Toyota bỏ Việt Nam đi đâu?
Toyota tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây nhà máy mới tại Mexico và 440 triệu USD để tăng thêm dây chuyển sản xuất cho các nhà máy hiện tại ở Trung Quốc.
Nội dung nổi bật:
- Trong bối cảnh Toyota đang cân nhắc việc đóng cửa nhà máy tại Việt Nam thì hãng này lại tuyên bố khoản đầu tư lên tới 1 tỷ USD vào Mexico và 440 triệu USD vào Trung Quốc.
- Động thái này nằm trong nỗ lực đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của thị trường Bắc Mỹ và từng bước tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc của hãng.
Tập đoàn Toyota Motor vừa tiết lộ kế hoạch mở rộng sản xuất trong 3 năm tới và vạch ra chiến lược ưu tiên đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường Mỹ. Ngoài ra, hãng này cũng đề ra nhiều kế hoạch khác để tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Cụ thể vào thứ 4 vừa qua, nhà sản xuất ô tô tới từ Nhật Bản tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây nhà máy mới tại Mexico và 440 triệu USD để tăng thêm dây chuyển sản xuất cho các nhà máy hiện tại ở Trung Quốc.
Trong kế hoạch đề ra, tại nhà máy Guanajuato (Mexico), Toyota lên kế hoạch sản xuất 200.000 chiếc Corolla 1 năm để cung ứng cho thị trường bắc Mỹ bắt đầu từ năm 2019. Trong khi đó tại Trung Quốc, Toyota kỳ vọng sẽ hoàn thành việc lắp ráp dây chuyền sản xuất mới cho 1 nhà máy tại Quảng Châu vào năm 2017 để nâng sản lượng lên khoảng 100.000 chiếc xe 1 năm.
Không chỉ Toyota, hiện rất nhiều nhà sản xuất xe hơi khác đang chuyển hướng đầu tư vào Mexico do tại đây giá nhân công rẻ và có thoả thuận buôn bán tự do với nhiều quốc gia khác.
"Tổng tấn công" vào Mexico
Chiến lược chuyển dịch đầu tư kể trên của Toyota cho thấy rõ nỗ lực tấn công vào thị trường bắc Mỹ của hãng xe này. Điều đáng nói là, lần đầu tiên kể từ năm 2009, Toyota đã gần vượt qua được Ford Motor để giành vị trí nhà cung cấp xe lớn thứ 2 về số lượng tại Mỹ. Hiện Toyota đang dự báo công ty sẽ đạt lợi nhuận hoạt động kỷ lục tới 2,7 nghìn tỷ yên (tương đương 22,6 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.
Trước Toyota cũng đã có 7 nhà sản xuất ô tô ở châu Á và châu Âu bắt đầu sản xuất hoặc tuyên bố kế hoạch xản xuất tại Mexico kể từ cuối năm 2013. Tổng thể những hãng này đã đầu tư hơn 21 tỷ tại Mexico trong chỉ hơn 2 năm.
Các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã tuyên bố khoản đầu tư khổng lồ để mở rộng nhà máy tại Mexico. Ford đang lên kế hoạch 2,5 tỷ USD để đầu tư các nhà máy ở Mexico (1 ở Chihuahua và 1 ở Guanajuato). General Motor cũng đã nói họ sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Mexico trong vài năm tới.
Trong khi đó, một giám đốc của Hyundai Motor nói rằng công ty đang lên kế hoạch thêm 1 nhà máy tại Mexico, liên kết với chi nhánh Kia Motor Corp vốn đang xây dựng một nhà máy ở phía bắc thành phố Monterrey. Tuy vậy, vị này không cho biết lịch trình cụ thể của khoản đầu tư kể trên.
Mexico sản xuất 3,2 triệu xe vào năm 2014, vượt qua cả Brazil - thị trường ô tô lớn thứ 7 trên thế giới. Mặc dù doanh số bán nội địa mở rộng nhanh chóng những tháng gần đây, hơn 80% sản lượng sản xuất tại Mexico đã được xuất khẩu, hầu hết là đến thị trường Mỹ.
Với sự ra mắt của những nhà máy mới và kế hoạch mở rộng những xưởng hiện tại, Mexico đang hy vọng sản xuất được 5 triệu chiếc xe ô tô 1 năm tính đến hết thập kỷ này, theo AMIA – hiệp hội các nhà sản xuất của quốc gia này.
Cũng vì có nhà máy mới, nhà máy của Toyota tại Ontario sẽ ngừng sản xuất mẫu xe Corolla vào năm 2019 và bắt đầu sản xuất các mẫu xe du lịch cỡ trung. Trong tháng 4/2013, Toyota đã đóng băng đầu tư tại nhà máy mới và thay vào đó tập trung vào việc thúc đẩy doanh số tại những nhà máy hiện tại. Chủ tịch Akio Toyota đã thừa nhận việc Toyota đã quá khích khi xây dựng nhiều nhà máy mới vào những năm 2000 khiến dư thừa sản lượng và chi phí cố định tăng cao, nhất là sau khủng hoảng tài chính. Toyota hiện sản xuất khoảng 9,8 triệu chiếc xe 1 năm trên toàn cầu.
Thận trọng phát triển tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các chiến lược kinh doanh của Toyota vẫn duy trì ở mức thận trọng. Ngay cả khi sản lượng hàng năm tại Trung Quốc sẽ tăng thêm 100.000 chiếc so với mức hiện tại là 1 triệu chiếc thì cũng rất khó nếu Toyota muốn đạt được tham vọng tăng gấp đôi doanh thu và sản lượng lên 2 triệu chiếc trong tương lai.
“Tại Trung Quốc, Toyota là người theo sau. Chúng tôi đang cố gắng bắt kịp các đối thủ cạnh tranh nhưng thay vì rượt đuổi về doanh số bán hàng và sản lượng, chúng tôi muốn tập trung vào sản phẩm để xây dựng vị thế của mình. Để làm được điều này, không có cách nào khác là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất”, một nguồn tin thân cận tại Toyota cho biết.
Trong năm 2014, Toyota bán được 1,03 triệu chiếc xe tại Trung Quốc, tăng 12,5% và năm nay Toyota muốn đẩy con số này lên mức 1,1 triệu chiếc. Giống như nhiều nhà sản xuất ô tô khác, thị phần của Toyota tại Trung Quốc đã giảm trong một vài năm trở lại đây.
Cả Toyota, Nissan Motor và Honda đều thất bại trong việc giành lại thị phần đã mất tại Trung Quốc sau khi những tranh cãi về ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản nổ ra vào năm 2012 dẫn đến làn sóng tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản. Trong năm 2014, Toyota đã chiếm 4,4% thị phần, ít hơn mức 4,8% vào năm 2011.
Dẫu vậy, một vài chuyên gia nhận định rằng chiến lược của Toyota là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và sự cạnh tranh khốc liệt về giá xe.
“Tại thời điểm thị trường Trung Quốc trở nên phức tạp hơn trong việc định giá thì những mẫu xe công suất thấp nhưng hiệu năng sử dụng cao sẽ là một ý tưởng thông minh”, Robin Zhu – một chuyên gia phân tích tại ngân hàng Stanford Bernstain nói. Cạnh tranh về giá đang tăng lên ở phân khúc xe du lịch.
Thêm vào đó, thứ 4 vừa qua, Trung Quốc công bố tốc độ phát triển kinh tế trong quý kết thúc vào tháng 3 đạt 7%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tốc độ phát triển doanh số các loại xe chở khách cũng đang được dự báo giảm trong năm nay.
Trong khi đó, công ty đến từ Đức là Volkswagen đang dần chiếm được vị trí nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới của Toyota một phần nhờ doanh số tăng đột biến tại Trung Quốc. Trong năm 2014, Volkwagen bán được 3,7 triệu chiếc xe tại đây và đang lên kế hoạch đẩy sản lượng hàng năm tại quốc gia này lên mức hơn 4 triệu chiếc vào năm 2018.
Một yếu tố mà Toyota hy vọng có thể giành được sức hút tại Trung Quốc là xe xăng - điện. Mẫu Prius và phiên bản xe xăng - điện của Corolla và Levin sẽ được bán vào năm nay. Công ty cũng đang lên kế hoạch trưng bày tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải vào tuần tới.
Cùng thời điểm này, tại Việt Nam đang xôn xao chuyện Toyota cân nhắc đóng cửa nhà máy. Cụ thể, phát biểu tại một cuộc họp tổng kết năm tài chính 2014 mới diễn ra, Tổng giám đốc Công ty ôtô Toyota Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta nói đây là một viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra trong bối ngành công nghiệp ôtô trong nước phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Toyota hiện đang là hãng ôtô chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng lượng xe bán ra trong năm 2014 của Toyota đạt 41.205 chiếc, tăng 24% so với năm 2013. Trong đó, lượng xe được lắp ráp ngay tại Việt Nam là 34.778 chiếc.
Năm 2014 cũng chứng kiến kỷ lục mới về xuất khẩu của Toyota Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch 40 triệu USD, qua đó nâng tổng giá trị xuất khẩu cộng dồn lên mức 286 triệu USD.
>> Toyota đóng góp được gì cho VN, ngoài đóng thuế và tạo việc làm?
Vân Đàm