Single-serve khởi động cuộc chiến “làn sóng thứ 3” trong thưởng thức cà phê ở Việt Nam

21/10/2015 08:00 AM | Kinh doanh

Cà phê dạng viên nén (capsule) pha bằng máy được coi là làn sóng thứ 3 trong ngành cà phê. Hình thức thưởng thức cà phê này còn được gọi là “single – serve” tạm dịch là cà phê phục vụ riêng từng ly, cho từng người uống, cà phê cá nhân hóa hay cà phê đơn biệt. Các chuyên gia đánh giá tương lai của ngành cà phê là của single-serve

Một doanh nghiệp nội là Sagaso đã tiên phong đưa làn sóng cà phê thứ 3 này vào Việt Nam năm 2014 và hiện đã mở 6 cửa hàng tại TPHCM và Hà Nội, mục tiêu là 50 cửa hàng trong 3 năm tới. Cuộc chiến trên thị trường này có vẻ đã bắt đầu sôi động khi ngày 9/10 vừa qua tập đoàn Nestlé cũng chính thức ra mắt thương hiệu Nestcafé Dolce Gusto tại thị trường Việt Nam với kế hoạch mở 8 cửa hàng tại TPHCM từ nay đến cuối năm.

Tương lai của cà phê single-serve

Các chuyên gia về cà phê cho rằng ở làn sóng thứ 3 của thưởng thức cà phê này, cà phê không chỉ đơn giản là một đồ uống thông thường mà là một nghệ thuật thưởng thức. Giống như rượu vang, một ly cà phê ngon được định dành từ cây cà phê được trồng ở một nông trường nhất định, qua một quy trình chế biến và rang tỉ mỉ, kiểm soát chặt chẽ, khép kín dưới bàn tay của nghệ nhân rang xay và cuối cùng tới quy trình chiết rót, bảo quản chuyên biệt để mang tới cho người thưởng thức ly cà phê hương vị tươi ngon nguyên bản.

Theo dự báo của Euromonitor, năm 2015 doanh thu ngành cà phê single-serve toàn thế giới sẽ đạt khoảng 12 tỉ USD và năm 2017 là gần 14 tỉ USD.


Dự báo doanh thu ngành cà phê single-serve của Euromonitor

Dự báo doanh thu ngành cà phê single-serve của Euromonitor

Hai thương hiệu cà phê single-serve hàng đầu hiện nay là Greenmoutain (Mỹ) và Nespresso (châu Âu) đang phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt. Cụ thể, 7 năm gần nhất, mỗi năm Nespresso tăng trưởng doanh thu bình quân 534 triệu USD. Còn Greenmoutain giai đoạn 2009 – 2013 doanh thu tăng gần 5 lần, lợi nhuận tăng 10 lần và giá trị thị trường tăng 8,5 lần.

Tại Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa sẽ khiến quỹ thời gian dành cho việc thưởng thức cà phê tại coffee-shop không còn nhiều. Đây chính là cơ hội để các thương hiệu của làn sóng cà phê thứ 3 như Sagaso và Nescafé Dolce Gusto phát triển trong thời gian tới.

Từ ông lớn Nestlé

Tập đoàn Nestlé chính thức ra mắt thương hiệu Nescafé Dolce Gusto tại Thụy Sỹ, Đức và Anh vào năm 2006. Ông Ganesan Ampalavanar – CEO Công ty Nestlé Việt Nam cho biết đến nay Nescafé Dolce Gusto đã có mặt tại 80 quốc gia trên toàn thế giới.

Nescafé Dolce Gusto ra mắt thị trường Việt Nam lần đầu bằng dòng máy Mini Me và 5 loại viên nén gồm: Espresso Intenso, Grande Intenso, Cappuccino, Café Au Lait, Chococino.

“Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ sở thích uống cà phê của người Việt Nam để lựa chọn 5 loại thức uống phù hợp nhất với người dân tại đây. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại thức uống mới để không ngừng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, ông Ganesan Ampalavanar chia sẻ.

Theo Nestlé, điểm nổi bật của máy Nescafé Dolce Gusto là đun sôi nước và truyền vào bên trong viên nén với áp lực cao lên đến 15 bar. Áp lực 15 bar thường được sử dụng cho máy pha cà phê chuyên nghiệp tại các tiệm/ cửa hàng cà phê. Áp lực nước cao cùng viên nén thông minh được thiết kế đặc biệt để giữ trọn hương vị nguyên gốc của cà phê trong chưa đầy một phút.

Ngoài ra, Nestlé cho biết viên capsule Nescafé Dolce Gusto được sản xuất tại Nestlé Anh và Tây Ban Nha với nguyên liệu sử dụng là hạt cà phê được tuyển chọn chủ yếu từ Brazil. Trong thời gian tới Nestlé sẽ nghiên cứu để có thể sản xuất Nescafé Dolce Gusto ngay tại Việt Nam bằng chính hạt cà phê Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam.

Đến Sagaso - doanh nghiệp nội tiên phong

Là người tiên phong mang phong cách cà phê single-serve vào Việt Nam, ông Bùi Quang Nam – CEO và người sáng lập Sagaso cho biết đến nay công ty đã có 6 boutique (cửa hàng giới thiệu sản phẩm và phục vụ cà phê)  tại TPHCM và Hà Nội, kế hoạch của Sagaso là sẽ mở 50 cửa hàng trên toàn quốc trong 3 năm tới. Công suất nhà máy đầu tiên của Sagaso dự kiến đạt 30 triệu viên capsule/năm (tương ứng 250 tấn cà phê nhân/năm).

Nói về ưu điểm của sản phẩm Sagaso, ông Bùi Quang Nam cho biết là ở hương vị cà phê Việt Nam từ trang trại Lâm Đồng, sau khi được tuyển lựa nghiêm ngặt theo các tiêu chí về chất lượng và quy trình canh tác, màu sắc, kích thước và chất lượng hạt,… sẽ được chuyển về nhà máy ở dạng hạt còn xanh ngọc.

Quy trình đầu tiên hạt cà phê trải qua là khâu rang và phối trộn, công nghệ ứng dụng trong quy trình rang của Sagaso là máy rang PROBAT – nhà sản xuất máy rang của Đức đứng đầu về sản xuất máy rang trên thế giới. Đặc trưng cơ bản của sản phẩm cà phê dạng viên capsule là công nghệ chiết rót, Sagaso sử dụng dây chuyền chiết rót và đóng gói tự động của OPEM – hãng công nghệ cà phê viên capsule số 1 của Ý.

Công nghệ châu Âu cộng với kinh nghiệm, sự khéo léo của nghệ nhân đã hình thành nên bộ sản phẩm “Nghệ nhân rang” Sagaso với 5 gu sản phẩm gồm: Scandinavian Roast; German Roast; Italian Roast; French Roast và Vietnamese Roast.

“Trên mỗi vị cơ bản, người dùng có thể tự pha chế, phối trộn và cho ra một vị phù hợp của gu của mình. Đặc biệt, thay vì dùng phin để pha, chúng tôi muốn mang đến cho người Việt một phong cách pha cà phê mới: nhanh, hiện đại, nhưng không hề mất đi sự tinh túy độc đáo của hương vị cà phê tươi nguyên”, ông Nam nói.

Theo ông Bùi Quang Nam, đối tượng khách hàng mà Sagaso muốn phục vụ là tất cả thực khách cần uống một cà phê nguyên chất “mọi lúc, mọi nơi” từ các quán cà phê vỉa hè, bếp ăn gia đình, văn phòng đến nhà hàng, khách sạn cao cấp… cũng như xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM