Hạnh phúc sẽ không mang lại sức khỏe tốt như bạn vẫn nghĩ

29/12/2015 10:00 AM | Sống

Tất cả mọi người đã quen với ý niệm là trạng thái hạnh phúc có khả năng giúp người ta chữa được bệnh tật, tuy nhiên Giáo sư Robert Cummins, người đứng đầu trung tâm Chất lượng cuộc sống ở Đại học Deakin, Australia lại không đồng ý với quan điểm này.

Gần như tất cả mọi người đã quen với ý niệm là trạng thái hạnh phúc có khả năng giúp người ta chữa được bệnh tật, tuy nhiên Giáo sư Robert Cummins, người đứng đầu trung tâm Chất lượng cuộc sống ở Đại học Deakin, Australia lại không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng: “Việc chúng ta suy nghĩ tích cực là một điều bình thường”, và nếu không thể suy nghĩ tích cực thì “đó là dấu hiệu của trầm cảm – một trạng thái tâm lý bệnh học cần phải được chữa trị, chứ không chỉ đơn giản điều chỉnh thái độ là xong”.


Giáo sư Robert Cummins.

Giáo sư Robert Cummins.

Giáo sư Bob Cummins, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về những gì khiến người ta hạnh phúc.

Nghiên cứu của Cummins chỉ ra rằng mỗi chúng ta đều có một “lượng” ổn định tâm trạng hạnh phúc có yếu tố di truyền – gọi là tâm trạng – được bổ sung và đôi khi bị áp đảo bởi một loạt các trạng thái biến đổi liên tục mà ta hay gọi là cảm xúc.

Chính điều này lý giải tại sao những người vui vẻ đôi khi lại tỏ ra rầu rĩ, và những người hay cau có thỉnh thoảng cũng mỉm cười.

Công trình của Cummins, cũng như nhiều nghiên cứu khác đều nỗ lực lượng hóa hạnh phúc, nhằm đem đến lời giải cho hai câu hỏi quan trọng:

1. Tâm trạng hạnh phúc có thực sự tác động đến trạng thái sức khỏe của chúng ta hay không? và

2. Hạnh phúc, bất kể từ đâu và có hiệu ứng ban đầu tích cực thế nào, cuối cùng liệu có héo mòn dần hay không?

Về câu hỏi đầu tiên, một nghiên cứu lớn ở Anh Quốc công bố trên tờ Lancet vào tháng 12 năm nay cho biết câu trả lời là “Không”.

Theo nghiên cứu này, những người tham gia tự nhận là có sức khỏe kém cũng thường coi là mình không hạnh phúc. Tuy nhiên, ở phân tích cuối cùng, khả năng tử vong vẫn xảy ra ngang nhau đối với người có tâm trạng tích cực và những người luôn ủ rũ. “Hạnh phúc và những thước đo trạng thái thoải mái có liên quan rõ ràng là không có tác động trực tiếp lên tỷ lệ tử vọng”.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những ý niệm mà vô và các liệu pháp y học luôn gợi ý đó là trạng thái bất hạnh và những “cảm xúc tiêu cực” có thể gây ra bệnh tật. Theo những bằng chứng thu nhận được, thì trạng thái không hạnh phúc không khiến người ta mắc bệnh, nhưng việc mắc bệnh lại khiến người ta không hạnh phúc.

Cummins tuy có nhiều điểm còn nghi ngờ với tính đúng đắn của nghiên cứu này, nhưng ông vẫn đồng quan điểm với kết luận là sức khỏe không bị ảnh hưởng bởi tâm trạng – tức mức độ hạnh phúc vốn có trong mỗi chúng ta.

Về câu hỏi thứ hai, nghiên cứu của Cummins sử dụng một thước đo 100 điểm để đo lường tâm trạng, với phim vi “bình thường” là từ 70 đến 90. Trầm cảm được chỉ ra là nằm ở ngưỡng khoảng 60 điểm.

Tính nhất quán của phạm vi “bình thường” khẳng định chắc chắn rằng không có lợi ích sức khỏe nào từ việc luôn ở trạng thái hạnh phúc. Cummins còn cho biết mức độ tâm trạng là yếu tố di truyền. “Chúng tôi không thấy có mối liên hệ nào giữa tình trạng sức khỏe và yếu tố ổn định của hạnh phúc. Mặc dù chúng tôi thấy có sự biến đổi do yếu tố bất ổn của hạnh phúc – tức những cảm xúc – gây ra nhưng thường thì chúng là những cảm xúc tiêu cực”.

“Nếu bạn mất khả năng cảm nhận sự tích cực bình thường thì nhiều khả năng là bạn đang bị trầm cảm,” Cummins cho biết. “Và lý do khiến bạn mất đi sự tích cực là do các cảm xúc đang điều khiển trải nghiệm của bạn”.

Và các cảm xúc thì thường không ổn định. Chúng đến rồi đi. Thực tế là có rất nhiều nghiên cứu cho thấy ở những người có đầu óc bình thường, trạng thái hạnh phúc – dù cho lớn hay nhỏ - rồi cũng sẽ phai tàn dần.

Lý giải điều này, Cummins nói: “Khi mọi thứ đang tiến triển tốt, ta có xu hướng thích nghi với điều đó rất nhanh, và điều này lại không hay chút nào và nó xảy ra với hầu hết những thứ tốt đẹp. Tôi cho rằng hôn nhân là một ví dụ kinh điển. Người ta nghĩ rằng họ sẽ kết hôn với tình yêu cùa đời mình, nhưng một năm sau mức độ hạnh phúc của họ lại quay về đúng với mức bình thường mà họ có. Hiệu ứng tích cực đã biến mất”.

Mặt khác, liệu những cảm xúc tích cực nhất thời (ngắn hạn) có chút lợi ích nào đối với sức khỏe hay không? Điều này lại phụ thuộc vào việc ta định nghĩa hai khái niệm này ra sao.

Chẳng hạn, sự lạc quan thường xuất hiện trong những tình huống vui vẻ. Một nghiên cứu do Tiến sĩ Jeff Huffmann của Bệnh viện đa khoa Massachusetts thực hiện trong đó quan sát mối tương quan giữa mức độ lạc quan với thời gian hồi phục của các bệnh nhân bị một loại bệnh tim gọi là hội chứng vành cấp (acute coronary syndrome).

Kết quả cho thấy các bệnh nhân lạc quan thường phải quay trở lại bệnh viện ít hơn và hồi phục nhanh hơn so với những người có tâm trạng không tốt. Sự chênh lệch ở đây là không nhiều, tuy nhiên đó vẫn là một sự khác biệt.

Vào tháng 3 năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu gồm cả giáo sĩ Deepak Chopra, đã công bố một nghiên cứu về mối quan hệ giữa cảm giác hàm ơn và sự hồi phục ở những người bị suy tim.

Họ kết luận: “Chúng tôi thấy rằng cảm giác hàm ơn có tác động đến mối quan hệ giữa sự thư thái về tinh thần và chất lượng giấc ngủ, cũng như mối quan hệ giữa sự thư thái về tinh thần và trạng thái trầm cảm”.

Tuy nhiên Cummins lại hoàn toàn không bị thuyết phục bởi kết luận này. Ông cho rằng cảm giác hàm ơn thực ra không phải là tốt, và nó có thể gây hại cho bạn khi bạn có cảm giác hàm ơn đối với một người nào đó và cảm giác này lớn đến một ngưỡng khiến bạn cảm thấy phải trả ơn người đó, và trở thành phụ thuộc về tinh thần vào người đó. Điều này khiến bạn cư xử không giống như bình thường”.

Cảm giác hàm ơn, vì thế, có lẽ tốt hơn hết chỉ nên được cảm nhận một cách thoáng qua. Do đó trong những tình huống cần an ủi, ta chỉ nên nói rằng: “Thôi nào. Bạn sẽ không cảm thấy thế này mãi đâu.”

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM