Tại sao Tiki lỗ 157 tỉ lại là tin tốt cho toàn ngành thương mại điện tử?

18/12/2016 13:37 PM | Công nghệ

Trong một ngành mới cần làm tốt lên từng ngày như TMĐT, những cuộc đua về chất lượng như thế này là hết sức quan trọng. Và đến cuối cùng, người hưởng lợi nhiều nhất, chính là người tiêu dùng Việt Nam.

Việc trang TMĐT Tiki.vn lỗ khoảng 157 tỉ đồng kể từ khi nhận đầu tư của VNG sau 8 tháng hoạt động không phải là một thông tin bất ngờ với những người làm thương mại điện tử. Hầu hết các DN hoạt động trong ngành này đều hiểu rằng, đã đầu tư là chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu.

Khoản lỗ của Tiki.vn thực ra không lớn cũng không nhỏ. Nó tương đương với số tiền Lingo.vn đã thua lỗ và phải chấp nhận đóng cửa. Tuy nhiên, trường hợp của Tiki khác biệt với Lingo ở chỗ, tiềm lực tài chính của startup này mạnh mẽ hơn, nhất là sau khi được VNG rót vốn.

Không cần quá lo nghĩ về việc "đốt" tiền, Tiki chỉ chú trọng vào việc mở rộng hệ thống.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki nhấn mạnh, Tiki hiện dùng tiền tập trung rất mạnh vào 3 yếu tố sau:

- Thứ nhất, quy mô của trang TMĐT này tăng.

Về mặt doanh số, lượng đơn hàng Tiki chuyển thành công tới tay khách đặt mua tăng 3-4 lần trong 1 năm trở lại đây.

Về mặt danh mục sản phẩm, thay vì định vị là bán sách online như trước, Tiki đã mở rộng ra bán tới 100.000 sản phẩm và nay là 300.000 sản phẩm.

- Thứ hai, tốc độ giao hàng nhanh nhất, chất lượng dịch vụ cải thiện đáng kể.

Cụ thể, CEO Trần Ngọc Thái Sơn từng khẳng định: "Thời gian giao hàng trung bình của Tiki trên toàn quốc là 2,8 ngày, nếu so với các công ty thương mại điện tử đa ngành thì chúng tôi tin rằng hiện tốc độ giao hàng ở Tiki là số 1".

Thậm chí, khi so sánh tốc độ giao hàng với các công ty TMĐT lớn ở các thị trường như Ấn Độ, vị CEO này cho rằng Tiki đang làm khá tốt (Flipkart 4,5 ngày, Amazon India 4,8 ngày).

- Thứ ba, giữ được sự trung thành của khách hàng.

Về chất lượng dịch vụ, Tiki.vn cho biết, tỉ lệ đổi trả sau nhận hàng chỉ chiếm 1%, một con số "mơ ước" đối với bất cứ công ty bán lẻ, online hay offline nào.

Ngoài ra, tỉ lệ NPS hàng tháng của Tiki đạt từ 81-83 (Net Promoter Score - một chỉ số kinh điển cho thấy khách hàng có sẵn sàng giới thiệu với bạn bè về thương hiệu hay không), cũng là tỉ lệ rất cao, ngang ngửa với 1 công ty bán lẻ xuất sắc của Mỹ là Costco (NPS 82).

Về cơ bản, việc "đốt tiền" của Tiki gây thiệt hại cho doanh nghiệp này trong thời gian đầu, nhưng lại mang về hiệu ứng tích cực cho toàn ngành TMĐT. Nó cho thấy dù thị trường TMĐT rất khó khăn, nhưng các DN vẫn chưa từ bỏ quyết tâm.

Với những thông số tốt từ Tiki, các DN khác trên thị trường như Lazada hay Sendo hiểu rằng, họ cũng phải phát triển một hệ thống tốt tương tự để có thể cạnh tranh lại với Tiki. Tất nhiên, các sàn TMĐT này cũng đã và đang "đốt" không ít tiền cho cuộc chiến giành lấy trái tim khác hàng.

Ông Trương Gia Bình, trong một bài phỏng vấn mới đây trên Bloomberg, đã khẳng định tới năm 2020 tổng giá trị giao dịch qua sàn Sendo của FPT sẽ đạt con số 1 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, FPT cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho bài toán đầu tư đầy tốn kém. Lazada, trước khi về tay Alibaba cũng đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Việt Nam, nhưng để tiếp tục giữ vững vị thế, việc "đổ thêm tiền" vào gần như là điều bắt buộc.

Trong một ngành mới cần làm tốt lên từng ngày như TMĐT, những cuộc đua về chất lượng như thế này luôn thường xảy ra, để rồi cuối cùng, chỉ có những DN làm tốt nhất mới có thị phần thống lĩnh. Và tất nhiên, trong cuộc chơi cạnh tranh của các DN, người được lợi nhất, không ai khác chính là khách hàng.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM