Starbucks và nỗi buồn cà phê Việt

13/08/2015 15:11 PM |

Gần 95% sản lượng cà phê Việt Nam hiện nay xuất khẩu thô, không thương hiệu.

Mới đây, sản phẩm cà phê chè (Arabica) có xuất xứ Cầu Đất, Đà Lạt đã chính thức trở thành một trong bảy loại cà phê Arabica được hãng cà phê nổi tiếng Starbucks (Mỹ) chọn giao dịch, mua bán trên toàn thế giới. Stabucks cho biết họ sẽ bắt đầu bán cà phê Arabica có xuất xứ Việt Nam tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia trên toàn thế giới trong thời gian tới.

Thương hiệu bị đánh cắp

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành cà phê (Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh), cho biết, để được lựa chọn trở thành một trong những sản phẩm tại Starbucks, cà phê phải bảo đảm vị, mùi và tiêu chuẩn an toàn khá khắt khe. Trước đây, Starbucks chỉ chọn sáu quốc gia làm nhà cung cấp cà phê Arabica cho chuỗi cửa hàng của mình gồm Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.

“Ngoài ra, Starbucks bắt buộc nguồn cung ứng nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng và tính bền vững, liên tục. Do đó một khi Starbucks đã chọn thì họ sẽ mua lâu dài, điều đó có lợi cho ngành cà phê Việt Nam”, ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, bao nhiêu năm nay cà phê Việt chỉ xuất thô gần 95%, thị phần xuất khẩu nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia. Họ thu mua hết nguyên liệu tận vườn nông dân. Nghịch lý là họ gom cà phê xuất khẩu tại cảng Việt Nam chở về các kho của họ ở nước ngoài, sàng lọc lựa chọn đóng bao lại và nguồn gốc cà phê Việt Nam không còn. Thay vào đó là nguồn gốc Indonesia, Colombia… những nước có lượng cà phê xuất khẩu rất thấp.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê.
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê.

Ông Trần Thanh Hải, Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, kể câu chuyện ông đi sang Nam Phi, được các nhà nhập khẩu cho biết ở các nước châu Phi họ uống cà phê Việt Nam song xuất xứ trên bao bì sản phẩm đều ghi cà phê từ các nước Indonesia, Kenya, Guatemala.

Thương hiệu cà phê Việt Nam đã bị các doanh nghiệp (DN) FDI “đánh cắp” trắng trợn. Họ cạnh tranh với DN trong nước, mua cà phê ở tận từng xã. Với nguồn lực tài chính lớn, họ mua giá cao hơn, gom được hàng nhiều hơn. Xuất khẩu tại Việt Nam nhưng đến kho, nguồn gốc bị thay đổi thành cà phê nước khác.

Thực trạng này kéo dài nhiều năm khiến thương hiệu cà phê sản xuất tại Việt Nam không có tiếng trên thế giới. Starbucks mua cà phê Việt Nam vì họ sang Việt Nam làm ăn, được tới tận vườn trồng cà phê, chọn lựa, thưởng thức mới biết vị ngon của hạt cà phê Việt”, ông Hải bày tỏ.

Cần có nguyên liệu “sạch”

Ý kiến các chuyên gia ngành cà phê đều cho rằng Việt Nam chỉ chú trọng về lượng, coi thường việc tăng giá trị khiến giá bán thường thấp hơn cà phê các nước khác. Trong khi đó, giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân gấp ba lần.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Bình cũng chỉ ra: “Nói thì dễ, ai cũng biết giá trị gia tăng cao nếu chế biến sâu nhưng liệu DN Việt Nam có đủ sức, đủ công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan đã có lịch sử phát triển cả trăm năm như Nestlé, Starbucks… không?”.

Theo ông Bình, thế mạnh của cà phê Việt Nam bao nhiêu năm nay vốn là nhà cung ứng nguyên liệu cho các nhà rang xay thế giới. Vốn, công nghệ, hệ thống phân phối toàn cầu DN Việt đi sau các ông lớn trên thế giới mấy chục năm. Quan trọng nhất là thị trường.

Sự cạnh tranh không chỉ ở chất lượng mà còn là thương hiệu toàn cầu. DN xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ cần làm tốt chất lượng cà phê, cụ thể thu mua cà phê chín, không để hàng lẫn dị vật cát, đá… Khi đó DN nhập khẩu sẽ mua giá cao hơn, thương hiệu cà phê Việt Nam dần được nhiều nước biết tới. Như cà phê ở Nông trường Thắng Lợi (Đắk Lắk) có giá bán luôn cao nhờ uy tín, chất lượng.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), thừa nhận DN ông không đầu tư theo hướng rang xay vì sẽ cạnh tranh với những tập đoàn quá lớn trên thế giới mà DN cố gắng làm thật tốt những gì thuộc về thế mạnh và điều kiện của mình để tích lũy vốn, kinh nghiệm, chờ cơ hội tốt mới mở rộng thị trường.

Phát triển cà phê theo khẩu vị châu Á

Trong đề án quy hoạch ngành cà phê, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng cà phê chế biến sâu (rang xay, hòa tan) chiếm 30% sản lượng cà phê Việt Nam. Nhưng có thể nói 10-15 năm nay ngành cà phê đã thất bại, không phát triển được chế biến sâu, hiện chỉ chiếm khoảng 7%-8% sản lượng cà phê cả nước.

Nguyên nhân không chỉ vì chất lượng mà thị trường là yếu tố quan trọng nhất. Các DN rang xay, hòa tan của Việt Nam như Vinacafe, Trung Nguyên… mấy năm nay cũng chỉ phát triển ở thị trường nội địa, Trung Quốc, Mỹ (ở những bang có người Việt sinh sống). Gu uống cà phê cũng là yếu tố ảnh hưởng đến cạnh tranh. Vì vậy, Việt Nam mạnh về cà phê Robusta, sản phẩm cà phê hợp gu người châu Á thì nên phát triển thị trường ở các nước trong khu vực này. Thị trường Trung Quốc vẫn còn rất rộng để DN Việt khai thác.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội  Cà phê

Ca cao Việt Nam (Vicofa)

Xuất khẩu cà phê giảm mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê bảy tháng đầu năm 2015 đạt 792.000 tấn với giá trị hơn 1,6 tỷ USD, giảm 34% về khối lượng và giảm 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị xuất khẩu cà phê trong sáu tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ.

Theo Quang Huy

Cùng chuyên mục
XEM