Tập đoàn Phú Thái sẽ “kết hôn” với doanh nghiệp Nhật khi “đang có giá”

06/10/2014 09:40 AM | Kinh doanh

Thông tin được ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch HĐQT tập đoàn Phú Thái tiết lộ trong cuộc hội thảo liên quan đến sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam diễn ra vào cuối tuần.

Theo đó, ông Phạm Đình Đoàn cho biết, dù có hơn nghìn cửa hàng nhưng ông vẫn đề nghị liên doanh 19% với doanh nghiệp Nhật Bản vì hiện giờ Phú Thái "đang có giá".

Nếu không liên doanh chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam và họ sẽ tự phát triển, tự làm thay vì tìm doanh nghiệp trong nước để liên doanh, liên kết.

Hiện, Phú Thái đang là tập đoàn phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng, phát triển hệ thống chuỗi các siêu thị, cửa hàng thuận tiện và cửa hàng chuyên ngành trên phạm vi toàn quốc.

Bài toán liên doanh, liên kết được ông Phạm Đình Đoàn đặt ra trước yêu cầu cấp thiết do việc mở cửa hội nhập theo các nội dung cam kết của Việt Nam với các Hiệp định đã ký. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trong nước, theo đánh giá của ông Phạm Đình Đoàn, còn thiếu về vốn, về công nghệ.

Ông Phạm Đình Đoàn đưa ra tính toán, việc mở các cửa hàng bán 24 giờ phải mất chi phí 100.000 USD, muốn hòa vốn phải có 300 cửa hàng, tức là phải có 30 triệu USD nhưng hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư vài ba cửa hàng.

"Tất cả các chuỗi đều lỗ hết. Các doanh nghiệp trong nước nhỏ lẻ, tham vọng sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ", ông Phạm Đình Đoàn cảnh báo.

Ông Phạm Đình Đoàn cũng cảnh báo tương tự với chuỗi siêu thị do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đang hoạt động. "Doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do đang lỗ kép. Lỗ vì vay nghìn tỷ đầu tư được 2-3 siêu thị phải trả lãi suất vừa lỗ trong quá trình kinh doanh", ông Đoàn nói.

Ông Đoàn cũng chia sẻ câu chuyện đòi nợ từ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước so sánh với trường hợp Metro. "Tôi phải đòi đi đòi lại tiền trong khi Metro đúng ngày, đúng giờ sẽ được nhận", ông Đoàn nói.

Chính vì vậy, ông Đoàn đề xuất, song song việc sử dụng hàng rào kỹ thuật nên chấp thuận việc doanh nghiệp trong nước liên doanh ở góc độ nào đó vì có điều doanh nghiệp không thể có là vốn, kinh nghiệm và công nghệ.

Ông Phạm Đình Đoàn còn so sánh doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam như "gái nhỡ thời". Tuy nhiên theo quan điểm của ông "gái nhỡ thời nhưng chưa đời chồng nào vẫn có thể kết hôn được nhưng 5 năm nữa và 2-3 đời chồng kết hôn khó" để chứng minh việc liên doanh liên kết là biện pháp tốt nhất và có hiệu quả lâu dài.

"Thị trường bán lẻ, sản xuất và các thị trường khác của Việt Nam đều dần dần bị lấn sân. Một mặt chúng ta kêu gọi Bộ ngành hỗ trợ nhưng chúng ta phải phát triển quyết liệt, lượng sức mình và tìm các đối tác. Ngay như Phú Thái đã có hơn nghìn cửa hàng nhưng tôi đề nghị liên doanh 19% với doanh nghiệp Nhật Bản", ông Phạm Đình Đoàn khẳng định.

>> 1000 siêu thị Hà Nội có đủ cứu thị trường bán lẻ?

Theo Tâm An

Cùng chuyên mục
XEM