Toyota đóng góp được gì cho VN, ngoài đóng thuế và tạo việc làm?

13/04/2015 08:49 AM | Kinh doanh

Thuế họ mang lại một phần, nhưng phần mình miễn, giảm thuế cho họ cũng rất nhiều! Họ được bảo hộ nhiều năm trong thời gian hoạt động. Tính toán của họ là còn ưu đãi, còn bảo hộ thì họ còn làm, không bảo hộ thì bỏ đi.

Nội dung nổi bật:

- Thuế Toyota mang lại một phần, nhưng phần mình miễn, giảm thuế cho họ cũng rất nhiều! Họ được bảo hộ nhiều năm trong thời gian hoạt động. Tính toán của họ là còn ưu đãi, còn bảo hộ thì họ còn làm, không bảo hộ thì bỏ đi.

- “Đừng nghĩ người ta vào là để xây dựng cho nền công nghiệp của Việt Nam, đóng góp công nghiệp hóa cho Việt Nam. Hoàn toàn không phải! Đối với họ, số 1 là lợi nhuận. Ở đâu có lợi thì họ làm”


Toyota Việt Nam được thành lập từ tháng 9/1995 và đi vào hoạt động tháng 10/1996 với tổng vốn đầu tư 89,6 triệu USD.  Nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam, cũng là hãng đứng đầu về dòng xe PC, mới đây đã đưa ra tuyên bố có thể ngừng lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Theo Toyota Việt Nam, trong năm 2014, đơn vị đã đóng thuế vào ngân sách nhà nước 700 triệu USD, nâng tổng số thuế đã nộp từ ngày thành lập đến nay lên con số 4 tỷ USD, đồng thời cung ứng hơn 1.600 việc làm cho lao động Việt Nam.

Nhưng, Toyota đã làm được gì cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam, ngoài việc đóng thuế và tạo việc làm?

“Chúng ta chưa kiểm soát tốt FDI, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Đến bây giờ vẫn tiếp tục như vậy. FDI thì chúng ta cho rất nhiều ưu đãi, nhưng không hề cho, nhất là cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, những cái tương tự để ít nhất cho họ có thể cạnh tranh được” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

* Thưa bà, bà có nói hiện Nhà nước vẫn ưu ái quá doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp trong nước. Vậy cụ thể trong ngành công nghiệp ô tô thì sao, có phải các doanh nghiệp FDI đang được ưu ái quá đà?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thực ra, họ có nhiều ưu thế từ đầu. Trong từng ngành tôi không thể nói cụ thể, nhưng nhìn chung, FDI bao giờ cũng được ưu đãi hơn: Xin đất dễ dàng hơn, thuế suất thấp hơn...

Về thuế, sau này chúng ta mới điều chỉnh thuế áp dụng chung chứ trước đây, khi doanh nghiệp Việt Nam chịu thuế suất 32% thì doanh nghiệp FDI cao nhất là 25%, lại còn kèm theo một loạt ưu đãi như miễn thuế trong mấy năm đầu, lại tiếp tục giảm 50% thuế trong một thời gian tiếp theo... Thành ra riêng về khoản thuế, họ phải có cả chục năm ưu đãi so với doanh nghiệp Việt Nam.

Các phương diện khác cũng vậy. Các cách giải quyết về thủ tục, giấy tờ họ cũng đỡ hơn, nhanh hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam.

* Mới đây, Toyota tuyên bố có thể ngừng lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra là Toyota cũng như các doanh nghiệp FDI khác, hưởng rất nhiều ưu đãi từ Việt Nam nói trên, nhưng cụ thể thì mang lại cho Việt Nam cái gì, trừ đóng góp thuế và tạo công ăn việc làm cho người lao động?

Thuế họ mang lại một phần, nhưng phần mình miễn, giảm thuế cho họ cũng rất nhiều! Họ được bảo hộ nhiều năm trong thời gian hoạt động. Bây giờ, khi hàng rào bảo hộ được gỡ bỏ, không phải do chủ động từ phía chúng ta mà do cam kết trong khu vực, thì rõ ràng, tính toán của họ là còn ưu đãi, còn bảo hộ thì họ còn làm, không bảo hộ thì bỏ đi.

Đừng nghĩ các DN nước ngoài vào là để xây dựng cho nền công nghiệp của Việt Nam, đóng góp công nghiệp hóa cho Việt Nam. Hoàn toàn không phải thế! Đối với họ, lợi nhuận là số 1. Ở đâu có lợi thì họ làm. Chừng nào cơ chế còn có lợi cho họ thì họ làm. Đến lúc họ tính toán là 2018, thuế nhập khẩu không còn nữa, không cạnh tranh được, nhập khẩu về có lợi hơn, thì họ quay sang nhập khẩu. Có thế thôi!

Công ăn việc làm cũng vậy. Đừng nghĩ họ thương người Việt Nam, họ tạo công ăn việc làm cho mình. Lao động giá còn rẻ, trong ngành còn được bảo hộ cao, còn khi không còn thì họ tính đến việc rời đi.

* So sánh với Thái Lan, khi thu hút FDI trong ngành công nghiệp ô tô, sau 60 năm, Thái Lan đã giữ vị trí số 1 trong ngành công nghiệp này tại ASEAN. Còn Việt Nam cũng ưu đãi FDI, giờ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn không có gì...

Bởi vì cách xử lý của Thái Lan khác Việt Nam. Họ bắt buộc là phải đặt ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước họ, tạo đà cho sản xuất Thái Lan ở thời điểm đó. Mà sản xuất của họ chủ yếu là phụ kiện. Bởi với ô tô, lắp ráp là khâu cuối cùng, tạo ra giá trị gia tăng thấp thấp.

Việt Nam thì cứ thích có lắp ráp, nghe danh nghĩa ô tô Việt Nam, sản xuất Made in Vietnam là sung sướng. Các nước khác thì phải tính bao nhiêu % của một chiếc ô tô được sản xuất ở nước mình, họ mới hài lòng. Thái Lan cũng vậy, họ không chấp nhận việc họ chỉ là dây chuyền lắp ráp. Họ yêu cầu các khâu sản xuất rất gắt gao. Khác nhau là thế.

Các khâu sản xuất thì các doanh nghiệp FDI không buông được, còn lắp ráp thì rất dễ buông.

* Xin cảm ơn bà!

“Đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào ngân sách Nhà nước tăng từ 5,2% năm 2000 lên 14,3% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào NSNN còn nhỏ so với những ưu đãi được hưởng” – trích báo cáo nghiên cứu “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến doanh nghiệp Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ailen (ESRI) và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia Việt Nam.

>> “Không doanh nghiệp Việt nào vào được chuỗi sản xuất của Toyota”

Thanh Thủy (thực hiện)

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM