Thị trường F&B: Sôi động nhượng quyền thương hiệu
Lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam vẫn hút các doanh nghiệp (DN) ngoại, đặc biệt là những thương hiệu ở khu vực châu Âu, Mỹ Latinh.
Thế mạnh F&B
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) chưa bao giờ hết sôi động khi liên tục thu hút các thương hiệu nhượng quyền từ nước ngoài.
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong 8 năm qua, Vụ đã cấp phép cho 137 thương nhân và 148 thương hiệu, nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam.
Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm đến 43,7% số thương vụ với 42 thương hiệu trong các ngành hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng lẩu nướng.
Xếp vị trí thứ 2 là lĩnh vực thời trang với 19 thương hiệu, chiếm 19,3%.
Kế đến là lĩnh vực giáo dục - đào tạo (17 thương hiệu, chiếm 14,1%), cửa hàng tiện lợi (3 thương hiệu - 2,2%), cửa hàng bán lẻ khác (15 thương hiệu - 10,4%) và 10,3% còn lại thuộc về các lĩnh vực dược phẩm, hóa chất, môi giới bất động sản, lưu kho...
Trong các thương hiệu đã vào Việt Nam, nổi lên là những tên tuổi như McDonald's, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (Mỹ), Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Pepper Lunch, Burger King (Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tour Les Jour, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast Londa (Anh), Bulgari, Moschino, Rossi (Ý)...
Ông Winston Lim - Giám đốc Công ty Dịch vụ Triển lãm Bizlink (Singapore), cho rằng, trong nhượng quyền thì lĩnh vực F&B chiếm tỷ lệ lớn và thường thành công hơn so các lĩnh vực khác. Việt Nam là thị trường đông dân, đa số là người trẻ nên dễ chấp nhận những sản phẩm và dịch vụ mới hơn so với nhiều quốc gia khác.
Bà Phạm Thị Hương, chuyên gia nghiên cứu và phát triển nhượng quyền thương mại (franchise) của Arocking cũng đồng tình rằng, franchise trong lĩnh vực F&B ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Franchise F&B rất hấp dẫn bởi chủ kinh doanh không phải mất nhiều tiền bạc, thời gian, tâm trí để xây dựng thương hiệu.
Hơn nữa, các vấn đề về rủi ro trong khởi nghiệp cũng được giảm thiểu vì đã có sẵn mô hình kinh doanh thành công để áp dụng.
Bên cạnh đó, bên nhận nhượng quyền cũng được "thừa kế” kinh nghiệm, bí quyết tổ chức kinh doanh của bên nhượng quyền và thụ hưởng hiệu ứng chuỗi của hệ thống", bà Hương phân tích.
Thấy rõ nhất trong lĩnh vực này là Caffe Bene. Tuy đến Việt Nam sau những thương hiệu Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf... nhưng Caffe Bene đã tạo được thành công nhất định. Trong năm 2014, thương hiệu này đã mở 3 quán và tăng lên 10 quán vào năm 2015.
Theo kế hoạch, Caffe Bene sẽ đạt 15 quán trong năm 2016 và tăng lên 300 quán vào năm 2018.
Chia sẻ với báo chí trong dịp ra mắt thương hiệu tại Việt Nam vào cuối năm ngoái, ông Kim Sun Kwon - CEO Caffe Bene, cho biết, kinh tế không tác động nhiều vào lĩnh vực này và dù kinh tế có khó khăn thì người ta vẫn có nhu cầu gặp gỡ, vẫn vào quán cà phê.
Vì vậy, kế hoạch của Caffe Bene chắc chắn sẽ "đến đích" vì hiện tại, thương hiệu có tốc độ mở 120 quán mỗi năm. Chỉ ra đời cách đây 7 năm nhưng Caffe Bene đã có 1.600 quán tại 11 quốc gia.
Thêm thương hiệu mới
Thị trường franchise đang nhộn nhịp và được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Mặc dù đã có khá nhiều thương hiệu đến từ châu Á nhưng lĩnh vực này đang đón nhận những thương hiệu mới đến từ khu vực châu Âu và Mỹ Latinh.
Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Bán lẻ & Nhượng quyền Châu Á (Retail & Franchise Asia) - đơn vị đại diện cho nhiều thương hiệu nhượng quyền nước ngoài tại Việt Nam, cho biết, hiện có khoảng 40 thương hiệu, trong đó có 90% là của các DN đến từ châu Âu và Mỹ Latinh đang tìm đối tác để nhượng quyền.
Đây là những DN hoạt động trong ngành ẩm thực, đào tạo, giáo dục, cung cấp dịch vụ mới, như Tony Romas (với hơn 150 chi nhánh tại 29 nước), Second Cup (với 345 chi nhánh tại 20 quốc gia), Steakn Shake (hơn 500 chi nhánh tại 10 quốc gia), Kenny Roger Roasters (hơn 300 chi nhánh tại 10 quốc gia), Archipelago International (hơn 190 khách sạn ở Đông Nam Á) và Jan-Pro cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp với hơn 10.000 chi nhánh nhượng quyền trên thế giới.
Cũng theo bà Vân, hiện các công ty khu vực Mỹ Latinh và châu Âu đang muốn chuyển kinh doanh sang khu vực châu Á. Các DN này đánh giá thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển để khai thác.
Đây cũng là lý do để Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) phối hợp với Công ty Vinaxad tổ chức Triển lãm Quốc tế Nhượng quyền thương hiệu và Bán lẻ 2015 (VIETRF 2015) tại TP.HCM từ ngày 5 - 7/11.
Ngoài 20 thương hiệu do Retail & Franchise Asia đại diện tìm đối tác, triển lãm còn thu hút 20 công ty trong và ngoài nước muốn nhượng quyền kinh doanh.
Trong số này nổi lên các thương hiệu như Jollibee, Lotteria, Ministop, Effoc Café, Uncle Bill, Snawee. Sự hấp dẫn của thị trường thu hút lượng DN tham gia triển lãm tăng đến 30% so với năm trước.
Tuy nhiên, điều mà đáng lo là hầu hết DN trong nước hoạt động với mô hình nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý và lúng túng trong việc xây dựng chiến lược franchise.
Bên cạnh đó, văn bản pháp quy ra đời năm 2014 như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã khiến những quy định về franchise tại Luật Thương mại năm 2004 không còn phù hợp.
Chẳng hạn như trong khi thương nhân nước ngoài phải đăng ký về điều kiện hoạt động cũng như hàng hóa thực hiện nhượng quyền tại Việt Nam thì chưa có quy định nào bắt buộc thương nhân trong nước phải đăng ký hoạt động franchise.
Bên cạnh đó, nếu có tranh chấp xảy ra thì mức xử phạt vi phạm hành chính cũng rất khiêm tốn càng gây khó khăn cho việc quản lý.