Lao động Việt ở Nhật: Nguy cơ về nước mất phần lớn tiền đóng BHXH?

22/01/2016 14:57 PM |

Khoản đóng vào Quỹ hưu trí ở Nhật chiếm hơn 50% khoản tiền phải đóng BHXH của người lao động. Trong khi rất nhiều lao động nước ngoài làm việc ở Nhật có thể chuyển thời gian đóng BHXH ở Nhật về quê nhà để hưởng lương hưu, thì lao động Việt Nam không thể.

Bà Ngọc Diệp, thạc sỹ ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc tế Nhật Bản cho biết: Ở Nhật Bản, một sinh viên mới ra trường làm việc toàn thời gian có mức lương trung bình khoảng 25 man/tháng (tức hơn 2.100 USD/tháng).

Trong 25 man đó, 20% sẽ được đóng cho các loại thuế, phí BHXH. Một nửa của khoản 20% nói trên sẽ được nộp vào Quỹ hưu trí. Khoản đóng hưu trí cao như vậy là do chi phí nuôi người già ở Nhật Bản quá lớn.

Chính sách này áp dụng chung cho cả lao động trong nước và lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản.

Nhật Bản đã quy định bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật phải tham gia bảo hiểm hưu trí phúc lợi hoặc bảo hiểm hưu trí quốc dân, hãng luật PLF cho biết.

Vậy lao động nước ngoài sẽ nhận lương hưu thế nào khi về nước?

Theo Thời báo Nhật Bản, để được nhận lương hưu, lao động phải đóng BHXH tối thiểu 25 năm. Nhưng 25 năm là khoảng thời gian quá dài đối với những lao động nước ngoài tại Nhật Bản.

Với những người làm việc chưa đủ 25 năm tại Nhật Bản, giai đoạn họ đã đóng tiền vào chương trình hưu trí tại Nhật Bản có thể được coi là tương đương với thời gian bảo hiểm tương tự ở nước quê nhà. Điều này có nghĩa là họ có thể "mang theo" số thời gian đã được bảo hiểm tại Nhật Bản để cộng gộp vào các chương trình hưu trí khi về nước.

Điều khoản này chỉ áp dụng với công dân các nước ký thỏa thuận với Nhật như Đức, Mỹ, Bỉ, Pháp, Canada (trừ Quebec), Úc, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Ireland, Brazil, Thụy Sĩ và Hungary.

Danh sách trên không có Việt Nam.

“Đối với các lao động đi theo chương trình của Chính phủ, chúng ta vẫn chưa ký được hiệp định song phương về an sinh xã hội. Ngay cả các nước chúng ta gửi lao động đi rất lâu như Malaysia, Hàn Quốc cũng chưa ký được các hiệp định song phương về an sinh xã hội”, PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Lao động Việt thiệt gì?

Dễ thấy nhất, lao động Việt sẽ mất số lượng thời gian đã đóng BHXH (bao gồm hưu trí) tại Nhật Bản do không thể chuyển về nước.

Trong khi đó, để được nhận bảo hiểm lương hưu một lần tại Nhật, lao động cần lưu ý các điều sau:

- Chỉ áp dụng cho những người đóng loại bảo hiểm này trên 6 tháng.

- Chỉ nhận lại được một phần bảo hiểm lương hưu đã đóng trong thời gian ở Nhật. Số tiền được nhận lại sẽ dựa trên số tháng mà bạn đóng bảo hiểm, tối đa sẽ là 36 tháng.

- Khi đã nhận tiền thì sẽ không thể tiếp tục tham gia loại bảo hiểm này trong tương lai.

Như vậy, nếu người lao động Việt làm việc quá ngắn (dưới 6 tháng) hoặc dài hơn 3 năm (36 tháng) đều sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Trong khi đó, lao động làm việc tại Nhật khi về nước có nguy cơ không được hưởng lương hưu vì không đủ số năm làm việc tại Việt Nam.

Theo quy định mới, số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để hưởng lương hưu đã tăng lên. Cụ thể, số năm đóng bảo hiểm của những người dự kiến nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi sẽ là 20 năm (đối với lao động nam) thay vì 15 năm như quy định cũ, 15 năm đối với nữ.

Như vậy, trong trường hợp lao động người Việt làm ở Nhật nhiều năm (nhưng chưa đủ 25 năm), và về nước làm việc với thời gian chưa đủ 20 năm (đối với nam) và 15 năm (đối với nữ), sẽ không đủ điều kiện nhận lương hưu.

Quy định “đóng quỹ hưu 2 lần” của Luật Bảo Hiểm Xã Hội số 58/2014/QH13 mới hiệu lực ngày 1/1/2016 không ghi nhận các trường hợp lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có tham gia BHXH (bao gồm cả hưu trí và tử tuất) trước thời điểm này.

Việc chưa đàm phán được các hiệp định song phương về an sinh xã hội khiến lao động Việt thiệt thòi hơn rất nhiều khi di chuyển lao động, đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực, công nhận việc di chuyển lao động trong 8 lĩnh vực. Và tới đây, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các luồng lao động sẽ di chuyển càng mạnh mẽ hơn.

Trong khi lao động nhiều nước được bảo vệ chi tiết quyền lợi về BHXH, vấn đề tham gia BHXH của lao động Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào quy định của nước tiếp nhận.

Vẫn đang tiến hành đàm phán để bảo vệ lao động Việt

Liên quan đến việc chuyển bảo hiểm của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài về nước, PLF cho biết: Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định về việc chuyển tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động Việt Nam đóng ở nước ngoài về Việt Nam.

“Các nước khác đã quy định trong luật, nhưng hiện chúng ta chỉ chủ yếu đưa vào văn bản dưới dạng các hiệp định. Bảo vệ người lao động của chúng ta trong quá trình di cư như thế nào là vấn đề rất thách thức”, PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nói.

“Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang bắt đầu tiến hành các hiệp định song phương về an sinh xã hội”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM