Ông chủ cà phê PhinDeli: "Muốn đi xa có thể đi 1 mình nhưng muốn đi nhanh phải có bạn đồng hành"

23/05/2016 12:01 PM | Kinh doanh

Ông chủ của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ PhinDeli - Phạm Đình Nguyên cho biết, ông sẽ làm theo hướng khác biệt trong cách lựa chọn cũng như phân phối sản phẩm. Doanh nhân này cũng quan niệm rằng, trong kinh doanh, muốn đi xa thì đi 1 mình nhưng muốn đi nhanh phải có bạn đồng hành.

Thị trường cà phê hoàn tan Việt Nam hiện tại đang cạnh tranh với thế kiềng 3 chân với những tên tuổi lớn như Vinacafe - Trung Nguyên - Nescafe), trong khi cà phê rang xay thì Trung Nguyên đang chiếm ưu thế. Việc một thương hiệu mới chen chân vào là rất khó.

Thế nhưng, ông chủ PhinDeli - người đã có quyết định táo bạo mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ cho rằng, không việc gì là không thể. Dù là người đến sau nhưng nghĩ khác và làm khác đi sẽ giúp ông chiến thắng trong cuộc chiến này.

- Từng gây tiếng vang rất lớn trên báo chí và các phương tiện truyền thông khi mua lại một thị trấn Mỹ cách đây 4 năm. Là một doanh nhân, ông có thể chia sẻ ý định thực sự của quyết định này?

- Tình cờ tôi đọc được mẩu tin rao bán thị trấn Buford ở bang Wyoming (Mỹ) bán theo hình thức đấu giá vào tháng 4/2012. Nhận thấy đây là cơ hội ngàn năm có một nên tôi tìm hiểu và quyết tâm mua bằng được.

Từ lúc biết thông tin là ngày 16/3/2012 và ngày bán 5/4, chỉ có 20 ngày để vừa xin visa, làm thủ tục, phỏng vấn... song cuối cùng, tôi đã trở thành thị trưởng của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với một cư dân duy nhất.

Số phận mỉm cười với tôi khi mức đấu giá là 900.000 USD, dưới mức giá dự kiến của tôi là 1 triệu USD.

Ngay sau khi mua thị trấn này, tôi đã định hình trong đầu sẽ quảng báo một sản phẩm nào đó của Việt Nam tại thị trường này. Bởi thị trấn này khá độc đáo, ở chỗ nó rất nhỏ, chỉ 4 hécta, một trạm xăng, một cửa hàng tiện ích... nhưng ông thị trưởng cũ đã làm cho cả thế giới biết đến và quan tâm đến nó. Không những thế, ông ta là một tay marketing rất giỏi khi bán thị trấn theo một cách không bình thường mà thông qua bán đấu giá.

Tôi muốn sự nổi tiếng của thị trấn này gắn với một sản phẩm nào đó của Việt Nam. Ý định này dừng ở đó và tôi dành thời gian và tâm huyết cho việc mua được thị trấn.

- Bỏ ra cả triệu USD để mua một thị trấn nước Mỹ để quảng bá sản phẩm Việt song chưa biết sản phẩm đó là gì, phải chăng ông đã quá vội?

- Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta chưa kịp suy nghĩ thì nó đã vụt mất. Cuộc sống không có gì là hoàn hào cả, và đôi lúc chúng ta không thể chần chừ.

Và hiện tại, việc mua thị trấn đã giúp ích trong việc quảng bá thương hiệu cà phê Việt - PhinDeli.

- Có ý kiến cho rằng, bỏ cả triệu USD để mua một thị trấn có diện tích khoảng 4 hécta, gồm một trạm bưu điện, một trường học, một trạm xăng, một tiệm tạp hóa và chỉ duy nhất một cư dân là quá đắt. Bản thân ông có nghĩ là nó đắt không?

- Đắt hay rẻ thì tôi không rõ, mỗi người sẽ có những đánh giá tiêng. Nhưng với tôi, đây là số tiền lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cứ thẳng thắn với nhau rằng, với sự nổi tiếng và biết đến của thương hiệu PhinDeli, thị trấn Phindeli thì số tiền đó xứng đáng.

- Vậy sau 4 năm, việc mua lại thị trấn Mỹ đã hỗ trợ công việc làm ăn của ông như thế nào?

- Ngày hôm nay, trong thế giới phẳng, hàng năm có hàng trăm, ngàn sản phẩm được tung ra thị trường. Song chỉ những sản phẩm thực sự có bản sắc về thương hiệu thì người ta mới nhớ đến.

Và câu chuyện người Việt mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ đã giúp tôi có một sự chú ý của cộng đồng. Thông qua đó, tôi đã đổi tên thị trấn là PhinDeli cũng là bước để công chúng, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhanh hơn bình thường, kéo theo chi phí hiệu quả hơn.

- Hiện tại, PhinDeli đang tập trung vào những dòng sản phẩm nào và đâu là sản phẩm chủ lực?

Chúng tôi đang tập trung vào sản phẩm hòa tan và đây cũng là sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có sản phẩm cà phê rang say.


Ông Phạm Đình Nguyên.

Ông Phạm Đình Nguyên.

Xem toàn bộ video: Live stream với ông Phạm Đình Nguyên - chủ thương hiệu PhinDeli.

- Phin Deli muốn quảng bá thuơng hiệu cà phê phin đặc trưng của Việt Nam nhưng định hướng chiến lược kinh doanh theo cà phê hòa tan. Có sự mâu thuẫn nào ở đây không, thưa ông?

- Mọi người hay hỏi PhinDeli có gì khác biệt so với các sản phẩm khác? Và tôi thường hay chia sẻ là chúng tôi có sự khác biệt là mang lại cốc cà phê thơm ngon, thuần việt và an toàn.

Minh chứng cho việc đó là chúng tôi đã bán cà phê ở Mỹ. Tại thị trường này, chúng tôi có FDI chứng nhận của nước sở tại về chất lượng sản phẩm, rằng cà phê của chúng tôi an toàn.

Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu của người dùng phức tạp hơn, và chúng tôi đáp ứng được việc đó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn góp vào thị trường Việt những sản phẩm sạch, chúng tôi có hệ thống máy pha cà phê take-away, trong khi các sản phẩm trôi nổi trên thị trường khá phổ biến.

- Thị trường cà phê Việt Nam hiện tại rất cạnh tranh với thế kiềng 3 chân ở thị trường cà phê hòa tan (Vinacafe-Trung Nguyên – Nescafe), còn rang xay thì Trung Nguyên đang chiếm ưu thế, ông đã nghĩ ra cách gì để chen chân vào các thị trường này?

- Cách làm của PhinDeli không giống mọi người. Chúng tôi nghĩ khác đi và sẽ làm khác đi.

Để đối chọi với thế kiềng 3 chân tại thị trường, phải có giải pháp đặc biệt và không thể làm bình thường được.

Chúng tôi cũng đang trong quá trình thực hiện chuyện vào thị trường này, còn làm như thế nào thì khó có thể tiết lộ.

- Đó có phải là cách phân phối mới? Với các sản phẩm là hàng tiêu dùng nhanh (FCMG), kênh phân phối rất quan trọng, Phindeli từng tuyên bố hợp tác xây dựng kênh phân phối với Kinh Đô nhưng sau đó thất bại, hiện tại ông đang tập trung vào hướng đi nào?

- Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống phân phối khác biệt, bởi nếu đi cách truyền thống rất mất thời gian.

Chúng tôi cũng muốn tìm một đối tác để cùng nhau đi vì quan điểm của chúng tôi là muốn đi xa thì đi 1 mình nhưng muốn đi nhanh thì phải có bạn đồng hành.

Còn hiện giờ, chúng tôi vẫn tiếp tục con đường chúng tôi đang đi và chuẩn bị cho một kế hoạch khác hơn so với các bạn đang thấy hiện nay. Bởi chỉ có cách đi mới, sáng tạo thì mới chiến thắng được ở thị trường cà phê đầy cạnh tranh này.

- Với quyết định cách đây 4 năm mà ông từng thừa nhận cho mình là người "điên rồ", cùng việc kinh doanh không suôn sẻ hiện tại, ông có cảm thấy áp lực và muốn trở lại người bình thường?

- Lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ, tôi rất mệt. Nhưng quyết định mua thị trấn Buford tạo cho tôi động lực phải làm sao để chiến thắng.

Và khi xướng tên người chiến thắng, cái tên Việt Nam khiến tôi tự hào, cảm xúc khi đó khó diễn tả và gần như nghẹn lại. Nhưng sau đó, nỗi sợ ập đến bởi áp lực phải làm gì tiếp theo là một thử thách lớn.

Thế nhưng, tôi đã có quyết định đúng đắn của mình. Với những gì tôi đã đối mặt, hay đang tận hưởng cuộc sống của mình ngày hôm nay, tôi cảm thấy khá bằng lòng. Đôi khi cuộc sống là số phận và bạn sống với cuộc sống này theo cách mình lựa chọn.

Cảm ơn ông!

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM