Em có thể hát ở buổi phỏng vấn không?

13/05/2015 09:26 AM | Nghề nghiệp

Khi nhà tuyển dụng đề nghị điều này, bạn có từ chối? Không hẳn nhà tuyển dụng muốn nghe giọng hát của bạn, mà họ muốn biết độ sẵn sàng của bạn thế nào...

Nội dung nổi bật:

- “Họ đề xuất tôi hát ngay trong buổi phỏng vấn. Khi được nhà tuyển dụng đề nghị điều gì đó, tôi không có lý do gì từ chối. Và tôi đã hát. Ngay hôm sau, tôi được tuyển”.

- Việc yêu cầu ứng viên hát chỉ là phép thử nhà tuyển dụng đưa ra để xem mức độ sẵn sàng của ứng viên thế nào. Bạn có thể nói em tốt, em giỏi, em chăm chỉ... Nhưng trong buổi phỏng vấn, làm sao bạn có thể chứng minh?

- Các bạn sinh viên hiện nay rất để tâm đến việc học gì làm nấy nên thường đánh mất cơ hội của chính mình. Các bạn luôn sợ thất bại. Các bạn không muốn hoặc không dám làm công việc mà nhà tuyển dụng đề nghị. Các bạn đã thành công chưa? Nếu chưa thành công thì đừng sợ thất bại!


“Họ đề xuất tôi hát ngay trong buổi phỏng vấn”

“Khi tôi được FPT gọi đến phỏng vấn, sau khi hỏi hết những công việc tôi từng làm, nhà tuyển dụng hỏi tôi có tài lẻ gì. Tôi nói có khả năng hát. Thế là họ đề xuất tôi hát ngay trong buổi phỏng vấn” – ông Nguyễn Quốc Chư – Trưởng phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực FPT Telecom – chia sẻ việc ứng tuyển vào FPT Telecom ngày trước tại chương trình “FPT CEO Talk” với chủ đề “Phía sau những thành công”.

“Khi được nhà tuyển dụng đề nghị điều gì đó, tôi không có lý do gì từ chối. Và tôi đã hát. Ngay hôm sau, tôi được tuyển”.

Câu chuyện trên, sau khi đảm đương cương vị phụ trách tuyển dụng tại Telecom, ông Chư cho biết việc yêu cầu ứng viên hát chỉ là phép thử nhà tuyển dụng đưa ra để xem mức độ sẵn sàng của ứng viên thế nào.

Trước buổi phỏng vấn đó, ông Chư thổ lộ, việc ứng tuyển vào FPT Telecom ngày đó ông nghĩ là cơ hội 5 ăn 5 thua, không có kỳ vọng lớn. Khi được gọi phỏng vấn, ông cũng chuẩn bị rất nhiều kịch bản phỏng vấn khác nhau vì đinh ninh nhà tuyển dụng sẽ đặt các câu hỏi khó.

“Nhưng họ không hỏi đánh đố. FPT khi phỏng vấn không hay đánh đố, đặc biệt là với các bạn sinh viên là những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Chủ yếu nhà tuyển dụng sẽ tập trung khai thác ở tiềm năng con người, xem các bạn có kỹ năng gì, khả năng gì, có thể làm được những gì...” – ông Chư nói.

Đánh mất cơ hội vì tâm lý "học gì làm nấy”

“Là bạn, các bạn có sẵn sàng tuyển một người trái chuyên ngành? Với những ngành đòi hỏi chuyên ngành đặc thù như nhân sự, kế toán... không ai muốn tuyển một người trái chuyên ngành” – ông Chư kể.

“Tôi không như vậy. Tôi muốn biết họ có khả năng gì, có kỹ năng gì. Cách đây vài tháng, trong chương trình thực tập sinh viên tài năng, tôi phỏng vấn một bạn sinh viên học ngành kế toán, nhưng khát khao làm công việc quản trị nhân lực. Khi tôi thấy bạn ấy có khả năng làm được thì tôi cho bạn ấy cơ hội. Đến giờ, với những gì bạn sinh viên đó thể hiện, tôi không hối tiếc về quyết định đó”.

Qua câu chuyện trên, ông Chư nhận định: Một vấn đề lớn ở sinh viên là không biết mình muốn làm gì. Các bạn sinh viên hiện nay rất để tâm đến việc học gì làm nấy nên thường đánh mất cơ hội của chính mình. Mà thực tế, giờ rất nhiều người ở FPT đang làm trái ngành.

“Tại sao rất nhiều bạn kêu ca trên Facebook là đi phỏng vấn thường không đạt? Các bạn cần biết cơ hội đấy có phù hợp với khả năng của chính mình hay không? Các bạn muốn ra trường làm một cái gì đó rất to tát, ăn ngon, mặc đẹp...!? Các bạn là sinh viên, chưa có kinh nghiệm thì nhà tuyển dụng có trao cơ hội đó cho các bạn? Các bạn nên quan tâm đến khả năng của mình, xem mình có thẻ làm gì?” – ông Chư nói.

“Câu chuyện “Em có thể hát ở buổi phỏng vấn” chỉ là một câu chuyện vui. Bạn có thể nói em tốt, em giỏi, em chăm chỉ... Nhưng trong buổi phỏng vấn, làm sao bạn có thể chứng minh?”

“Các bạn luôn sợ thất bại. Các bạn không muốn hoặc không dám làm công việc mà nhà tuyển dụng đề xuất. Các bạn đã thành công chưa? Nếu chưa thành công thì đừng sợ thất bại!”

Về câu chuyện xây dựng sự nghiệp thành công ở FPT, bà Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch FPT Telecom, nguyên Phó TGĐ Tập đoàn FPT – chia sẻ: “Thành công và thất bại luôn song hành. Ở FPT có rất nhiều thành công nhưng cũng nhiều thất bại”.

“FPT luôn mở rộng nên tạo rất nhiều cơ hội cho mình phát triển, từ vị trí nhân viên bán hàng, đến trưởng nhóm, Phó Giám đốc, Giám đốc, thậm chí là Phó Tổng Giám đốc... Thành công sẽ đến với mình sau những nỗ lực”.

“FPT có đặc điểm kinh doanh phải cạnh tranh, lúc nào cũng đòi hỏi phải sáng tạo. Hiện 22.000 người của FPT, tuổi đời trung bình chỉ có 26. Môi trường đầy cạnh tranh buộc bạn phải luôn nỗ lực, sáng tạo. Thành công chỉ đến với người lúc nào cũng nỗ lực, sáng tạo hết sức”.

>> Xin việc ở FPT: Bằng giỏi cũng có thể bị loại!

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM