Be Group ra mắt dịch vụ giúp việc theo giờ chuẩn khách sạn: Nhanh chân đi trước các đối thủ trên đường đua "siêu ứng dụng’'
Be Group đang tiến rất nhanh trên con đường trở thành 1 siêu ứng dụng số 1 tại Việt Nam ở mặt số lượng, khi ra mắt dịch vụ thứ 12 – beGiúpviệc. Ngược lại, Grab mới chỉ có 6 và có vẻ họ muốn phát triển theo chiều sâu hơn là rộng. Be Group đang đi theo con đường mà Gojek đã đi ở quê hương Indonesia, khi đang có gần 20 dịch vụ trên app.
Từ giấc mơ ‘siêu ứng dụng số 1 Đông Nam Á’ dang dở của Gojek
“Trở thành một siêu ứng dụng có thể phục vụ nhu cầu tối đa trong cuộc sống của người tiêu dùng” chính là mục tiêu mà tất cả các nền tảng gọi xe đều nói đến cách đây vài năm. Tuy nhiên, vì ‘cơm áo gạo tiền’ mà chưa ứng dụng nào thực sự chạm được tới đích cuối cùng.
Gojek chính là người đến gần nhất với mục tiêu tối thượng nói trên, nhưng chỉ trong phạm vi quê hương Indonesia. Gojek ra mắt thị trường Indonesia năm 2009, năm 2015 họ chỉ có 4 dịch vụ chính là gọi xe – giao nhận – mua sắm – đặt thức ăn; nhưng đến năm 2018, trên app của họ đã triển khai được thêm 14 dịch vụ bao gồm: cắt tóc, giúp việc, massage, chăm sóc – sửa chữa xe, bán vé phim/show ca nhạc…
Tất nhiên, không phải tất cả sản phẩm Gojek đều tự xây và quản lý mà có vài cái là hợp tác với bên thứ 2 như dịch vụ taxi Blue Bird, đặt thuốc tây kết hợp với HaloDoc… Hiện tại, sau nhiều lần điều chỉnh đóng cửa – mở mới, trên app của Gojek Indonesia có khoảng 20 dịch vụ.
Với những dịch vụ ra mắt trong thời gian gần đây, Gojek Indonesia có xu hướng đào sâu khai thác tệp đối tác – khách hàng hiện có, thay vì mở rộng. Ví dụ như dịch vụ Gojek PLUS ra mắt vào tháng 5/2024, đây là gói giảm giá các dịch vụ trên app trong thời gian 14, 30 hoặc 90 ngày được bán cho người dùng.
Năm 2018, Gojek từng thông báo sẽ đổ vào 500 triệu USD để mở rộng thị trường đến Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines. Sau đó, họ đã không vào Philippines sau vài lần đầu đăng ký không thành công và hiện cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam, Thái Lan (bán lại cổ phần lại cho AirAsia Digital) và chỉ còn hoạt động ở mỗi Singapore.
Chiến lược ban đầu của Gojek ở Việt Nam hay Thái Lan có lẽ là sau khi đứng vững trong thị trường các dịch vụ cơ bản như gọi xe – giao nhận – mua sắm – đặt thức ăn, thì mới triển khai các dịch vụ khác như đã làm ở Indonesia. Tuy nhiên, vị thế của họ ở 2 thị trường này khác hoàn toàn ở Indonesia, Gojek phải vật vã để tồn tại trước sự cạnh tranh quyết liệt của rất nhiều ông lớn châu Á lẫn bản địa.
Trong khoảng năm 2022, ở thị trường Việt Nam, ngoài đấu trực diện trên mọi mặt trận cùng Grab và Be Group, Gojek còn phải đọ sức với Baemin – Shopee Food ở mảng đặt thức ăn và Xanh SM/VinGroup ở mảng gọi xe. Năm 2023, Baemin đã quyết định rời Việt Nam, nhưng thế mạnh của Gojek là ở mảng gọi xe chứ không phải đặt thức ăn, nên ‘kỳ lân’ này không còn gồng được nữa.
Hiện tại, Gojek chỉ còn hoạt động ở 2 thị trường chính là Indonesia và Singapore. Với việc đã thành công lên sàn chứng khoán Indonesia sau khi sáp nhập với Tokopedia trở thành ToGo năm 2021, Gojek có vẻ sẽ ưu tiên tìm kiếm lợi nhuận thay vì mở rộng thị trường ra khắp Đông Nam Á.
Be Group sẽ đi con đường giống Gojek ở Indonesia?
Nếu tính trên bình diện Đông Nam Á, ở trong cuộc đua giữa Grab – Gojek, phần thắng đã nghiêng về phía Grab khi ‘kỳ lân nhiều sừng’ này đang dẫn đầu thị phần ở 4 thị trường lớn nhất Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia; chỉ thua ở Indonesia – sân nhà Gojek. Năm 2021, thông qua hình thức SPAC, Grab cũng thành công xuất hiện trên sàn chứng khoán NASDAQ – Mỹ.
Với Grab, khái niệm ‘siêu ứng dụng’ của họ khác đối thủ Gojek, họ thường chỉ tập trung cung cấp các nhu cầu tối thiểu của người dùng như ăn uống – đi lại – mua sắm.
Ví dụ, ở thị trường Việt Nam, Grab cho biết mình đang có 15 dịch vụ sau 10 năm, tuy nhiên, nếu gói gọn các dịch vụ cơ bản thì họ chỉ có 6 mảng chính: Giao hàng, đi chợ, gọi xe máy, gọi xe ô tô, gọi đồ ăn và đặt phòng khách sạn liên kết với 2 OTT là Agoda/Booking.com. Còn những dịch vụ khác như Quà tặng hay Bán voucher thì đều là để tăng tần suất mua hàng của khách hàng hoặc tăng giá trị của 6 dịch vụ cơ bản.
Trong quá khứ, Grab cũng đã ra mắt vài dịch vụ giống như Gojek như GrabKitchen hay Nạp tiền điện thoại, nhưng sau đó họ đã đóng 2 dịch vụ này để tập trung vào những dịch vụ cốt lõi đang có. Bên cạnh đó, Grab cũng đã từ bỏ ví điện tử Moca hay không tiếp tục dự án Ngân hàng điện tử đã đăng ký với Chính phủ Việt Nam.
Ngược lại, Be Group ngày càng mở rộng giải dịch vụ của mình. Mới đây, Be Group vừa chính thức ra mắt dịch vụ beGiúpviệc – dịch vụ dọn dẹp theo giờ chuyên nghiệp được xây dựng theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Đây là dịch vụ mà Be Group tự tuyển người, tự huấn luyện và tự quản lý, không phải liên kết với một bên thứ 3 như các app chuyên về giúp việc.
Cuối tháng 10/2024, beGiúpviệc đã được triển khai đầu tiên tại TP.HCM và dự kiến tiếp tục mở rộng thị trường tại Hà Nội vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
“Theo Grand View Research, quy mô Thị trường dịch vụ tại nhà theo yêu cầu trực tuyến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn 2022 - 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 19,2%.
Trong đó, xu hướng tìm giúp việc gia tăng được lý giải bởi lối sống bận rộn tại các đô thị lớn. Người trẻ đô thị ngày càng ưu tiên phát triển bản thân hơn, từ tìm kiếm thêm cơ hội việc làm đến chăm sóc cá nhân, học ngôn ngữ, kỹ năng mới... Do đó, họ không còn nhiều thời gian cho việc dọn dẹp nhà cửa, dù vẫn chú trọng đến không gian sống sạch sẽ, ngăn nắp.
Thực tế này cho thấy: có tiềm năng lớn trong việc tạo ra giá trị thông qua cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, cũng như tiềm năng tạo thêm thu nhập cho các cá nhân lao động thời vụ hoặc cần tìm một công việc linh hoạt, tiện lợi. beGiúpviệc - dịch vụ giúp việc theo giờ ra đời trong bối cảnh đó.
Mặt khác, nghiên cứu của Be Goup cho thấy: một bộ phận người giúp việc ưu tiên chọn công việc theo giờ hơn là làm cố định tại một hộ gia đình vì tính linh hoạt, giúp họ làm được nhiều việc hơn trong ngày mà không phụ thuộc vào sinh hoạt của chủ nhà. Tuy nhiên, có hơn 90% lao động giúp việc là nữ giới trong môi trường phi chính thức, gây thách thức cho việc quản lý và đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và khách hàng.
Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về một nền tảng công nghệ chuyên nghiệp với chương trình đào tạo bài bản, mang lại lợi ích bền vững cho cả khách hàng và đối tác”, Đại diện của Be Group tiết lộ về lý do ra đời dịch vụ mới này.
Đây là dịch vụ thứ 12 trên app của Be Group, trước đó họ đã ra mắt các sản phẩm khá đặc biệt như: Mua trước – trả sau, bán bảo hiểm xe ô tô – xe máy – du lịch, cho thuê xe ô tô, bán vé tàu hỏa – máy bay, taxi liên minh với Xanh SM… Theo đó, Be Group đang là ứng dụng gọi xe có nhiều dịch vụ nhất ở Việt Nam – xứng danh ‘siêu ứng dụng’ và con đường đi khá giống Gojek ở Indonesia.
Và với tốc độ mở rộng dịch vụ theo chiều rộng như thế này, ngày lượng sản phẩm trên app Be Group bằng Gojek Indonesia sẽ không còn xa. Với sự hậu thuẫn của rất nhiều nguồn lực quốc gia, tham vọng đánh bại Grab trên sân nhà của Be Group không phải là không có cơ sở.