Greenhandshake: Startup Việt hỗ trợ hàng triệu người nhập cư vào Mỹ
Đã có rất nhiềudự án, hoạt động hỗ trợ người nhập cư vào Mỹ được triển khai thông qua website, mạng xã hội. Và Greenhandshake đang được đánh giá là một trong những công cụ hỗ trợ hàng triệu người nhập cư một cách hữu hiệu nhất. Cha đẻ của start-up này là Nguyễn Hoàng Sơn, một cựu du học sinh từng một mình đến Mỹ năm 2009.
Công cụ hữu hiệu cho hàng triệu người nhập cư vào Mỹ
Bản thân từng là du học sinh một mình đến Mỹ du học năm 2009, Nguyễn Hoàng Sơn hiểu rất rõ những khó khăn, bất cập đó. Và mô hình khởi nghiệp công nghệ Greenhandshake.com đã chính thức được Nguyễn Hoàng Sơn triển khai hoạt động từ tháng 12/2014 nhằm kết nối cộng đồng kiều bào đang sống tại Mỹ với người sắp nhập cư từ khắp nơi trên thế giới.
Trao đổi với ICTnews, Nguyễn Hoàng Sơn, người sáng lập start-up Greenhandshake cho biết: "Greenhandshake hoạt động dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ. Phía cần giúp đỡ có thể đăng thông tin nhu cầu của mình với một mức phí nhất định. Những người có khả năng giúp đỡ có thể đấu giá về mức phí thực hiện sự trợ giúp. Đây là loại hình còn mới ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Nhưng cũng có những công ty đặc biệt thành công với mô hình này như Uber hay Airbnb. Trước khi bắt đầu làm, tôi có phân tích rất kỹ những điểm mạnh của mô hình khi áp dụng vào ý tưởng của Greenhandshake".
"Đây là sản phẩm công nghệ hoàn toàn mới hướng đến đối tượng là tất cả cộng đồng nhập trên thế giới đến Mỹ. Và nhiệm vụ đầu tiên của Greenhandshake sẽ là một công cụ hữu hiệu cho chính cộng đồng kiều bào Việt Nam", Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ.
Greenhandshake được đánh giá cao vì hàng năm ở Mỹ có hàng ngàn ý tưởng mới ra đời phục vụ đời sống mọi người nhưng chưa có 1 sản phẩm công nghệ nào dành riêng cho đối tượng cộng đồng người nhập cư, dù rằng người nhập cư cũng chính là người Mỹ và họ là những đối tượng nhạy cảm, cần sự giúp đỡ nhất.
Tiềm năng phát triển lớn của một sản phẩm start-up Việt
Từng có bằng cử nhân về Kỹ sư máy tính tại trường Đại học Công nghệ quốc gia Nga, sau đó qua Mỹ học tiếp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên sâu về Quản trị công nghệ thông tin (IT Management), rồi từng làm 1 thời gian ngắn để phát triển 1 sản phẩm công nghệ với trường Harvard, song thiên hướng chính của Nguyễn Hoàng Sơn là kinh doanh và kinh tế chứ không phải công nghệ thuần túy.Tiềm năng phát triển lớn của một sản phẩm start-up Việt
Khi bắt tay vào dự án Greenhandshake, Nguyễn Hoàng Sơn sớm nhận thấy công nghệ không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là khả năng tài chính đến đâu. Khởi đầu, Sơn có tìm đến những công ty CNTT của Mỹ đề nghị hỗ trợ nhưng họ đòi hỏi chi phí quá cao cho 1 dự án start-up. Sơn đành quay về Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ với hy vọng giảm được chi phí ban đầu.
Thế nhưng, các công ty CNTT nhỏ Việt Nam lại không dám mạo hiểm với những dự án mới mà thiên về gia công 1 sản phẩm có sẵn, hoặc copy lại một sản phẩm tương tự trên thị trường. Còn công ty lớn hơn 1 chút thì định giá cao hơn thực tế. Cuối cùng, sau khá nhiều thời gian, Sơn cũng đã tìm được 1 đội hỗ trợ bên Ấn Độ với chi phí phải chăng, chấp nhận rủi ro theo đuổi dự án từ con số 0 và sửa hoặc làm lại đến khi tìm ra lời giải cho start-up.
Vượt qua khó khăn ban đầu, tới nay, Greenhandshake đã tập hợp được hơn 1.000 thành viên kiều bào Việt ở khắp 50 bang của Mỹ, kể cả những nơi xa như Hawaii và Alaska. 80% số thành viên là du học sinh từ các hội sinh viên ở nhiều trường đại học khắp nước Mỹ.
"Trung bình mỗi tháng Greenhanshake.com nhận được 10 đề nghị hỗ trợ, đối tượng cần giúp đỡ nhiều nhất là những người ở Việt Nam chuẩn bị qua Mỹ theo diện du học, định cư. Với năng lực hiện tại, khả năng đáp ứng đề nghị hỗ trợ của các thành viên Greenhanshake.com đang đạt khoảng 35 - 40% lượng việc đăng tải. Greenhandshake đã có phiên bản cho mobile. Và tùy vào mức độ phát triển, sau này sẽ chuyển sang ứng dụng (app)", Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ.
Trong bối cảnh con người di chuyển giữa các quốc gia với tần suất ngày càng nhiều, các dự án hỗ trợ người nhập cư được dự sẽ trở thành 1 phân khúc nhiều tiềm năng cho các dự án kinh doanh, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp. Và Greenhandshake sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
"Khoảng cuối tháng 9/2015, Greenhandshake sẽ hoàn thành phiên bản tiếng Việt và bắt đầu chính thức quảng bá tại Việt Nam. Khá nhiều người ở Việt Nam thấy Greenhandshake là dự án hay nhưng họ phàn nàn là bằng ngôn ngữ tiếng Anh hiện tại vẫn quá khó hiểu. Sau thị trường bản địa, mô hình Greenhandshake sẽ được phát triển tiếp sang thị trường 10 nước có số lượng du học sinh vào Mỹ lớn nhất, đặc biệt là các nước châu Á có cùng đặc thù giống Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.. Mơ ước của chúng tôi là Greenhandshake, 1 sản phẩm của người Việt, thành công cụ không thể thiếu của những người nhập cư Hoa Kỳ", Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ thêm.
Greenhandshake được ghép lại bởi 2 từ: "green" và "handshake". Trong đó, "green" nghĩa là màu xanh, là biểu tượng của sự trẻ trung và hy vọng. Mặt khác, người nhập cư tại Mỹ thì không ai không biết Green Card (thẻ xanh) như là 1 biểu tượng của sự tự do. Còn "handshake" nghĩa là cái bắt tay, biểu tượng của sự hợp tác.