Những thói quen 'tốt cho sức khỏe' bạn nên bỏ ngay lập tức
Chúng ta đều có những thói quen mà theo nhận định chung là có lợi cho sức khỏe. Và bất kể là chúng đáng ghét thế nào, ta vẫn cứ làm theo vì cho rằng làm như vậy là tốt.
Tránh ăn lòng đỏ trứng chẳng hạn. Liệu như vậy có tốt cho sức khỏe không? Hay uống vitamin hằng ngày: Một thói quen tích cực hay là chỉ là việc vô nghĩa?
Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên đấy.
Ép nước rau quả
Khi bạn ép hoa quả và rau lấy nước, bạn đã bỏ đi phần chất xơ của chúng – thành phần cốt yếu giúp bạn cảm thấy no và yên tâm chờ đến bữa ăn tiếp theo.
Những gì bạn giữ lại được chủ yếu là đường. Về cơ bản, một chế độ ăn nhiều đường, ít đạm nghĩa là bạn luôn bị cơn đói giày vò, tâm trạng bất ổn và không có nhiều năng lượng. Lâu dần, bạn có thể làm mất các bó cơ vì cơ bắp chủ yếu dựa trên protein.
Chỉ ăn lòng trắng trứng
Nhiều người bắt đầu tránh ăn lòng đỏ trứng khi các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng ăn nhiều cholesterol là không tốt.
Nhưng gần đây các nghiên cứu lại cho thấy với phần đông dân số, cholesterol từ thức ăn hàng ngày không ảnh hưởng gì đến lượng cholesterol trong máu. Vì thế trừ khi bạn có lượng cholesterol cao, hãy bỏ ngay thói quen chỉ ăn lòng trắng trứng đi.
Dùng quá nhiều nước rửa tay diệt khuẩn
Nếu bạn thường xuyên rửa tay trong ngày, thì nước rửa tay diệt khuẩn gần như không còn cần thiết nữa. Ngoài ra, nó không thể tiêu diệt được một số loại vi khuẩn trong khi xà phòng bánh truyền thống và nước lại có thể làm được. Ví dụ, Norovirus và Clostridium difficile là những vi khuẩn miễn dịch với nước rửa tay.
Uống vitamin tổng hợp
Rất nhiều người trưởng thành đang uống vitamin tổng hợp mỗi ngày. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu lại không ủng hộ thói quen này.
Rõ ràng không thể nói rằng ta không cần có vitamin để tồn tại – chẳng hạn nếu không có các vitamin như A, C và E thì cơ thể người sẽ khó chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và có thể bị mắc các chứng như còi xương và scorbut. Nhưng cần nhớ rằng: các nghiên cứu cho thấy ta hấp thụ được các chất này hơn mức cần thiết từ thức ăn hàng ngày, vì thế không cần phải uống thêm vitamin nữa!
Không dùng mì chính
Monosodium glutamate (MSG) có trong mì chính (bột ngọt) là một nguyên liệu nêm cho nhiều món ăn để làm tăng hương vị. Và tiêu hóa chất này không có gì là nguy hiểm.
MSG thường liên quan đến một loạt các triệu chứng, từ tê bì vùng cổ cho đến mệt mỏi, và thường được gọi chung là Hội chứng món ăn Trung Hoa (Chinese Restaurant Syndrome). Ăn quá nhiều có vẻ là thủ phạm gây ra triệu chứng này chứ không phải MSG.
Không bẻ đốt ngón tay
Cho đến gần đây, người ta mới biết rằng việc bẻ đốt ngón tay không chỉ khó chịu mà còn có hại cho các khớp xương. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới lại đưa đến kết luận hoàn toàn trái ngược. Đôi khi việc bẻ đốt ngón tay còn được coi là dấu hiệu cho thấy các khớp vẫn chưa bị khô.
Áp dụng chế độ ăn giải độc
Chẳng ai cần phải giải độc cả, trừ khi bạn bị ngộ độc. Cơ thể bạn đã có một hệ thống cực kỳ hiệu quả để lọc gần hết các chất có hại mà bạn ăn vào. Hệ thống này được tạo nên từ hai cơ quan: Gan và thận.
Trong khi thận lọc máu và loại bỏ tạp chất từ thức ăn, gan xử lý các loại thuốc và khử độc từ bất kỳ chất hóa học nào chúng ta ăn vào. Kết hợp với nhau, hai cơ quan này khiến cơ thể trở thành một hệ thống lọc tự nhiên hiệu quả.
Chỉ ăn thực phẩm ít béo
Theo lời khuyên của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào những năm 90, hàng triệu người Mỹ tìm kiếm các loại thực phẩm ít béo, nhiều tinh bột để giảm cân. Họ chọn margarine (bơ thực vật) thay cho bơ, những thứ “không béo” thay cho những thứ “thông thường”, và cố gắng kiềm chế bản thân khi đứng trước các đồ ăn chứa nhiều mỡ và kem. Nhưng điều đó không mang lại hiệu quả.
Một nghiên cứu kéo dài 8 năm tiến hành với 50.000 phụ nữ, trong đó khoảng một nửa theo chế độ ăn ít béo, cho thấy họ không giảm được nguy cơ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư ruột hay bệnh tim. Ngoài ra, họ cũng không giảm được cân một cách hiệu quả. Những khuyến nghị mới đây cho thấy các chất béo có lợi cho sức khỏe như chất béo từ các loại hạt, cá và quả bơ đều tốt cho bạn nếu dùng điều độ.
Tránh sử dụng lò vi sóng
Chúng ta đều nghe người ta đồn rằng cho thức ăn vào lò vi sóng sẽ làm mất chất dinh dưỡng. May thay, điều này là hoàn toàn không đúng. Lò vi sóng nấu thức ăn bằng sóng năng lượng. Sóng này khiến các phân tử trong thức ăn chuyển động thật nhanh, tạo nên năng lượng dưới dạng sức nóng.
Tất nhiên, một số chất dinh dưỡng sẽ bắt đầu phân hủy khi bị làm nóng, dù bởi lò vi sóng, lò nướng hay cái gì đi nữa. Nhưng vì thời gian nấu bằng lò vi sóng thường ngắn hơn nhiều so với thời gian sử dụng lò bình thường nên rõ ràng, trong việc giữ lại các vitamin có trong thức ăn, dùng lò vi sóng sẽ tốt hơn nhiều so với các phương thức nấu ăn khác.