Tiki.vn lỗ 157 tỉ đồng sau 8 tháng, nhưng CEO Trần Ngọc Thái Sơn có lý do để chưa cảm thấy lo lắng

16/12/2016 13:51 PM | Công nghệ

Với đặc thù của ngành TMĐT Việt Nam là lỗ trên từng đơn hàng, việc Tiki.vn lỗ nhiều cũng cho thấy, họ đang thực hiện được nhiều đơn hàng hơn.

Được Công ty cổ phần VNG mua 3,7 triệu cổ phiếu vào hồi đầu năm - tương đương 38% cổ phần với giá 384 tỷ đồng, Tiki được xem là khoản đầu tư "khủng" của VNG vào thị trường TMĐT, trong bối cảnh rất nhiều ông lớn đi trước đã phải bỏ cuộc cay đắng vì... lỗ.

Và Tiki cũng không ngoại lệ. Chỉ tính riêng trong quý 3, Tiki đã lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng. Còn nếu tính từ khi nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng sau 8 tháng. Số lỗ của Tiki đã tương đương với Lingo, một sàn thương mại điện tử vừa đóng cửa thời gian gần đây.

Mặc dù vậy, ông Trần Ngọc Thái Sơn - Tổng giám đốc Tiki.vn không tỏ ra lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn cho rằng, nên hiểu rộng hơn một chút về khái niệm "lỗ".

"Tôi muốn nói rõ một chút về khái niệm "lỗ". Từ khi nhận đầu tư, Tiki.vn đã dùng ngân sách để đầu tư hạ tầng kho bãi, đội ngũ giao hàng, hệ thống thanh toán trực tuyến... và kết quả đã tạo ra những nền tảng vững vàng cho tương lai phát triển bền vững của Tiki.

Chúng tôi đầu tư và đưa vào sử dụng 10.000 m2 kho do chính Tiki tự vận hành để đảm bảo mọi hàng hoá đều qua kiểm định và có nguồn gốc chính hãng. Chúng tôi tin rằng Tiki hiện là công ty e-commerce hiếm hoi có hệ thống kho bãi được đầu tư nghiêm túc và lớn như vậy.

Và kết quả cuối cùng là khách hàng nhận được hàng hoá đóng gói, kiểm tra kỹ lưỡng nhưng vẫn bảo đảm thời gian giao hàng nhanh nhất. Nhờ hệ thống kho và đội ngũ giao hàng kết hợp giữa 3PL và Tiki Delivery, chúng tôi đã rút ngắn thời gian xuống đáng kể.

Hiện nay thời gian giao hàng trung bình của Tiki trên toàn quốc là 2,8 ngày, nếu so với các công ty thương mại điện tử đa ngành thì chúng tôi tin rằng hiện tốc độ giao hàng ở Tiki là số 1. Thậm chí khi so với các công ty e-commerce lớn ở các thị trường lớn như Ấn Độ, chúng tôi cũng thấy mình đang làm khá tốt (Flipkart 4,5 ngày, Amazon India 4,8 ngày)".


Thành quả là quy mô của Tiki đã tăng lên gấp 3 lần so với cùng kì năm ngoái

Thành quả là quy mô của Tiki đã tăng lên gấp 3 lần so với cùng kì năm ngoái

Nói cách khác, theo CEO Trần Ngọc Thái Sơn, khoản "lỗ" 157 tỷ đồng của Tiki có thể hiểu là khoản đầu tư dài hạn, dùng vào cơ sở hạ tầng, kho bãi, đội ngũ giao hàng, lẫn thanh toán. Và đây là những khoản đầu tư có mục đích, đúng với lộ trình và mục tiêu đề ra.

Ở một khía cạnh khác, đặc điểm chung của tất cả các sàn TMĐT tại Việt Nam đều phải chấp nhận đó là "lỗ trên mỗi đơn hàng".

Nghĩa là trong một thị trường sơ khai, các DN TMĐT phải chấp nhận bỏ ra chi phí lớn hơn số tiền thu về để bán hàng, để thị trường phát triển và có lượng người dùng ổn định mới giảm được chi phí và sinh lời. Việc Tiki.vn lỗ nhiều cũng cho thấy, họ đang thực hiện được nhiều đơn hàng hơn.

Minh chứng là từ khi nhận vốn đầu tư của VNG, Tiki đã mở rộng rất nhanh danh mục sản phẩm của mình. Thay vì định vị là bán sách online như trước, Tiki đã mở rộng ra bán tới 100.000 sản phẩm và nay là 300.000 sản phẩm.

Do đó, cũng theo CEO Tiki, việc hệ thống TMĐT này lỗ có thể coi là một tín hiệu vui, cho thấy Tiki đang mở rộng quy mô để cạnh tranh.

"Tỉ lệ Khách hàng hài lòng và sẵn sàng trở thành "đại sứ thương hiệu" cho Tiki đã giúp lượng đơn hàng tăng 3-4 lần trong 1 năm qua. Tỉ lệ đổi trả sau nhận hàng chỉ chiếm 1%, một con số tôi cho là "mơ ước" đối với bất cứ công ty bán lẻ, online hay offline nào".

... Ngoài ra, tỉ lệ NPS hàng tháng của Tiki luôn đạt từ 81-83 (Net Promoter Score - một chỉ số kinh điển cho thấy Khách hàng có sẵn sàng giới thiệu với bạn bè về thương hiệu hay không), cũng là tỉ lệ rất cao, ngang ngửa với 1 công ty bán lẻ xuất sắc của Mỹ là Costco (NPS 82)", ông Sơn cho biết.

Nhìn những con số trên, có thể thấy Tiki đã thu về thành công bước đầu, đó là mở rộng. Tuy nhiên, thách thức phía trước dành cho Tiki hay bất kỳ DN TMĐT nào khác tại Việt Nam không đơn giản.

Về cơ bản, các mô hình TMĐT đều đi theo cách Tiki đang làm bây giờ, đó là "đốt tiền" để chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là sẽ phải "đốt" thêm bao nhiêu tiền, trong bao lâu nữa thì mô hình mới đạt đỉnh? Đó là câu hỏi mà chưa có DN TMĐT nào có mặt tại Việt Nam có thể trả lời.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM