[NGHỀ CỦA TÔI] Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình
“Anh làm nghề gì ? ” Tôi chỉ trả lời “mình làm nghề môi trường”. Vâng, cố nhiên một vài người cũng tò mò hỏi lại “ môi trường là nghề gì?” Tôi cũng trả lời qua quýt “ làm xử lý môi trường ấy mà” hay đại loại những câu tương tự như thế… Điều đó thật rắc rối.
Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã chính thức khởi động được 1 tuần lễ. Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu để bạn đọc cùng theo dõi và đánh giá.
Bài dự thi đầu tiên sẽ được đăng tải từ hôm nay, thứ Hai ngày 11/5/2015, là bài viết "Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình" của tác giả Kiên Sanka, chia sẻ về công việc của những công nhân môi trường. Mời quý độc giả đón đọc.
Lang thang khắp con phố bên những chiếc xe thùng, đôi khi tạt té trà đá vỉa hè và đôi khi độn thổ biến mất tăm khỏi đường phố như một lính biệt kích. Nói thì lại bảo là nói dóc nhưng thật tình lại như thế. Bởi chẳng ai mà không biết trên khắp các con phố có một hệ thống cống ngầm dày đặc và chằng chịt. Và nói là độn thổ cho có tính chất phiêu lưu, chứ đấy chẳng qua là việc chui xuống một trong những chiếc hố tanh hôi, lấm láp đó.
Nhiều năm về trước có ai hỏi tôi: “Anh làm nghề gì ?”. Tôi chỉ trả lời “Mình làm nghề môi trường”. Vâng, cố nhiên một vài người cũng tò mò hỏi lại “Môi trường là nghề gì?” .Tôi cũng trả lời qua quýt “Làm xử lý môi trường ấy mà” hay đại loại những câu tương tự như thế… Điều đó thật rắc rối.
Cho đến giờ, đôi khi tôi vẫn thỉnh thoảng trả lời như thế. Nhưng không thường xuyên như trước kia. Thời gian cho tôi một suy nghĩ, hay chính xác hơn là nhận định: Dù làm nghề gì cũng là một nghề đáng trân trọng nếu pháp luật không cấm và mình tự hào vì điều đó. Cho nên giờ có ai hỏi tôi những câu hỏi tương tự, tôi trả lời ngay: “Mình làm nghề nạo vét, thông cống”. Thỉnh thoảng tôi vẫn trả lời là “Nghề môi trường”. Chắc chắn rồi, bởi tôi đã nói là thỉnh thoảng. Và hẳn người ta sẽ lại hỏi lại những câu tiếp theo…
Người ta có lý, nghề môi trường có muôn hình vạn trạng. Có người ngồi bàn giấy, có người đi quan trắc, có người đi giám sát. Còn cái nghề của tôi là nạo vét cho cống thông thoáng. Hẳn các bạn biết đấy, nếu gặp trời mưa người ta sẽ la lên: “Trời, sao mà mưa một tý đường đã ngập úng lên đến nửa bánh xe rồi” hay hài hước hơn “ Em ơi Hà Lội phố”. Lúc đó chúng tôi phải ra tay. Không, thực tế là chúng tôi phải ra tay từ trước đó. Chỉ khi lượng nước quá tải, chúng tôi mới phải ra tay ngay cả giữa trời mưa.
Nạo vét cống là một công việc mà sự chia sẻ giữa các thành viên là vô cùng cần thiết. Đó là sự chia sẻ rất đỗi đáng yêu và trách nhiệm. Nhóm chúng tôi có bốn nam và ba nữ. Mỗi khi làm “lính biệt kích”, bốn chàng trai thay phiên nhau chui xuống cống dò xét, tìm hiểu và bắt đầu gỡ các nút thắt cống bằng cách múc vét những dung dịch bùn sệt sệt, đặc quánh và đầy khí độc hại. Phụ nữ giúp chúng tôi kéo các dung dịch đó lên mặt đất và đổ chúng vào các xe thùng đẩy tay chuyên dụng. Thứ tự công việc đó đã ngầm được chia sẻ. Tôi không biết các nhóm khác thế nào, nhưng nhóm tôi là vậy, phụ nữ không bao giờ phải chui xuống cống cả. Kể cả khi họ muốn làm “lính biệt kích”.
“Tốt thôi”, một anh chàng có khiếu hài hước trong nhóm nói. “Các chị cứ thử xuống đây mà xem, biết đâu đấy lại mò được vòng ngọc trai hay chiếc nhẫn cưới của ai làm rơi xuống ấy nhỉ. Hẳn khi ấy ai cũng tranh nhau làm lính biệt kích”.
Anh chàng rít một hơi thuốc thật dài. “Nhưng các chị thử nghĩ mà xem, Anh ta tiếp tục nói, ngón tay gãi gãi sau gáy tỏ vẻ suy tư, “giả như vừa mò được lại có người quay lại xin thì không biết các chị có trả lại cho họ không nhỉ. Hay lại nhanh tay cho vào túi mà chưa kịp rửa chúng. Để rồi tối về nhà nó bốc mùi lên đến con cái cũng phải chạy qua hàng xóm hôm sau mới dám về nhà”. Anh ta lại rít một hơi dài và mọi người phá lên cười…
Đó hẳn là những lúc vui vẻ ngoài thời gian ẩn mình dưới lòng đường phố. Dù làm bất cứ điều gì thì cũng luôn có lúc mệt nhọc và những lúc thư thái. Và ai cũng có cái khổ cái sướng riêng trong nghề của mình.
Nếu thời tiết đẹp, chúng tôi nhẹ nhàng nạo vét và thu gom bùn cống mỗi ngày. Mọi người ra về, có người cách chỗ làm việc hơn 10 kilomet, có người thì 20 kilomet, rồi ai về nhà nấy ngon giấc cho đến ngày làm hôm sau.
Nếu thời tiết không đẹp thì thật là tệ. Hết giờ làm, vẫn ngồi lay lắt đâu đấy chờ xem trời có mưa không để xử lý bơm thoát lũ. Nhưng những ngày như vậy vẫn còn may. Có hôm vừa về đến nhà chỉ kịp thay quần áo lại thấy ca trực gọi điện trời có mưa to, mọi người lại phải phi thật nhanh lên nhận lệnh. Ôi, lúc đó thì chỉ biết kêu trời chứ còn biết sao nữa.
Tiếp đến là nhiều ngày mưa lặp đi lặp lại đến phát chán. Công việc túc trực cho máy bơm thoát nước nhàn kinh khủng, bạn chỉ cần mặc một bộ quần áo mưa chuyên dụng, đứng bên chiếc máy ngó nghiêng nhìn nước chảy. Những người khác nhanh tay lượm rác để tránh bị tắc cống. Công việc nhẹ nhàng nhưng nếu diễn ra vào mùa đông thì quả là địa ngục. Thật may, mùa đông cũng hiếm khi có mưa to.
Ngẫm lại, tôi thấy rằng đôi khi nghề nghiệp chọn chúng ta mà không phải là chúng ta chọn nghề nghiệp. Và đôi khi tôi vẫn trả lời mình làm nhân viên môi trường thay vì câu trả lời mình làm nghề nạo vét cống. Có thật nhiều cực nhọc và độc hại nhưng cũng thật nhiều niềm vui theo cái cách mà tôi nhìn thấy. Tôi chẳng chọn nạo vét cống hay là một anh “lính biệt kích” nhưng đó vẫn đang là một phần cuộc sống của tôi và tôi luôn làm hết sức có thể.
Chiều nay hết giờ làm một anh bạn ghé qua rủ tôi về: “Kiên, hết giờ rồi về đi cùng cho vui”.
Tôi ực một ngụm trà đá sâu trong cổ họng. “Anh về trước đi em chắc phải một lúc nữa".
“Hết giờ rồi mà, còn ngồi đó làm gì nữa.” Anh bạn lại hỏi.
Tôi ngước mặt và chỉ tay lên bầu trời. Anh bạn hiểu ý và trở về nhà trước. Đường phố tan tầm thật đông, Bóng anh bạn hòa dần vào dòng xe tấp nập.
Kiên-Sanka
Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn
Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên
Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm
Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.
01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.
10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.
Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.
Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.