Chủ tịch ô tô Trường Hải: “Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ”
“Thái Lan, Indonesia đã phát nền công nghiệp ô tô từ năm 1970, còn chúng ta thực sự mới làm từ 2004, với điểm xuất phát về nền kinh tế, kể cả thu nhập đầu người... rất thấp. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ” - Chủ tịch Thaco Trường Hải.
Nội dung nổi bật:
- "Tôi thấy chúng ta có thể làm được công nghiệp ô tô, nhưng mong muốn xã hội đừng kỳ vọng quá lớn, quá cao với cái chúng ta muốn. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ"
- “Chúng tôi không nghĩ Toyota bỏ cuộc đâu. Các bạn đặt ra câu hỏi Toyota có làm hay không? Tôi khẳng định thị trường Việt Nam tới 100 triệu dân thì người ta không bỏ cuộc đâu”
- “Lo lắng của các doanh nghiệp đến năm 2018 thuế suất về 0%, tôi cũng lo. Chiến lược xây dựng từ Tháng 7/2014, nhưng đến nay là Tháng 4/2015 cũng chưa có định hướng chính sách cụ thể để có định hướng cho doanh nghiệp triển khai chiến lược, trong khi thời gian còn lại rất ngắn”
“Tôi không nghĩ Toyota bỏ cuộc đâu”
“Chúng tôi không nghĩ Toyota bỏ cuộc đâu. Các bạn đặt ra câu hỏi Toyota có làm hay không? Tôi khẳng định thị trường Việt Nam tới 100 triệu dân thì người ta không bỏ cuộc đâu” – ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết tại Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chiều 27/4.
Ông Long cũng cho rằng Việt Nam nên tập trung khuyến khích các doanh nghiệp ô tô có điều kiện, có năng lực cạnh tranh trên thị trường. “Câu chuyện ô tô không phải câu chuyện toàn dân làm ô tô. Doanh nghiệp nào, sản phẩm nào của Việt Nam đủ sức cạnh tranh mới đầu tư” – ông Long khuyến nghị.
“Lo lắng của các doanh nghiệp đến năm 2018 thuế suất về 0%, tôi cũng lo” - ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải – cho biết. “Chiến lược xây dựng từ tháng 7/2014, nhưng đến nay là Tháng 4/2015 cũng chưa có định hướng chính sách cụ thể để có định hướng cho doanh nghiệp triển khai chiến lược, trong khi thời gian còn lại rất ngắn”.
Cũng theo ông Dương, với câu chuyện của Toyota, hầu hết linh kiện của Toyota nhập về từ ASEAN với mức thuế suất 5%. “Khi thuế suất bằng 0, nếu nhập xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp ô tô, Toyota sẽ giảm được 5% thuế nhập khẩu linh kiện và chi phí lắp ráp” – ông Dương tính toán.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thaco Trường Hải cũng lo ngại khi hội nhập ASEAN, trong khi Việt Nam mở cửa thì các nước Malaysia, Thái Lan... tất cả đều có bảo hộ.
“Dùng bảo hộ nghe “nặng” nhưng đó là trợ lực phát triển sản xuất trong điều kiện thị trường tiêu thụ lớn. Bản thân tôi không xin quá nhiều, và không thể dựa vào bảo hộ để phát triển sản xuất lâu dài” – ông Dương cho biết.
Theo đó, Chủ tịch Thaco Trường Hải đưa ra 2 khuyến nghị.
Một là, xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện.
Hai là, xem xét lại việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ"
Ông Dương cũng cho rằng, ngành công nghiệp ô tô đối với Việt Nam là rất quan trọng, từ công nghiệp ô tô có thể làm được các ngành khác.
“Nếu so sánh phân tích tất cả các ngành công nghiệp hiện nay, phải thấy được rằng cũng rất khó để có thể phát triển được trong bối cảnh hiện nay, nếu không có chiến lược nhất định để nuôi dưỡng, tạo điều kiện để có các dự án phát triển thì mãi mãi không mở được thị trường” – ông Dương nói.
“Nếu làm được điều này, tôi thấy chúng ta có thể làm được công nghiệp ô tô, nhưng mong muốn xã hội đừng kỳ vọng quá lớn, quá cao với cái chúng ta muốn. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ".
Ông Dương phân tích, sau một thời gian phát triển, Việt Nam đã có các nhà sản xuất cung ứng được vào ngành công nghiệp lắp ráp. “Kể cả xã hội nói được ưu đãi, nhưng trong bối cảnh ưu đãi tổng thể (kể cả với doanh nghiệp nước ngoài), mà chúng tôi trụ được, cạnh tranh được, có được cơ sở sản xuất, tôi nghĩ đó là thành công. Tuy nhiên, so sánh phải chuẩn”, ông Dương giãi bày.
“Thái Lan, Indonesia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1970, còn chúng ta thực sự mới làm từ 2004, với điểm xuất phát điểm về nền kinh tế, kể cả thu nhập... đều thấp. Giờ chúng ta xác định đã đến thời điểm hy vọng về phát triển ô tô đã lớn hơn, đã có khả thi hơn”.
“Hiện trong ASEAN, 2 thị trường tiềm năng và là đích đến của các nhà sản xuất ô tô trên thế giới là Thái Lan và Indonesia. Bối cảnh Việt Nam hiện nay, với thị trường 90 triệu dân, vẫn là điểm đến cho các hãng xe chưa có điểm sản xuất tại ASEAN, khi đó họ có thể sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước ASEAN”.
“Tôi nghĩ cái này là khả thi. Tôi đã tiếp xúc và xúc tiến các hãng xe. Họ vẫn thấy thị trường 90 triệu dân là tiềm năng, nhưng họ sợ kinh tế Việt Nam phát triển chưa lớn. Trong giai đoạn thị trường chưa đủ lớn thì cần có ưu đãi...”, ông Dương nói.
Đến nay, tổng năng lực sản xuất – lắp ráp ô tô của Việt Nam khoảng 460 ngàn xe/năm. Trong đó, xe con là 200 ngàn xe/năm. Xe tải, xe khách: 215 ngàn xe/năm.
Tỷ lệ nội địa hóa mới dừng lại ở mức lắp ráp giản đơn. Trong đó:
- Xe con: Thaco đạt 15 – 18%; Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng cho dòng xe Inova)
- Xe tải nhẹ: Thaco đạt 33%; Vinaxuki đạt 50%
Lý do công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển ở mức thấp, Bộ Công thương cho rằng do ô tô Việt Nam ra đời muộn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ. Dung lượng thị trường còn nhỏ do mức sống chưa cao...
>> “Không doanh nghiệp Việt nào vào được chuỗi sản xuất của Toyota”
Thanh Thủy