Ai cũng buồn trong "cuộc chiến giá": TGDĐ ngậm ngùi đóng 200 cửa hàng, FPT Shop cũng đóng 30 cơ sở trong năm 2023, đặt hy vọng vào các phiên livestream
Năm ngoái, sau khi Thế Giới Di Động triển khai chiến dịch "Giá rẻ quá", FPT Shop ra khẩu hiệu "Ở đâu rẻ quá ở đây rẻ hơn". Kết quả là hai "ông lớn" bán lẻ đồ điện tử này đều phải trải qua một năm 2023 ảm đạm.
Chiều 17/4/2024, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 tại TP. HCM, thống nhất thông qua kế hoạch doanh thu 37.300 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng.
Kế hoạch được FPT Retail đưa ra trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn, với những diễn biến khó lường song hành cùng kỳ vọng tăng trưởng ở những mảng mới. Đáng chú ý, đối với chuỗi FPT Shop, công ty chỉ dự kiến doanh thu đi ngang, trong khi chuỗi FPT Long Châu dự kiến tăng khoảng 34%. Động lực tăng trưởng của FRT trong năm 2023 cũng chủ yếu đến từ mảng dược phẩm.
"Cuộc chiến giá" giữa "mùa đông" của ngành bán lẻ đồ điện tử
"Việc kinh doanh các mặt hàng như điện thoại, máy tính khá khó khăn do cuộc chiến giá bắt đầu từ khoảng tháng 3/2023 và kéo dài đến hết năm", Tổng Giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên phát biểu tại Đại hội.
Ông cho biết trong năm 2023, FPT Shop đã đóng 30 cửa hàng và công tác này sẽ tiếp tục được rà soát trong năm nay. Theo tài liệu trình chiếu trong Đại hội, FPT Shop dự kiến đóng khoảng 50 cửa hàng không hiệu quả.
"Cuộc chiến giá" được cho là bắt đầu từ khi Tập đoàn Thế Giới Di Động (mã MWG) phát động chiến dịch "Giá rẻ quá" vào tháng 4/2023. Tại thời điểm đó, tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%, thậm chí một số mặt hàng được bán với giá "rẻ như cho".
Ngay lập tức, FPT Shop đưa ra khẩu hiệu "Ở đâu "rẻ quá" ở đây RẺ HƠN". Chuỗi bán lẻ đồ điện tử của FPT Retail thậm chí so sánh trực diện giá điện thoại rẻ hơn đối thủ từ vài trăm đến 1 triệu đồng.
Việc các đại lý bán lẻ nỗ lực điều chỉnh để thu hút khách hàng xuất phát từ bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu khiến sức mua các mặt hàng công nghệ sụt giảm.
Kết quả là trong khi FPT Shop phải đóng khoảng 30 cơ sở, MWG cũng đóng gần 200 cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh hoạt động không hiệu quả trong quý IV/2023. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài thừa nhận 2023 là một trong những năm khốc liệt nhất lịch sử hoạt động của công ty.
Hy vọng từ làn sóng livestream
Tuy nhiên, đối với FPT Shop, điểm sáng lại xuất hiện từ kênh bán hàng online. Ông Hoàng Trung Kiên cho biết doanh thu online của FPT Retail năm 2023 đạt 5.842 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ FPT Shop, còn tỷ trọng của Long Châu mới dừng ở 8-10% tùy từng tháng.
FPT Shop là nhà bán lẻ điện tử, điện thoại đầu tiên gia nhập "làn sóng" livestream bán hàng trên TikTok Shop, "chơi lớn" mở bán online iPhone 15 series với phiên live kéo dài 15 tiếng hồi cuối tháng 9/2023. Nhờ phiên live này, FPT Shop trở thành nhà bán hàng đầu tiên đạt doanh thu 1 triệu USD trên TikTok Shop, cùng nhiều kỷ lục ấn tượng khác.
"Vì vậy, đây là hướng mà chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo", Tổng Giám đốc FPT Retail nhấn mạnh. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của riêng kênh online trong năm nay là 30%.
Ngoài ra, FPT Retail sẽ đẩy mạnh những mặt hàng đem lại hiệu quả cao hơn tại FPT Shop bên cạnh các mặt hàng truyền thống.
"Bây giờ chúng ta sẽ coi những mặt hàng truyền thống là kênh tạo ra doanh thu và dẫn khách ổn định, đồng thời đưa thêm những dịch vụ, hàng hóa mới để phục vụ khách. Hiện nay những mặt hàng mới như gia dụng, điện máy đang chiếm dưới 5% trong tổng doanh thu, chúng tôi sẽ phấn đấu đưa tỷ lệ lên khoảng 10%", ông Hoàng Trung Kiên trình bày.
Trong phần hỏi đáp, vị lãnh đạo này chia sẻ thêm rằng biên lãi gộp cuối năm 2023 của FPT Shop là khoảng 8% - "mức khó khăn để hoạt động và gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh".
"Với nỗ lực dịch chuyển, phát triển các mặt hàng kinh doanh mới của FPT Shop, chúng tôi dự báo sẽ duy trì biên lãi gộp ở con số 12-13%, mục tiêu đảm bảo lãi gộp so với năm ngoái tối thiểu 2-3%", ông cho biết.