Xin việc ở FPT: Bằng giỏi cũng có thể bị loại!
“Người bằng giỏi là ưu tiên số 1 khi tuyển chọn vào FPT... Nếu FPT tuyển ít thì chỉ chọn hồ sơ loại giỏi, thậm chí bằng giỏi cũng chưa được gọi phỏng vấn. Nhưng khi đã vào FPT thì bằng giỏi là chưa đủ”.
Nội dung nổi bật:
- “Muốn tuyển nhân viên tốt thì CV phải tốt, kết quả học tập trong trường phải tốt. Người bằng giỏi là ưu tiên số 1 khi tuyển chọn vào FPT”.
- Quá trình tuyển dụng và làm việc trong FPT có nhiều khác biệt. Trong đó, sức sáng tạo rất được coi trọng.
- “Thường các sinh viên mới ra trường hay muốn công việc tốt, thu nhập cao. Còn công việc thế nào là tốt thì các bạn không trả lời rõ ràng. Chính yếu tố ấy cản trở các bạn tiếp nhận các cơ hội mới.
Trả lời câu hỏi về vấn đề bằng cấp quan trọng thế nào khi xin việc ở FPT, bà Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch FPT Telecom, nguyên Phó TGĐ Tập đoàn FPT - thẳng thắn: “Với hồ sơ tuyển dụng, việc có chọn đối tượng để thi tuyển chúng tôi sẽ nhìn thẳng vào bằng cấp”.
“Nếu FPT tuyển ít thì chỉ chọn hồ sơ loại giỏi, thậm chí bằng giỏi cũng chưa được gọi phỏng vấn. Nhưng khi đã vào FPT thì bằng giỏi là chưa đủ”, bà Hà cho biết tại chương trình “FPT CEO Talk” với chủ đề “Phía sau những thành công” tổ chức cuối tuần trước.
Bằng giỏi là ưu tiên số 1, nhưng...
Với hơn 20 năm làm việc ở FPT và tham gia tuyển dụng rất nhiều thế hệ nhân viên của công ty, bà Hà chia sẻ: “Đầu tiên, muốn tuyển nhân viên tốt thì CV phải tốt, kết quả học tập trong trường phải tốt. Người bằng giỏi là ưu tiên số 1 khi tuyển chọn vào FPT”.
“Tuy nhiên, việc tuyển dụng không bó buộc vào điều kiện sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mà còn cần nhiều yếu tố khác nữa. “Người FPT” cần sáng tạo, năng động. Tham gia hoạt động xã hội, công tác Đoàn, hội trong nhà trường sẽ mang đến những kinh nghiệm bổ trợ cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm”.
Bà Hà cũng cho biết, quá trình tuyển dụng và làm việc trong FPT có nhiều khác biệt. Trong đó, sức sáng tạo rất được coi trọng.
“Ngay trong các video clip, bạn có thể thấy “Thưởng em đâu sếp” (của Giáo sư Cù Trọng Xoay – PV) hay anh Bình (ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – PV) tham gia The Voice. Ở FPT, chúng tôi có cuộc vận động Hôm nay bạn có ý tưởng gì mới chưa? Thông tin về cuộc vận động treo khắp nơi, thậm chí cả trong toilet. Sau một thời gian ngắn, FPT có gần 400 sáng kiến ở khắp nơi gửi về” – bà Hà kể.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình hát Diễm xưa bằng cách bắt chước chất giọng đặc biệt của 4 ca sĩ nổi tiếng là Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Bằng Kiều và Khánh Ly. Ảnh cắt từ clip nội bộ Fun4Fun của FPT.
“Ở FPT, nôm na tổng kết làm 10 việc mà thành công 7 việc là rất tốt rồi, 3 việc còn lại sai không sao hết. Thế người trẻ mới dám sáng tạo! Càng trẻ, mới vào công ty thì việc chấp nhận sai sót đối với các bạn ấy càng lớn”.
Hãy dám dấn thân và thất bại!
“Khi bắt đầu tốt nghiệp cũng là khi các bạn bắt đầu trải nghiệm sự thất bại. Và thất bại là khởi đầu của sự thành công”, bà Lê Minh Đức - Giám đốc Trung tâm kinh doanh Telesale, một trong những người tham gia mở rộng thị trường Internet từ những ngày đầu của FPT nhắn nhủ.
“Khi tuyển nhân viên kinh doanh, có bạn chỉ có kinh nghiệm bán mỹ phẩm, quần áo... với những kinh nghiệm đơn giản nhất có khi lại trúng tuyển. Với tôi, quan trọng không phải là bạn đã làm gì, mà là bạn học được gì từ công việc ấy”.
“Lý thuyết thường nói bạn làm việc với đam mê sẽ thành công. Nhưng đam mê đi từ sở thích, mà sở thích nào, đến cỡ nào mới gọi là đam mê? Tôi chỉ có một lời khuyên dành cho các bạn sinh viên là: Dám thất bại. Công việc nào phù hợp với hoàn cảnh gia đình, phù hợp với bản thân thì các bạn cứ dấn thân. Bạn có thể chọn dừng chân bất cứ chỗ nào”, bà Hà nói.
Trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm hồ sơ, làm thế nào để bạn nổi bật so với các ứng viên khác? Bà Hà chia sẻ 2 trường hợp bà vô cùng ấn tượng.
Trường hợp thứ nhất là một bạn sinh viên đã được gọi đến phỏng vấn. Ngay ngày hôm sau, bạn đã đến FPT ngồi đợi từ 7h30 (giờ làm việc tại FPT là 8h), và trình bày: “Em chưa biết kết quả, nhưng em biết kết quả là tốt. Chị cho em làm việc ở FPT 1 tháng không lương, em tin chị sẽ lựa chọn em làm nhân viên của chị”.
“Tôi không có lý do gì để từ chối”, bà Hà cho biết.
Trường hợp thứ hai, bà Hà kể: “Ngày ấy, FPT cung cấp dịch vụ Internet và tổ chức các buổi đào tạo cho các cộng tác viên trong lĩnh vực này. Lúc ấy, tôi thấy một cô bé cứ vừa hỏi xong, đến câu hỏi tiếp theo lại giơ tay xin hỏi”. Cô bé ngày ấy chính là Lê Minh Đức - Giám đốc Trung tâm kinh doanh Telesale bây giờ.
“Khi tuyển dụng, chúng tôi chú ý đến yếu tố gì? Có một kinh nghiệm đơn giản là bạn phải thể hiện sự nỗ lực, tìm hiểu gì thì tìm hiểu đến cùng... Không có cách gì khác”.
“Thường các sinh viên mới ra trường hay bị barrier (lực cản – PV) là muốn công việc tốt, thu nhập cao, tôi hỏi ai cũng trả lời như thế. Còn công việc thế nào là tốt thì các bạn không trả lời rõ ràng. Thường chính yếu tố ấy cản trở các bạn tiếp nhận các cơ hội mới”.
“Tôi tâm đắc với câu nói: Phần thưởng dành cho người dũng cảm. Chúng ta phải có sự hết mình, có sự cống hiến thì mới có thành quả. Yếu tố chúng tôi cân nhắc khi tuyển dụng là sự chấp nhận thử thách, khó khăn ban đầu của các bạn. Kể cả với công việc có thu nhập rất tốt, nhưng chúng tôi vẫn nói nó khó khăn để xem sự chấp nhận thử thách của các bạn đến đâu”, bà Hà nói.
>> Tiêu chuẩn làm nhân viên cho Warren Buffett là gì?
Thanh Thủy