Doanh nhân Phạm Đình Nguyên: PhinDeli như em bé 2 tuổi, hiện còn uống nước gạo thay sữa DHA

15/10/2015 08:13 AM | Kinh doanh

Thị trưởng Việt tại Mỹ Phạm Đình Nguyên thừa nhận PhinDeli chưa thành công về mặt doanh số. “Chúng tôi là một em bé 2 tuổi, hiện còn uống nước gạo thay vì uống sữa giàu dưỡng chất DHA, nên con đường của chúng tôi vẫn tiếp tục”.

Ông Phạm Đình Nguyên hiện là Tổng Giám đốc CTCP PhinDeli kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối Quốc tế IDS chuyên phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh. Ông là chủ nhân của thương hiệu cafe PhinDeli với tuyên ngôn “Cafe Việt làm nước Mỹ tỉnh giấc”.

Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Brand Matters 2015 sáng 14/10, ông Phạm Đình Nguyên, ông chủ của PhinDeli cho biết: Thương hiệu này sẽ phát triển theo 2 giai đoạn.

1 - Xây dựng hình ảnh và mô hình hoạt động

2 - Phát triển và tập trung vào lợi nhuận

Ông Phạm Đình Nguyên thừa nhận PhinDeli chưa thành công về mặt doanh số.

“PhinDeli đang ở cuối giai đoạn 1 và chuẩn bị cho giai đoạn 2. Chúng tôi là một em bé 2 tuổi, hiện còn uống nước gạo thay vì uống sữa giàu dưỡng chất DHA, nên con đường của chúng tôi vẫn tiếp tục”, ông Nguyên giãi bày.

Lý giải cho chiến lược phát triển của PhinDeli, ông Nguyên kể về con đường phát triển của CTCP Kinh Đô và Nestlé.

“Kinh Đô ra đời với số vốn 250.000 USD. Cùng thời điểm đó, Nestlé đầu tư dự án đầu tiên ở Việt Nam với 25 triệu USD. Sau 10 năm, Kinh Đô lãi rất khủng còn Nestlé thì vẫn lỗ. Vậy có phải Nestlé không thành công và Kinh Đô thành công?”, ông Nguyên nói.

“Thành công hay không tùy cách nhìn của từng người và quan điểm của từng người. Lúc bắt đầu làm kinh doanh, chúng ta phải xác định doanh nghiệp của chúng ta đi theo chiến lược ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Với PhinDeli, tất cả cổ đông đều thống nhất quan điểm chúng tôi không thể dài hạn như Nestlé hay ngắn hạn. Chúng tôi tập trung vào trung hạn”.

Né “tam đại gia ngành cafe”, hướng tới franchise

Thừa nhận PhinDeli là “kẻ đến sau”, ông Phạm Đình Nguyên cho biết PhinDeli không chọn cách đối đầu với tam đại gia đang thống lĩnh ngành cafe Việt gồm Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hòa, và Nestlé.

Trung Nguyên với tuyên ngôn "Cafe số 1" đã có 2 thương hiệu cafe thành công: Trung Nguyên (rang xay) và G7 (hòa tan). Chiến lược của Trung Nguyên là sử dụng các quán cafe Trung Nguyên để xây dựng thương hiệu cho cả rang xay và hòa tan.

Trong khi đó, Vinacafé Biên Hòa đã thực sự lột xác sau khi về tay Masan, với các chiến dịch tiếp thị thành công như “Tinh túy vị thời gian”, đồng thời mở rộng ra phân khúc giá thấp với sản phẩm Wake-up.

Nescafe đang dẫn đầu về ngân sách quảng cáo với chiến lược tiếp cận đến khách hàng trẻ, giới văn phòng và đã đưa ra “phiên bản” cafe Việt (mạnh) và nhanh chóng dẫn đầu phân khúc này (cafe 2 in 1). Tương tự như VinaCafe, Nescafe đang lao vào “cuộc đua xài tiền” cho quảng cáo.

Trong thị trường cafe 24.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, PhinDeli chọn lối đi nào?

“Cần phải có một thương hiệu khác biệt. Một câu chuyện hay, độc đáo để khách hàng nhớ, không chỉ đỡ tiền quảng cáo mà bạn có thể bán giá cao”, ông Nguyên chia sẻ.

Và PhinDeli đã có một câu chuyện như vậy.

Năm 2012, ông Phạm Đình Nguyên gây chấn động giới truyền thông trong nước và quốc tế bằng việc trở thành người Việt Nam đầu tiên mua một thị trấn của nước Mỹ có tên Buford. Sự kiện này đã được những hãng truyền thông lớn như Forbes, Bloomberg, CNN... đưa tin và trở thành một trong những trường hợp tạo buzz marketing (tin đồn truyền miệng) thành công nhất trong lịch sử.

Việc đổi tên thị trấn thành PhinDeli, cùng với một quán cafe cùng tên được khai trương ngay tại cửa hàng duy nhất của thị trấn đã viết nên câu chuyện cafe Việt trên đất Mỹ.

Cách làm thương hiệu độc đáo của ông Nguyên đã giúp nâng tên tuổi PhinDeli lên một tầm cao hẳn trong một thời gian ngắn, với chi phí quảng cáo 0 đồng.

Có thể thấy, PhinDeli đang đi theo chiến lược "lai tạp" giữa Starbucks và Trung Nguyên khi vừa tấn công thị tường hòa tan, vừa vào thị trường rang xay, nhưng cũng "kể câu chuyện" của chính mình trên những hộp sản phẩm, ly sứ, ly giấy...

PhinDeli cũng định vị "số 1", nhưng là "cafe take away số 1" ("cafe số 1" là tuyên ngôn của Trung Nguyên), với mô hình kinh doanh nhượng quyền (franchise). “Mô hình kinh doanh này trong một trường hợp nào đó là crowd sourcing – tận dụng nguồn lực đám đông”, ông Nguyên chia sẻ.

“Đối tượng đang triển khai gồm căng tin trường học, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi... – những nơi đã có khách hàng. Chúng tôi, tất nhiên, cung cấp cho họ hương vị đã được người têu dùng chấp nhận”.

Hiện PhinDeli đã hợp tác với chuỗi cửa hàng tiện lợi B'Mart và chuỗi siêu thị Co.Op ở TPHCM. Ông Phạm Đình Nguyên cho biết, PhinDeli đã bán được hơn 1 triệu ly cafe đen, cafe sữa và cafe chocolate.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM