Facebook: “Bà đỡ” mát tay của các startup
Nhà điều hành cấp cao của Facebook đã tiết lộ cách Mạng xã hội này trở thành hệ sinh thái số, giúp nhiều nhà phát triển ứng dụng xây dựng thành công ty tỷ USD với xuất phát điểm khởi nghiệp chỉ từ tầng hầm – và lý do vì sao mức định giá như “trên trời” dành cho các công ty khởi nghiệp dạng như vậy lại hợp lý.
Không thể đếm được hết số lượng các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ nền tảng giúp các công ty khởi nghiệp mọc lên như nấm từ khắp mọi nơi, trở thành mối đe dọa ăn dần mòn thị phần và lợi luận của các ông lớn lâu đời có truyền thống trong ngành, điển hình như Uber, Spotify, Netflix và Airbnb.
Nhưng ẩn đằng sau tất cả startup là một siêu quyền lực, cung cấp nhiên liệu giúp nền kinh tế ứng dụng bay cao: Facebook.
Mạng xã hội khổng lồ chính là một trong những lực lượng chính góp phần thay đổi cục diện các mô hình kinh doanh truyền thống bằng cách cung cấp cho các nhà phát triển công cụ phân tích và sáng tạo, để họ có thể xây dựng, phát triển và kiếm tiền từ ý tưởng khác thường của mình. Tất cả nhờ vào cây đũa thần Facebook Platform (nền tảng Facebook).
Và người đang ở trung tâm ấy chính là Julien Codorniou, với mái tóc và giọng nói nhỏ nhẹ, dường như đối lập với hình dung về người dân ở vùng làng chài Gruissan phía nam nước Pháp, cũng là người đang nắm giữ sức mạnh tối thượng.
Codorniou hiện đang là Giám đốc đối tác nền tảng toàn cầu Facebook, chịu trách nhiệm liên kết với vô số công ty đang sử dụng nền tảng Facebook nhằm tiếp cận hơn 1,5 tỷ người dùng của mạng xã hội này.
Julien Codorniou, giám đốc đối tác nền tảng toàn cầu Facebook
Facebook Platform ra đời năm 2007 với mục đích cho phép nhà phát triển sáng tạo nội dung nhưng game, tin tức để người dùng có thể chơi và mua bán ngay trên trang Facebook.com. Chỉ trong 1 năm, khoảng 30.000 ứng dụng đã được tạo ra trên Facebook.
Sau đó, nhận thấy được tiềm năng khổng lồ, công ty có trụ sở ở Menlo Park đã mở cổng, cho phép các nhà phát triển có thể thiết kế ứng dụng hoạt động độc lập ngoài website Facebook.com.
Ngày nay, bất kỳ ứng dụng nào kết nối với cộng đồng sử dụng Facebook – 1,49 tỷ người dùng hàng tháng, chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu – đều được xem là một phần nền tảng Facebook. Nơi mà chỉ với 1 công cụ đơn giản như “Đăng nhập với Facebook – Login with Facebook” đã cho phép hàng triệu ứng dụng có thể đứng trên vai người khổng lồ, sẵn sàng tiếp cận 50% người dùng internet toàn cầu.
Facebook, doanh thu 4 tỷ USD lần đầu tiên trong quý vừa rồi, có mức tăng trưởng người dùng hàng tháng ở mức 13% trong cả năm 2014 và tăng trưởng người dùng hàng ngày 17%. Theo thống kê, số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Mỹ dùng 20% thời gian sử dụng điện thoại của họ cho 1 ứng dụng Facebook.
“Mọi người thường nghĩ nền tảng Facebook là dành cho game trên web, kiểu như Farmville hay Candy Crush”, Codorniou nhận định. “Không ai kết nối được các dấu chấm để thấy Facebook đứng đằng sau các công ty như Airbnb, Uber và Spotify. Nhưng tham vọng chính là chỗ chúng tôi muốn thúc đẩy tăng trưởng của họ, ngay cả khi điều đó vô hình với người dùng”.
Codorniou và nhà sáng lập kiêm CEO Facebook, Mark Zuckerberg, chụp năm 2012
Những công cụ đơn giản của nền tảng, bao gồm công cụ cho phép người dùng đăng nhập với tài khoản Facebook, cho phép người dùng chia sẻ nội dung như một câu chuyện mới hay một kết quả trắc nghiệm trên Facebook cá nhân và mời bạn bè dùng ứng dụng để đổi lấy phần thưởng, thường là miễn phí.
Facebook Platform bán quảng cáo hướng đối tượng cho các nhà phát triển dựa vào miêu tả mục tiêu của ứng dụng như hướng vào thói quen nào đó của người dùng hoặc cho người dùng đang có biết thông tin về bản cập nhật. Facebook cũng sẽ thu 30% phí cho mỗi lần thanh toán trong ứng dụng thông qua hệ thống thanh toán của mình.
Dĩ nhiên, những ứng dụng này cũng có thể chọn các nền tảng khác như iOS của Apple hay Android của Google, nhưng Codorniou tin rằng có sự khác biệt lớn giữa các hệ điều hành này và nền tảng của Facebook.
“Lợi thế độc nhất của chúng tôi chính là hệ thống phân phối, chúng tôi cung cấp cơ hội tiếp cận hơn 1 tỷ người dùng trên bất kỳ thiết bị nào mà không ai có thể đạt được trước đó”, Codorniou tự tin. “Và chúng tôi chắc chắn là công ty cung cấp nền tảng duy nhất trên thế giới có năng lực tạo hệ sinh thái đa nền tảng xuyên suốt”.
Facebook tuyên bố có 3,5 tỷ ứng dụng chỉ phát triển trên nền tảng này được cài đặt qua máy tính và thiết bị di động trong năm 2014 và hơn 5 tỷ nội dung đến từ ứng dụng đối tác thứ 3 được chia sẻ qua nền tảng Facebook vào năm ngoái.
8 tỷ USD chính là con số Facebook đã thanh toán cho các nhà phát triển trong hơn 5 năm vừa qua.
Theo một báo cáo được Deloitte công bố gần đây theo sự ủy quyền từ Facebook, đã tiết lộ mức đóng góp của nền tảng Facebook trong năm 2014 cho nền kinh tế toàn cầu ở mức 29 tỷ USD và 660.000 việc làm, hầu hết trong số đó đến từ ứng dụng bên thứ ba được phát triển bên ngoài Facebook.
Các nước Châu Âu là nơi được hưởng lợi lớn nhất từ hiệu ứng kinh tế của nền tảng này, thúc đẩy kinh tế của khối với mức đóng góp 10,5 tỷ USD và hỗ trợ 198.000 việc làm có liên quan, chiếm hơn một phần ba.
Điều này có nghĩa nếu bạn là một startup non trẻ đang kiếm tăng trưởng thần kỳ, việc bạn cần làm được đó là đem công ty của mình đặt trước mặt Codorniou.
Một số công ty khởi nghiệp thành công nhất Châu Âu đều nhận được lợi ích do nền tảng Facebook mang lại, bao gồm King, tác giả làm nên game Candy Crush Sage, đạt mức vốn hóa thị trường 4,9 tỷ USD sau khi niên yết tại sàn London năm ngoái; Spotify, công ty khởi nghiệp được định giá cao nhất Châu Âu, 8,5 tỷ USD; và SuperCell, studio Phần Lan đứng sau game di động đem về doanh thu cao nhất thế giới, Clash of Clans, được một số nhà phân tích định giá rất cao, 11 tỷ USD.
“Tôi gọi đó là sự trỗi dậy của các siêu startup Châu Âu”, Codorniou, vốn vẫn làm việc tại London, nhận định. “Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận diện và kết nối với những công ty như vậy càng sớm càng tốt. Chúng tôi luôn tìm kiếm nhân tố tiềm năng kế tiếp.
Ai sẽ là King.com trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc? Ai sẽ là King.com trong lĩnh vực hẹn hò ở Thụy Điển? Đây là một phần của những gì chúng tôi đang làm và tôi rất lạc quan về khả năng ở Châu Âu”.
Nhà sản xuất game Clash of Clans, Supercell, thu được 1,5 tỷ USD nhờ bán 51% cổ phần cho Softbank và GungHo vào năm 2013.
Codorniou nhấn mạnh đem đến sự thành công cho những công ty như King, vốn được gọi là “ví dụ nổi tiếng nhất” về hiệu quả của nền tảng Facebook, là trong tầm với của ông lớn mạng xã hội này.
“Nếu bạn nhìn vào việc làm của các công ty khởi nghiệp như huy động vốn, niêm yết và bị thâu tóm – tất cả đều có điểm chung là đang dùng nền tảng Facebook để xây dựng, tăng trưởng và kiếm tiền cho ứng dụng của mình”, Codorniou cho biết.
Nhà sáng lập và cũng là Giám đốc sáng tạo của King, Sebastian Knutsson, cho rằng việc gia nhập là một quyết định xoay chuyển vận mệnh, ngang ngửa quyết định mở rộng sang lĩnh vực di động.
Tuy nhiên, các câu hỏi hoài nghi về mức định giá cao ngất ngưỡng dành cho các công ty vẫn đang ở giai đoạn trứng nước và làm thế nào những công ty như Uber, công ty khởi nghiệp mới chỉ 6 năm tuổi và vẫn ở giai đoạn thua lỗ có thể chạm mức giá trị 50 tỷ USD.
Hay như Airbnb, website cho thuê nhà mới chỉ 7 năm tuổi và không sở hữu bất cứ bất động sản nào, có thể được định giá 25,5 tỷ USD, cao hơn cả mức vốn hóa của thương hiệu quản lý khách sạn hàng đầu Marriott.
Thế nhưng Codorniou, người từng có thời gian làm việc trong quỹ đầu tư mạo hiểm trước khi trở thành giám đốc phát triển khách hàng doanh nghiệp tại Microsoft, sau đó chuyển đến Facebook, tin rằng các mức định giá không tưởng liên tục được xác lập, đi đầu là Facebook, là vì các doanh nghiệp này hoặc là có thể thu hút hàng trăm triệu người dùng trên toàn cầu cực kỳ nhanh hoặc là khách hàng bỏ rất nhiều thời gian sử dụng sản phẩm của họ.
“Supercell là một doanh nghiệp Phần Lan với chỉ 150 nhân viên làm ra được 3 game nhưng lại đem về 1,7 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái. Mức định giá được xác lập dựa trên khả năng của Super, mức độ gắn kết người dùng và lợi nhuận làm ra là quan điểm rất mới”.
Tác giả game di động Flappy Bird kiếm được 50.000 USD mỗi ngày. Nguồn ảnh: cnet.com
Cách đây một thập kỷ - khi Facebook còn là một website được xây dựng trong trường đại học với tên gọi thefacebook.com – một startup sẽ phải chi hàng đống tiền để lập trình phần mềm từ đầu, tuyển dụng nhân sự và xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình.
Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể tạo một ứng dụng với giá rất thấp, đưa lên một nền tảng như Facebook, iOS hay Android và chỉ sau một click chuột, ứng dụng đã có thể được tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới.
“Rào cản gia nhập ngành chưa bao giờ thấp như vậy, bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể tạo một ứng dụng tuyệt vời cực kỳ dễ dàng và trở thành một công ty tiềm năng tỷ USD”, Codorniou hào hứng.
Điển hình như Flappy Bird, một game đơn giản nhưng lại gây nghiện – được một nhà phát triển Việt Nam hoàn thành chỉ trong vài ngày – có thời điểm đã trở thành game được tải nhiều nhất trong hệ thống Apple Store.
“Flappy Bird có 50 triệu người dùng với chỉ 1 lập trình viên ở Việt Nam và anh ta có được thu nhập 50.000 USD mỗi ngày”, Codorniou cho biết. “Thế giới hiện nay là thế giới phẳng, mọi người cạnh tranh với nhau và được đối xử công bằng trong các kho ứng dụng khắp thế giới”.
Giá trị huy động vốn và số thương vụ liên quan đến các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Châu Âu từ quý II năm 2012 đến quý 2 năm 2015. Đơn vị tính: Tỷ Euro.
Châu Âu, nơi mà các công ty khởi nghiệp đi đầu không có nguồn lực, kinh nghiệm, vốn như các startup ở Mỹ, đã hưởng lợi rất nhiều nhờ internet đã đem lại khả năng tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng hơn.
Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, các quỹ đầu tư mạo hiểm chống lưng các công ty startup ở Châu Âu đã huy động được nguồn vốn hơn 3 tỷ Euro, tăng 12% so với Quý đầu tiên của năm 2015 và tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Dow Jones Venture Source cho biết.
“Thị trường mới nổi cũng sẽ được hưởng lợi. Nơi đâu có tài năng công nghệ, nơi đó sẽ có các công ty tỷ USD”, Codorniou nhận định.
Facebook muốn mình trở thành trung tâm, bao xung quanh là những con kỳ lân, là những công ty dùng công nghệ để phá vỡ trật tự cũ ở các ngành khác nhau, với mở đầu từ các công ty sản xuất game. “Khi Facebook Platform ra mắt, chúng tôi trở thành nền tảng phát triển game lớn nhất thế giới một cách rất tình cờ - đó không phải là điều chúng tôi trông đợi từ đầu”.
Codorniou dùng thử thiết bị đeo thực tế ảo Oculus Crescent Bay tại hội nghị Web Summit ở Dublin năm 2014.
Mạng xã hội Facebook đã tiến hóa từ một website sang một hệ điều hành rồi lại thành hệ sinh thái, muốn được chuẩn bị tốt hơn để đón tiếp làn sóng kế tiếp: Trước tiên là các dịch vụ trò chuyện (chat), với động thái ra mắt nền tảng Messenger Platform. Sau đó là thực tế ảo, mở đầu với thương vụ 2 tỷ USD thâu tóm Oculus, công ty mà Codorniou tự tin sẽ trở thành nền tảng không chỉ cho game mà còn cho giáo dục, giải trí, mua sắm và thể thao.
“Làn sóng này không chỉ đang diễn ra trong thế giới game mà đang lan ra nhiều ngành khác như thương mại điện tử, truyền thông, giải trí, du lịch, hẹn hò. Và đó chỉ là mới bắt đầu”, Codorniou hào hứng. “Mỗi ngành đều nhận thấy được cơ hội và sức mạnh của nền tảng – thậm chí có cả ngân hàng, dịch vụ chuyển phát thức ăn, dịch vụ vệ sinh – tất cả đều rất mới”.