Xây dựng thương hiệu cho startup: Không cần tốn quá nhiều tiền
Một trong những chiến lược quan trọng nhất dành cho mọi doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu – điều dường như khó khăn hơn cả đối với các start-up.
Khởi nghiệp luôn là chủ đề tạo ra nhiều cảm hứng cho hàng triệu người. Tuy nhiên, nói thì dễ làm thì khó. Mọi thứ hỗn loạn, bản thân những nhà kinh doanh còn chưa thích nghi được với công việc và môi trường mình do chính mình tạo nên. Có rất nhiều điều cần phải làm và không phải ai cũng có thể vượt qua được những khó khăn.
Kết quả là, có rất nhiều start-up trên thế giới được thành lập nhưng lại nhận được rất ít sự tài trợ cũng như các nguồn lực.
Đưa ra những lời khuyên cho những doanh nghiệp non trẻ này, chuyên gia quản lý Eric Ries đã viết một cuốn sách có tựa đề “The Lean Startup” với nội dung liên quan đến những khó khăn của các startup. Trong cuốn sách này, Eric Ries đã mang đến một cái nhìn khách quan cũng như những đánh giá chuyên sâu về khởi nghiệp, cũng như các lý thuyết căn bản và logic nhất để đưa một công ty tới thành công.
Hai tiêu chí chính mà Ries đưa ra đó là:
- Hãy bắt đầu từ một sản phẩm khả thi dù nó nhỏ bé hay giản đơn, và lên kế hoạch kiếm tiền với sản phẩm đó. Đừng mất thời gian chờ đợi những gì quá hoàn hảo.
- Mang đến sự linh hoạt và dễ dàng thích nghi cho doanh nghiệp của mình, đặc biệt khi đón nhận những phản hồi của khách hàng.
Ngoài những điều trên, một trong những chiến lược quan trọng nhất dành cho mọi doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu – điều dường như khó khăn hơn cả đối với các startup. Ngay từ việc chọn một cái tên đủ tốt, xuyên suốt và định hướng rõ nét về công ty, giúp thương hiệu này trở nên nổi bật đã là một thử thách cho các chuyên gia marketing.
Xây dựng thương hiệu cho một startup nghĩa là bạn phải lách qua khe cửa hẹp, cố gắng thích ứng với những điều kiện còn thiếu hụt của các doanh nghiệp này. Họ không có quá nhiều tiền cũng không có được sự hậu thuẫn cần thiết.
Đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả và đặc biệt không tốn kém là những gì cần có trong bước đầu xây dựng thương hiệu cho startup.
Thương hiệu non trẻ
Có rất nhiều những bài viết chia sẻ về cách xây dựng thương hiệu cho một start-up hiện nay, tuy nhiên vô hình chung lại tạo nên một cái nhìn rối rắm và khó hiểu cho những người muốn học hỏi. Hơn nữa, những bài viết này lại mang đậm dấu ấn chủ quan nhiều hơn mà không cung cấp những nội dung cốt lõi cần thiết.
Chúng ta phải hiểu rằng, xây dựng được thương hiệu là một công việc phức tạp đòi hỏi rất nhiều thứ từ nghiên cứu thị trường đến điều tra khoa học.
Đặc biệt đối với một startup, bạn không biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Không phải tất cả các cuộc khảo sát đều có thể cho bạn câu trả lời rõ ràng về đối tượng khách hàng thực tế, đâu là động lực khiến họ sử dụng sản phẩm của bạn?
Một chiến lược thương hiệu cho startup là sự kết hợp của việc phỏng đoán và tưởng tượng. Thông thường, các công ty khởi nghiệp đều phải ghi nhớ 4 yếu tố đầu tiên tạo nên thương hiệu sau:
- Một cái tên tuyệt vời
- Một tên miền hoàn hảo
- Logo đơn giản nhưng nổi bật
- Website được thiết kế chuyên nghiệp
Tất cả các công ty đều bắt đầu với một cái tên, sau đó là website, email. Bạn sẽ phải tìm hoặc thiết kế cho mình một trang web phù hợp với công việc kinh doanh. Một tài khoản mạng xã hội sẽ giúp bạn đẩy nhanh độ hiện diện thương hiệu bên cạnh một logo đặc trưng.
Sau đây là những phân tích kĩ hơn về những gì bạn phải làm để biến 4 bước trên trở thành bước đà hoàn hảo cho việc xây dựng thương hiệu của mình:
Chọn tên như thế nào?
Đặt tên cho một doanh nghiệp thường rất khó khăn và hay bị mang tính chủ quan, sau đây là hai định hướng gợi ý cho bạn về cách đặt tên một công ty:
- Tránh những cái tên quá chi tiết: Những cái tên này sẽ mang lại một cảm giác không mấy chuyên nghiệp, khó nhớ và khó tìm kiếm trên Internet. Bạn có muốn công ty của mình chìm nghỉm trong vô vàn cái tên ấn tượng hơn hay không?
- Xác định phong cách doanh nghiệp ngay trong tên gọi: Phong cách chứ không phải sản phẩm hay dịch vụ của công ty. Doanh nghiệp của bạn theo style sáng tạo, vui vẻ, tươi trẻ, hiện đại hay truyền thống. Bạn muốn hướng đến đối tượng cao cấp hay bình dân, yêu công nghệ hay không? Việc định hướng phong cách doanh nghiệp sẽ khiến công ty của bạn trở nên khác biệt và dễ nhận biết, đồng thời tạo nên sự chuyên nghiệp và nhất quán cần có của một thương hiệu lớn.
Hãy quên đi tính logic và đặt cho mình cái tên mang đậm dấu ấn công ty của chính mình
Tên công ty có trước, hay tên miền có trước?
Tốt nhất là chúng nên có cùng một lúc, không nên đặt tên công ty rồi mới nghĩ đến tên miền. Một tên miền hoàn hảo tức là được bảo mật tốt mà bạn có thể mua lại. Chất lượng và giá cả luôn đi đôi với nhau, việc của bạn là tìm được một nguồn mua tên miền đáng tin cậy và phù hợp với các tiêu chí doanh nghiệp của mình. Tên miền tốt hoàn toàn có thể thúc đẩy độ lan tỏa của thương hiệu và khiến chúng trở nên nổi bật hơn.
Nếu muốn xây dựng một thương hiệu đủ mạnh về độ nhất quán, tên miền luôn phải được đầu tư và chọn lựa kĩ càng song song với tên công ty.
Liệu có cần một logo bắt mắt?
Nếu bạn quen biết một nhà thiết kế đầy sáng tạo và lại hiểu rõ về định hướng cũng như phong cách của doanh nghiệp, hãy liên hệ ngay với người đó để tạo nên một logo tuyệt vời, hội tụ cả tính nghệ thuật và nội dung thông điệp bạn muốn gửi gắm đến khách hàng.
Đối với hầu hết các start-up, một logo đơn giản nhưng toàn diện là đủ, không cần quá cầu kì.
Logo cần nhất là sự rõ ràng, dễ hiểu, không nên quá kiểu cách với nhiều hoa văn hay hình ảnh ẩn dụ trong đó. Thậm chí trong nhiều trường hợp, một logo đơn giản cũng có thể khiến khách hàng bối rối do hình ảnh không ấn tượng để dễ lưu lại trong tâm trí. Đó là lý do bạn cần tham khảo các nhà thiết kế có kinh nghiệm.
Giải thích một cách súc tích về doanh nghiệp của bạn cũng như thông tin muốn đưa vào logo, họ sẽ cho bạn những mẫu thiết kế để có thể chọn lựa hoặc chỉnh sửa.
Các doanh nghiệp đều trải qua rất nhiều lần thay đổi logo mới có thể đạt được sự hoàn hảo như hiện tại. Vì vậy, chẳng có gì phải lo lắng khi ở giai đoạn đầu bạn có một logo chưa thực sự tuyệt vời. Theo từng giai đoạn cũng như sự phát triển của doanh nghiệp, logo cũng sẽ dần được chỉnh sửa cho phù hợp khi bạn có cái nhìn rõ nét hơn về định hướng công ty cũng như thị hiếu của khách hàng.
Làm thế nào để có được một trang web thông minh?
Với sự phát triển của công nghệ và các ứng dụng tiện ích, không khó để bạn có thể xây dựng được một website với format chuẩn, chuyên nghiệp cho công ty của mình mà không cần đến một web designer. Tuy nhiên, để nó trở nên khác biệt thì còn phải tùy thuộc vào tư duy của những người lãnh đạo.
Các phần mềm có thể giúp bạn về mặt công nghệ, nhưng các bài trí, sắp xếp, nội dung hay tần suất đưa thông tin đều phải do các công ty tự lên kế hoạch. Đừng quá ỷ lại vào những module có sẵn, hãy sáng tạo hơn để phù hợp với phong cách của mình, đồng thời tạo dấu ấn riêng khó phai với những khách hàng ghé thăm trang web.
Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình đòi hỏi nỗ lực và không thể mang lại thành công ngay lập tức. Hãy bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất và thực hiện chúng thật hoàn hảo.
Có rất nhiều thứ mà bạn có thể làm được, thậm chí một cách chuyên nghiệp, mà không cần quá nhiều tiền, phải không?