Liên quân tám nước kéo quân vào Bắc Kinh, tình thế vô cùng gấp gáp, tại sao Từ Hi vẫn cố giết Trân phi xong rồi mới bỏ chạy?
Trong tình thế cấp bách phải đi trốn lúc bấy giờ, tại sao Từ Hi vẫn còn tâm trí để “giải quyết” Trân phi?
Tháng 9 năm 1900, liên quân tám nước phương Tây tiến hành xâm lược Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ Hi thái hậu quyết định đưa hoàng đế Quang Tự đi Tây An lánh nạn.
Trên đường đi Tây An lánh nạn, Từ Hi đã đưa theo khá nhiều người, nhưng tuyệt nhiên không cho phép Trân Phi đi cùng. Thậm chí bà còn ra tay giết chết Trân Phi rồi mới bỏ chạy.
Theo trang Sohu (Trung Quốc), trước khi khởi hành, Từ Hi thái hậu đã lệnh cho thái giám đưa Trân Phi đang bị giam lỏng ở Lãnh cung đến trước mặt và nói:
"Người Tây đã đánh vào kinh thành rồi, tình hình bên ngoài đang rất loạn lạc, ai cũng không thể nói trước được điều gì, nếu không may bị làm nhục thì sẽ làm mất hết mặt mũi, thể diện của Hoàng gia, sẽ có lỗi với liệt tổ liệt tông, ngươi cần phải hiểu điều này."
Trân Phi sững sờ một hồi và rất nhanh đã hiểu rõ những mưu tính của Từ Hi, liền cầu xin được gặp mặt Hoàng thượng. Trước thỉnh cầu của Trân Phi, Từ Hi lập tức lật mặt và quát mắng: "Hoàng thượng cũng không cứu nổi ngươi đâu. Đem ả ta ném xuống giếng cho ta, người đâu!"
Lệnh của Thái hậu vừa dứt, Trân Phi đã bị hai thái giám lôi đi đến miệng giếng cạnh cổng Trinh Thuận. Tại đây, bà đã bị cưỡng chế và ném xuống miệng giếng, khi ấy Trân Phi chỉ mới 25 tuổi.
Vậy rốt cuộc vì nguyên cớ gì mà Trân Phi đã phải chết tức tưởi dưới tay Từ Hi thái hậu như vậy?
ÁI PHI CỦA QUANG TỰ NHƯNG LẠI LÀ KẺ THÙ CỦA TỪ HI
Trân Phi từ nhỏ đã sống ở Quảng Châu với bác trai là tướng quân thủ phủ Quảng Châu – Trưởng Thiện. Khi ấy, Quảng Châu là nơi tiếp xúc nhiều nhất với thế giới chủ nghĩa tư bản phương Tây, tư tưởng của những con người nơi đây cũng tiên tiến hơn so với người dân trong nước.
Hơn nữa, tư tưởng của Trưởng Thiện tướng quân cũng rất tiến bộ, ông quen biết và giao tiếp rộng với rất nhiều những nhân vật có học thức.
Sống trong một môi trường tiến bộ và cùng một nhân vật có tư tưởng tiên tiến như vậy, tư tưởng và cá tính của Trân Phi đương nhiên sẽ có những ảnh hưởng tương tự.
Ngày 5 tháng 10 năm 1889, Trân Phi và chị gái của mình – Cẩn Phi đã được chọn vào cung, khi ấy Trân Phi chỉ mới 13 tuổi, và Cẩn Phi cũng chỉ mới 15 tuổi.
Trân phi.
Trân Phi sở hữu nước da trắng không tì vết, thông minh xinh đẹp, tính cách lại hồn nhiên, sống động. Với vẻ ngoài và tính cách như vậy, nàng đã khiến cho một hoàng đế bấy lâu chỉ sống trong chốn thâm sâu của Tử Cấm Thành như Quang Tự không khỏi có cảm giác mới lạ.
Không những vậy, Trân Phi còn ủng hộ nền tri thức phương Tây, có những cách nhìn độc đáo, sâu sắc với những vấn đề triều chính. Tư tưởng của Trân Phi và vua Quang Tự cũng có rất nhiều điểm đồng điệu.
Khi bàn đến tư tưởng cải cách, họ đã đồng điệu nói ra rất nhiều những ý nghĩ trùng nhau mà mặc dù trước đó chưa hề bàn đến. Điểm này của Trân Phi đã làm cho vua Quang Tự càng thêm sủng ái, yêu quý bà.
Cũng vì chỉ sủng ái Trân Phi, nên vua Quang Tự luôn lạnh nhạt với hoàng hậu Long Dụ, điều này khiến hoàng hậu rất tức giận và ghi thù Trân Phi.
Do đó, hoàng hậu Long Dụ đã rất nhiều lần kể lể đủ những hành động không đúng của Trân Phi trước mặt cô ruột của mình – Từ Hi thái hậu. Những màn "cáo trạng" Trân Phi của hoàng hậu Long Dụ khiến Từ Hi dần dần hình thành cảm giác chán ghét đối với Trân Phi.
NHỮNG TỘI DANH KHIẾN TRÂN PHI BỊ TỪ HI KHÉP VÀO TỘI CHẾT
Ngày 28 tháng 10 năm Quang Tự thứ 20 (năm 1894), Từ Hi thái hậu đã khép tội Trân Phi vào những tội danh: mua quan bán tước, bất kính với thái hậu, can dự vào việc triều chính, và một số tội danh khác.
Sau đó, thái hậu đã hạ lệnh "ban" cho Trân Phi hình phạt "Sỉ y đình trượng". Hình phạt này có nghĩa là, phạm nhân sẽ bị lột hết quần áo ở trên người và bị đánh bằng một thanh gỗ dài.
Thân là một phi tử mà lại bị lột đồ chịu đánh trước mặt bao nhiêu kẻ hầu người hạ, hình phạt mà Trân Phi phải chịu quả thực là một sự việc vô cùng hiếm thấy trong lịch sử nhà Thanh.
Trong những tội danh nêu trên của Trân Phi, có tội "Mua quan bán tước" là sự thật, thế nhưng trên thực tế, tại thời kì cuối của nhà Thanh, việc "mua quan bán tước" này lại là một bí mật "công khai", thậm chí còn được coi là hợp lệ hợp pháp.
Bởi vì khi đó trong triều đình nhà Thanh đang rất thịnh hành chế độ Quyên Nạp, tức là việc mua quan bán tước công khai như vậy để giúp giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong vấn đề tài chính của triều đình nhà Thanh.
Từ Hi thái hậu
Còn về tội danh "Bất kính với thái hậu", việc này cho dù Trân Phi không làm thì cũng vẫn sẽ phải nhận, bởi người kết tội này cho Trân Phi lại chính là bản thân Từ Hi thái hậu, nên đương nhiên đích thân thái hậu nói Trân Phi bất kính với mình, Trân Phi cũng đâu có thể biện hộ hay chối cãi.
Và thật ra, hành động của Trân Phi khiến Từ Hi thực sự phải nổi cơn thịnh nộ chính là việc Trân Phi can dự chuyện triều chính.
Tuy rằng khi ấy, Từ Hi thái hậu là người nắm đại quyền trong tay, bà nói là một sẽ không ai dám cãi là hai, thế nhưng Từ Hi lại rất ác cảm với việc "nữ nhân can dự triều chính", đương nhiên là trừ bản thân bà ta ra.
Vậy nên, việc Trân Phi thường xuyên thảo luận vấn đề về tư tưởng cải cách với vua Quang Tự đã khiến cho Từ Hi thái hậu quyết không dung thứ.
Ảnh minh họa
Năm Quang Tự thứ 24 (năm 1898), sau khi biến pháp Mậu Tuất thất bại, vua Quang Tự bị Từ Hi giam lỏng.
Còn Trân Phi bị khép vào tội can dự triều chính nên cũng bị đưa đi giam lỏng tại một cung điện ở khu Đông Bắc của Tử Cấm Thành, bà đã bị giam lỏng tại đây mãi cho đến khi Liên quân tám nước phương Tây tiến vào kinh thành.
Chính vì những lý do nêu trên mà Từ Hi mới quyết phải giết chết Trân Phi, chứ không phải vì Trân Phi đã khiến cho Từ Hi cảm thấy bị uy hiếp, một phi tử nhỏ nhoi đương nhiên đâu thể khiến Hoàng thái hậu lo sợ điều gì.
Và quan trọng hơn hết, hành động giết Trân Phi của Từ Hi là chủ đích nhắm vào vua Quang Tự, Từ Hi muốn Quang Tự biết rằng, ông có là Thiên tử của một nước thì rốt cuộc cũng chỉ là một con rối trong tay bà mà thôi!