Áp thuế phòng vệ: Đáng lý dân được mua rẻ lại phải chịu giá đắt?
Đáng lý người dân được mua hàng giá rẻ nhưng vì áp thuế mà lại phải mua đắt; thị trường biến động vì ”găm hàng, đẩy giá” ngay khi có thông tin áp thuế…
Chiều 25/3 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).
Câu chuyện thực tế từ việc áp thuế đối với mặt hàng thép, xăng dầu… được các ĐBQH đưa ra để mổ xẻ, phân tích chuyện nên hay không áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) việc áp thuế tự vệ cho hàng hoá trong nước là biện pháp áp dụng phổ biến trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. “Nhưng nếu đưa vào quy định cứng trong luật thế này, tôi e sẽ ảnh hưởng trực diện tới sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước” – ĐB Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ sự lo lắng.
Theo ông Bảo, khi đưa ra hàng hào thuế quan phải chú ý tới thị trường, tận dụng tối đa của hội nhập trong nền kinh tế vĩ mô. Ví dụ thép và xăng dầu, khi giá thế giới giảm thì phải tận dụng, trong khi trong nước sản xuất đắt hơn thế giới. “Khi thế giới đang giảm thì chúng ta không nên xây dựng các hàng rào tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dung” - ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm.
Ông Bảo lấy ví dụ về chuyện áp thuế đối với mặt hàng thép vừa qua đã gây thiệt hại cả cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khi đưa ra quyết định áp dụng thuế nhập khẩu phôi thép là 23% và 14,2% đối với thép dài, ngày 23/3 mới có hiệu lực thì trước đó 1 tuần đã xảy ra hiện tượng găm hàng, dẫn đến người tiêu dùng thiệt hại và giá thành xây dựng tăng lên.
Vị ĐB tỉnh Vĩnh Phúc nghi ngại “công nghệ của ta lạc hậu, giá thành sản xuất cao hơn của thế giới cao hơn 50 USD. Vậy ta có đặt ra hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước không? Thế giới đang chuyển sang nguồn tài nguyên tái tạo nhưng ta đi khai thác cạn kiệt nhưng ta lại đang đi bảo vệ cho chuyện này”.
Cũng bàn về việc áp thuế phòng vệ thương mại, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lại đánh giá cao việc đưa quy định này vào dự thảo Luật. Theo ông, thuế phòng vệ thương mại là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.
"Theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do và thông lệ quốc tế thì các biện pháp phòng vệ, trong đó có việc áp các loại thuế này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do cơ quan”- ĐB Vẻ nhận xét.
Tuy nhiên, ĐB Vẻ cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc áp dụng thuế, tránh "đá xéo" nhau, đùn đẩy trách nhiệm khi có tranh chấp xảy ra, như chuyện lỗ hổng thuế xăng dầu vừa qua.