Giấc mơ của ông Phạm Đình Đoàn: Làm từ thiện về con người

20/02/2015 11:09 AM | Nhân vật

“Có tiền, tôi sẽ làm từ thiện về dự án nghiên cứu khoa học con người Việt Nam, để điều chỉnh người Việt nên làm thế nào để hội nhập với thế giới... Nông dân Việt Nam đi gặt về đi ngủ luôn thấy đời rất vui. Hôm nay có xe đạp, 5 năm sau có xe máy thấy quá tươi đẹp mà không nhìn ra thế giới đang đi ô tô”.

Nội dung nổi bật:

- Khi có tiền, ông Đoàn cho biết sẽ làm từ thiện về dự án nghiên cứu khoa học con người Việt Nam, để điều chỉnh người Việt nên làm thế nào để hội nhập với thế giới.

- Những tiết lộ xung quanh thương vụ bán Kowil - công ty con của Phú Thái đang sở hữu các thương hiệu thời trang Owen, Winny, Wonnerful... - "Cuộc hôn nhân có điều kiện" với doanh nghiệp Nhật Bản.


Muốn thay đổi tư duy người Việt

“Khi có nhiều tiền, nhiều kiến thức, càng thấy bế tắc vì thấy cuộc sống quá bất hợp lý. Càng giỏi thì nhìn xã hội xung quanh, giống như bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy bệnh. Khi đã biết nhiều, tiếp xúc với nhiều người càng nhìn thấy rất nhiều vấn đề” – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn tâm sự.

"Nông dân Việt Nam đi gặt về đi ngủ luôn thấy đời rất vui. Hôm nay có xe đạp, 5 năm sau có xe máy thấy quá tươi đẹp mà không nhìn ra thế giới đang đi ô tô. Đối với người ta, xe máy đã là mơ ước”.

Hỏi về mơ ước của ông, ông cho biết, khi có tiền ông sẽ làm từ thiện về dự án nghiên cứu khoa học con người Việt Nam, để điều chỉnh người Việt nên làm thế nào để hội nhập với thế giới.

“Tại sao người Việt lại như vậy, tư duy logic lại như vậy? Làm sao có thể điều chỉnh được tư duy của người Việt vì cứ thế này tư duy người Việt cứ lình xình” – ông than.

“Tôi sẽ bỏ tiền để làm các nghiên cứu về dân tộc học, thậm chí tham gia cả bộ máy lãnh đạo, không phải vì tiền, mà tôi làm để chứng minh nhiều sự đổi thay”.

Thương vụ bán Winny-Owen cho đối tác Nhật – “Cuộc hôn nhân có điều kiện”

CTCP thời trang Kowil Việt Nam – công ty con của Tập đoàn Phú Thái, đơn vị sở hữu các thương hiệu thời trang Winny, Owen, Wonderful... có khả năng sẽ được bán 19% cổ phần cho đối tác Nhật Bản. Nhưng đây là một thương vụ “có điều kiện”, ông Phạm Đình Đoàn tiết lộ.

Thông tin Tập đoàn Phú Thái sẽ “kết hôn” với một doanh nghiệp Nhật Bản đã được rò rỉ từ cuối năm ngoái. Xung quanh thương vụ này, ông Phạm Đình Đoàn đã tiết lộ nhiều thông tin.

Tại sao lại bán cho đối tác Nhật?

Tập đoàn Phú Thái sẽ bán 19% cổ phần CTCP thời trang Kowil Việt Nam với 2 điều kiện.

1-Phải “đẩy” sản phẩm của Kowil sang 4 nước xung quanh, gồm: Myanmar, Lào, Campuchia và quan trọng nhất là “đẩy” sang Nhật.

2- Chuẩn hóa toàn bộ hệ thống của Kowil. “Có thể 3-5 năm nữa, tôi mong muốn nó sẽ trở thành một trong những công ty thời trang đứng đầu Việt Nam” – ông Đoàn nhấn mạnh.

Tại sao lại bán 19%?

Theo tính toán của ông Đoàn, 5-7 năm nữa, Kowil sẽ không thể có giá dưới 100 triệu USD.

“Hiện chúng tôi đang bán ở mức 40 triệu USD, thì bán càng ít càng tốt. Chúng tôi có cần tiền đâu, nhưng cần công nghệ. Nên dù đối tác Nhật đề nghị mua 30 – 40%, tôi nói không, chỉ bán ở mức tối thiểu. Và 19% cổ phần là mức tối thiểu nhất” – ông Phạm Đình Đoàn.

Muốn thành công, phải dựa vào thế kẻ mạnh – những người nhiều kinh nghiệm, có vốn đi trước” – ông Đoàn phân tích.

Sẵn sàng đầu tư cho các Start-up Việt Nam

Nếu các dự án các bạn triển khai mà các bạn thấy có vẻ thành công, tôi sẵn sàng đầu tư đẩy các bạn đi xa. Phú Thái cũng là công ty mạnh về tài chính, và chúng tôi sẵn sàng đẩy doanh nghiệp của các bạn lên. Cái chúng tôi cần là các bạn có thực tiễn chứng minh là các bạn đang làm được, và các bạn có trái tim với sản phẩm của mình. Có bao giờ các bạn đặt trọn tình yêu vào sản phẩm của mình? Với sự đam mê, các bạn có thể sống, chết, ăn, ngủ, mơ về sản phẩm ấy? Chỉ có như thế, sản phẩm của các bạn mới dễ thành công.

>> Ông Phạm Đình Đoàn: 5 điều không-nên-làm khi khởi nghiệp

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM