Chủ tịch Phú Thái: "Lẹt đẹt như bây giờ chơi với ai cũng khó"
Mở cửa hội nhập cái gì cũng trở thành không biên giới, kể cả kinh tế, thị trường. Doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ cho công cuộc "không biên giới" này", theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái.
- Hiện khó khăn đã giảm nhưng chưa hết và hậu quả của nó còn dai dẳng. Môi trường kinh doanh nói là cải tiến nhưng rất chậm, khoảng cách giữa công nghệ và con người rất lớn. Nhiều chủ DN tư nhân không có nhiều niềm tin trong việc phát triển thị trường. Đó là bài học lớn trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế vừa qua.
Thế hệ doanh nhân chúng tôi có nhiều người tận dụng những lỗ hổng của cơ chế, chính sách. Xuất thân như vậy, cộng với suy thoái kinh tế đã trở thành tác động kép khiến nhiều DN phá sản. Đấy cũng là phản ánh một phần tính chuyên nghiệp, không được đào tạo của thế hệ doanh nhân đầu tiên.
Chính sự mất cân đối ấy đã làm cho nhiều DN mất khả năng kiểm soát về cả tài chính và nhân lực, trong khi năng suất lao động rất thấp, năng lực cạnh tranh thấp. Hội nhập kinh tế quốc tế mà vẫn giữ kiểu kinh doanh như vậy là rất khó, nhất là khi khi các DN nước ngoài luôn đề cao tính minh bạch.
* Vậy thì theo ông, DN phát triển bằng cách nào?
- Thời gian qua, DN đã rất nỗ lực đóng góp ý kiến để thay đổi một số chính sách kinh tế. Việt Nam có vị trí địa chiến lược tốt, là thị trường hấp dẫn, điều đáng tiếc là chúng ta để vuột mất nhiều cơ hội, điều đó đồng nghĩa với việc DN cũng bị mất cơ hội kinh doanh. Bây giờ, nếu DN cứ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước là khó, DN nên đẩy mạnh liên doanh với các DN nước ngoài để phát triển.
* Tìm cơ hội phát triển kinh tế ra bên ngoài trên thực tế là không đơn giản, bởi Việt Nam là quốc gia đi sau, không có nhiều DN lớn và uy tín...
- Đúng vậy. DN phải mạnh thực chất ở trong nước, trước khi tính chuyện ra nước ngoài. Nguồn lực tài chính, công nghệ mạnh nhưng yếu tố quyết định là con người. Vấn đề khó nhất là nhân sự, đặc biệt là bộ não của DN - những cán bộ chủ chốt có năng lực.
Hiện, DN có nhân sự giỏi ở Việt Nam rất hiếm bởi với cái cách nhìn nhận, tính chuyên nghiệp cũng như quốc tế hóa của người Việt Nam rất khó hình thành những tập đoàn kinh tế lớn một cách ổn định.
Phát triển ra bên ngoài, tự bươn chải là rất khó. Việc dựa vào thế kẻ mạnh cũng là một cách để được hỗ trợ công nghệ, tài chính, tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. Tất nhiên, DN cũng phải có giải pháp tài chính tốt, muốn liên doanh, liên kết được với các tập đoàn quốc tế 5 sao thì ta cũng phải ở mức 3 sao.
* Theo kinh nghiệm của ông chọn đối tác nào là tốt?
- Các công ty lớn của nước ngoài vào Việt Nam trước hết vì mục tiêu lợi nhuận. Vấn đề là mình không được quyền chọn mà đối tác chọn mình. Nhưng tôi nghĩ, nên "chơi" với châu Âu, Mỹ, Nhật Bản..., những nước đề cao tính "cùng thắng". Tóm lại, muốn chơi với ai thì mình phải tốt lên, nếu cứ lẹt đẹt như bây giờ thì chơi với ai cũng sẽ khó.
* Cảm ơn ông!
>> 6 điều mọi doanh nhân thành công đều tin tưởng
Theo Hải Vân