Run sợ với hàng triệu bao cao su giả, người Trung Quốc đổ xô sang Nhật

25/01/2016 09:18 AM |

Tại Nhật, sự thờ ơ với sex của người Nhật đã đến mức không ít chuyên gia xã hội học gọi những thế hệ hiện nay là “những chàng trai ăn cỏ”.

Ai đó có thể nghĩ rằng cách gọi trên là hơi quá, thế nhưng nó đang phản ánh đúng thực tế. Người Nhật được coi như thờ ơ với sex nhất thế giới.

Số liệu khảo sát của công ty kinh doanh bao cao su Durex thực hiện với khoảng 317 nghìn người tại 41 quốc gia vào năm 2005 cho thấy người Nhật chỉ quan hệ trung bình 45 lần/năm. Trong khi đó, người Hy Lạp quan hệ đến 138 lần/năm, người Trung Quốc là 96 lần/năm.

Với thực trạng dân số già và sự thờ ơ với sex như trên không cải thiện sau suốt nhiều năm, không có gì là ngạc nhiên khi mà công việc kinh doanh của những công ty sản xuất và kinh doanh bao cao su như Sagami ngày một suy yếu.

Theo Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Nhật, 47% thanh niên Nhật trong độ tuổi từ 16 đến 24 chưa từng có quan hệ tình dục, lý do đơn giản bởi nhiều người nhút nhát. Chính công ty sản xuất và kinh doanh bao cao su Sagami đã phải tổ chức nhiều hoạt động xã hội để đưa người trẻ xích lại gần nhau hơn. Ví dụ như gần đây, Sagami tổ chức “Đêm hẹn hò” tại Tokyo thu hút sự quan tâm của 5000 thanh niên Nhật, tất cả mọi người đều được vào cửa miễn phí.

Thế nhưng Sagami đang tìm thấy một niềm an ủi mới, đó chính là từ khách hàng Trung Quốc, theo một bài phân tích mới đây trên Bloomberg.

Tháng 4 năm nay, Nhân dân Nhật báo đưa tin cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ đến 3 triệu chiếc bao cao su giả được sản xuất từ cao su kém chất lượng. Còn trước đó 2 năm, cảnh sát ở đất nước Ghana xa xôi đã bắt được 1 triệu chiếc bao cao su được cho là có nhiều lỗ thủng và dễ rách trong quá trình quan hệ.

Đó là còn chưa kể đến rất nhiều vụ sản xuất bao cao su giả bị phanh phui tại Trung Quốc trước đó. Trước thực tế trên, nhiều người Trung Quốc lập tức đổ xô sang Nhật để du lịch và mua bao cao su.

Các sản phẩm của Sagami nhờ vậy mà bán “chạy như tôm tươi”. Sản xuất không kịp bán, hiện nay Sagami đã buộc phải dừng bán ra một số mẫu mã để còn chuẩn bị cho mùa mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, cổ phiếu Sagami, công ty sản xuất bao cao su lớn thứ 2 tại Nhật tăng 137% lên 1.071 yên/cổ phiếu. Trong khi đó cổ phiếu của công ty đối thủ Okamoto tăng 156% lên 1.099 yên/cổ phiếu. Sau đó khi kinh tế Trung Quốc liên tục phát đi tín hiệu tiêu cực, cổ phiếu của Sagami và Okamoto lần lượt giảm xuống mức 532 yên và 851 yên/cổ phiếu.

Chia sẻ với báo giới về nhu cầu mua bao cao su của người Trung Quốc, ông Ichiro Ohato - CEO của Sagami, chia sẻ: “Nhờ khách quốc tế mua sản phẩm của chúng tôi ngày một nhiều mà công việc kinh doanh hồi phục. Nếu không chẳng thể biết công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ khó khăn như thế nào. Khách hàng Trung Quốc liên tục dội bom đơn hàng đến công ty chúng tôi. Họ bảo sản xuất ra bao nhiêu họ sẽ mua hết.”

Người Trung Quốc đặc biệt thích bao cao su Nhật chất lượng cao bởi niềm tin của họ đối với các sản phẩm nội địa ngày một suy giảm.

Theo Tổng cục Du lịch Nhật, trong năm ngoái, khoảng 5 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến Nhật, khách Trung Quốc cũng đứng đầu về mức chi tiêu tại thị trường này. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật năm 2015 tăng gấp đôi so với năm 2014. Khi đến Nhật, họ mua gom từ tã giấy, nồi cơm điện cho đến bệ toa lét.

Ông Jared Conway, giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường tại Tổ chức Euromonitor, nhận xét: “Nhật đã trở thành thiên đường mua sắm của người Trung Quốc. Họ phát điên lên với những sản phẩm mang dòng chữ “Made In Japan”. Người Nhật vì vậy cũng không bỏ qua cơ hội kinh doanh quý báu, họ liên tục mở thêm các cửa hàng miễn thuế với nhân viên nói tiếng Trung rất giỏi.”

Dù tình hình kinh doanh thời gian gần đây không được thuận lợi như nửa đầu năm 2015, nhưng Sagami vẫn ngập đơn hàng. Hãng đang có kế hoạch xây thêm nhà máy thứ 3 tại Malaysia để tăng sản lượng. Sau khi hoàn thành nhà máy, dự kiến mỗi năm Sagami sẽ sản xuất ra 80 triệu chiếc bao cao su.

Thậm chí, Sagami đã phải tính đến việc sẽ mở đại lý phân phối tại Trung Quốc để người Trung Quốc không phải sang tận Nhật để mua bao cao su.

Người Trung Quốc không chỉ yêu cầu những loại bao cao su thường. Giá bán lẻ một hộp 6 chiếc bao cao su của Sagami hiện là 1.000 yên cho hộp 6 chiếc. Tuy nhiên người Trung Quốc thường xuyên đòi mua loại đắt tiền hơn nữa, chính vì vậy mà Sagami cũng phải thay đổi cả chủng loại sản phẩm sản xuất ra.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM