Ông Phạm Đình Đoàn: Muốn thành công phải dựa thế kẻ mạnh

11/06/2015 13:12 PM | Quản trị

Bức tranh chung của ngành bán lẻ Việt Nam đang rất tiêu cực, nếu doanh nghiệp không khôn khéo thì sẽ gặp rất nhiều các thách thức lớn.

Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do BIDV tổ chức, ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cho rằng liên kết với các đối tác nước ngoài, chuyên nghiệp hóa và quốc tế hóa là sự lựa chọn duy nhất với các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn trong bài phát biểu của mình ở buổi hội thảo. Ảnh: BIDV

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn trong bài phát biểu của mình ở buổi hội thảo. Ảnh: BIDV

Sức ép của hội nhập là vô cùng lớn

Chủ tịch tập đoàn Phú Thái chia sẻ tại buổi hội thảo: "Hội nhập là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, trong bối cảnh đó, Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào các nước khác và các nước phụ thuộc lẫn nhau. Sự thay đổi sẽ làm chúng ta lớn mạnh hoặc biến mất rất nhanh.

Có những tập đoàn bán lẻ rất lớn như TESCO ở Mỹ (doanh số bán lẻ số 2 chỉ sau Wal-Mart) nhiều năm đều có lãi thì năm trước lỗ 7 tỷ USD. Điều này cho thấy sự sống còn của doanh nghiệp cũng bấp bênh bởi áp lực của sự hội nhập là quá lớn.

AEC sẽ hình thành vào cuối năm nay nhưng thực tế sự luân chuyển thương mại nội khối mới chiếm khoảng 25%, điều này có nghĩa là Việt Nam không những phải quan tâm tới nội khối ASEAN mà còn phải quan tâm tới 75% còn lại gồm rất nhiều thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tổng kết những cơ hội và thách thức thì ông Đoàn cho rằng cơ hội là nhiều hơn, nhưng để đạt được thì cần nhiều sự điều chỉnh từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp. Cách đây 10-15 năm bộ Thương Mại khi đó đã có kế hoạch xây dựng cộng đồng các nhà bán phân phối bán lẻ lớn nhưng đến nay chưa xây dựng được.

Hiện nay hội nhập thị trường đã rất gần, nếu bây giờ còn đặt vấn đề cần sự trợ giúp về chính sách của chính phủ thì hơi chậm và không còn phù hợp vì chúng ta vướng các quy định đã cam kết của Việt Nam khi gia nhập các FTAs. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không nên trông chờ quá nhiều vào các trợ giúp của chính phủ.

"Muốn thành công phải dựa thế kẻ mạnh"

Về ngành bán lẻ nói riêng, nếu đến cuối năm 2015 Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Các công ty bán lẻ của Việt Nam quy mô vẫn còn quá nhỏ so với các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.

Ông Đoàn nêu một ví dụ nếu so sánh hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam là Sài Gòn CO.OP có tổng vốn khoảng 1.000 tỷ, tương đương 50 triệu USD, đem so sánh với lợi nhuận 1 quý của Wal-mart là 5 tỷ đô. Sự chênh lệch này quá lớn, không còn gọi là cạnh tranh nữa.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với quy mô như hiện nay rất khó cạnh tranh và bức tranh hiện nay đang rất tiêu cực. Một tập đoàn bán lẻ như AEON có kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở 10 đại siêu thị với mục tiêu lợi nhuận chỉ 1%/năm trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ riêng chi phí đi vay ít nhất cũng 8-10% năm.

Với số vốn đầu tư một đại siêu thị của AEON lên đến 200 tỷ đồng và đầu tư 10 siêu thị thì doanh nghiệp Việt lấy tiền đâu ra tiền để đầu tư? Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam do đó muốn tồn lại chỉ còn cách hợp tác, bám vào các doanh nghiệp lớn. Và hiện nay đã có một số hợp tác như Fivimart đã có hợp tác với AEON, hay thương vụ hợp tác của Nguyễn Kim.

Bức tranh chung của ngành bán lẻ Việt Nam đang rất tiêu cực, nếu doanh nghiệp không khôn khéo thì sẽ gặp rất nhiều các thách thức lớn.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, không chỉ ngành phân phối bán lẻ bị ảnh hưởng, ngành bán lẻ là ngành vô cùng quan trọng với quốc gia vì là đầu ra của rất nhiều các ngành sản xuất, chế tạo, logistic, bao bì v.v .

Thực tế hiện nay là các nhà sản xuất Việt Nam gần như không có chỗ đứng trong hệ thống bán lẻ. Để có một chỗ đứng trên giá kệ siêu thị là vô cùng khó.

Quốc tế hóa và chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp

Chia sẻ về doanh nghiệp hiện nay, ông Đoàn cho rằng nhiều doanh nghiệp làm ăn vẫn chưa bài bản, tính chuyên nghiệp chưa cao và còn quá đa dạng về ngành nghề, thiếu định hướng. Nếu nhìn ra các nước lớn trong khu vực, các tập đoàn lớn ở đó chúng ta thấy họ rất phát triển và tập trung vào lĩnh vực cốt lõi.

Về doanh nghiệp của mình, ông chủ Phú Thái cho biết doanh nghiệp này cũng rất muốn hợp tác với các đối tác khác. Khi đàm phán về hợp đồng sắp ký với đối tác của Nhật Bản, phía đối tác mong muốn được mua 40% cổ phần, còn Phú Thái chỉ bán 19%, bên cạnh đó tập đoàn còn yêu cầu được mở rộng hệ thống cửa hàng, yêu cầu đối tác Nhật Bản đào tạo về công nghệ, logistic, kiểm soát hàng tồn, tự động hóa.

Nếu không liên doanh liên kết và không đưa đối tác vào hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ rất khó phát triển. Nên hợp tác với đối tác nước ngoài, kết hợp với tính địa phương của doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề nhân sự cho doanh nghiệp, ông Đoàn cho rằng người lãnh đạo trong thời hội nhập ngày nay không chỉ cần tài và đức, mà còn phải rất toàn năng để lãnh đạo người khác.

Sơn Đức

Cùng chuyên mục
XEM