", Dụ Đức Linh - nhà văn người nước ngoài vừa là nữ quan hầu hạ Từ Hi thái hậu, ghi lại rằng có lần thái hậu bị thích khách võ nghệ cao cường tấn công, mặc dù may mắn thoát nạn nhưng kể từ hôm đó, Từ Hi thái hậu trở nên nơm nớp lo sợ.
Từ Hi lo lắng nếu việc như vậy xảy ra lần nữa thì tính mạng mình sẽ bị đe dọa. Cho nên, ngoài việc tăng cường phòng vệ, bà còn cho người "cải tạo" lại chiếc gối của mình.
Ở phần chính giữa của chiếc gối, Từ Hi thái hậu cho khoét một cái lỗ rộng chừng một một đồng xu xuyên qua gối, tạo thành một cái lỗ trông như lỗ đánh golf. Khi nằm nghiêng, một bên tai sẽ áp vào cái lỗ này nên không bị bịt chặt mà có thể nghe rõ mọi động tĩnh xung quanh.
Nhờ cái lỗ này mà Từ Hi thái hậu có thể kịp thời phát hiện nếu như xuất hiện thích khách. Khi đó, Dụ Đức Linh cũng đã lén thử nghiệm chiếc gối này, cung nữ này chia sẻ: "Tôi cảm thấy cái lỗ nhỏ này có tác dụng hơi giống một chiếc loa khuếch đại âm thanh, ít nhất nó cũng không hoàn toàn vô dụng".
Từ Hi thái hậu cho người khoét một lỗ ở giữa chiếc gối để… phòng thân (Ảnh minh họa: Baidu).
Trong xã hội ngày nay, việc sử dụng một chiếc gối phòng thân như Từ Hi thái hậu là không quá cần thiết. Tuy nhiên, bí kíp dùng gối hoa cúc của bà lại là một liệu pháp giữ gìn sắc đẹp, bảo vệ sức khỏe rất an toàn và có chi phí hợp lý mà mọi người đều có thể học tập và làm theo.