Tiếp tay cho các tài phiệt Mỹ trốn thuế, ngân hàng Thụy Sỹ vừa phải chịu án phạt lên đến 5 tỷ đô
08 tháng trước, công ty Rothschild & Co – một cái tên rất ít người biết nhưng lại rất nhiều banker và các tài phiệt đều biết – đã đóng một khoản phạt lên tới 11,5 triệu USD (cho Bộ Tư Pháp Mỹ).
Lý do? Công ty muốn thoát án trong việc giúp đỡ các tài phiệt Mỹ trốn thuế qua các tài khoản không công bố tại các ngân hàng offshore.
Tuy nhiên, khoản tiền phạt 11,5 triệu USD này của Rothschild chỉ là một con số rất nhỏ so với khoản tiền tổng cộng lên tới 5 tỷ đô mà 80 ngân hàng Thuỵ Sỹ vừa phải chịu (do các án phạt từ phía Mỹ).
Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến một điều kỳ lạ đang diễn ra trong ngành ngân hàng của cả Thuỵ Sỹ và của cả thế giới.
Rothschild – một trong những tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới – đang lái dòng tiền mà họ quản lý giúp các nhà giàu thế giới - theo hướng ngược lại, giúp đỡ họ “trú ẩn” tài sản của họ ở chính tại… nước Mỹ, qua một công ty quản lý các tài sản ủy thác ở Reno, Nev (thành phố Reno, bang Nevada).
Tạp chí Bloomberg Businessweek đã lấy hình chụp thành phố Reno và “chế” vui lại từ: Thành phố nhỏ lớn nhất thế giới thành “Hầm trú ẩn thuế thấp” lớn nhất thế giới.
Thực tế không phải tới giờ Rothschild mới có ý tưởng với điều này. Thực tế vào tháng 09 năm ngoái, Andrew Penney – một giám đốc điều hành ở Rothchild – đã trình bày ý tưởng về cách các nhà giàu trên thế giới có thể lách thuế, và thoát khỏi việc phải công bố tài sản của họ với chính quyền đất nước họ đang sinh sống.
Ông đưa ra một ví dụ giả định về việc một nhà đầu tư Hong Kong, tới từ Trung Quốc, lo lắng thông tin về tài sản của mình có thể bị tiết lộ với chính quyền. Giải pháp của Penney là chuyển tài sản của Wang – tên vị doanh nhân - vào một công ty trách nhiệm hữu hạn LLC (Limited Liability Company) thuộc sở hữu của một công ty quản lý các tài sản ủy thác (hay công ty tín thác – trust company) ở Nevada.
Cách làm này sẽ không chỉ giúp vị khách hàng khỏi các dò xét từ chính phủ Trung Quốc mà hơn thế vị khách nọ không phải chịu thuế của chính phủ Mỹ.
Sau nhiều năm “chiến đấu” với các quốc gia khác về việc giúp đỡ các nhà giàu Mỹ “trú ẩn” tài sản và tiền của họ ở nước ngoài, các chuyên gia thuế và những nhà làm luật người Mỹ đang nhận ra rằng chính nước Mỹ đang là “Thuỵ Sỹ Mới” hay “hầm trú ẩn mới” cho các nhà giàu.
Scott Cripps, giám đốc điều hành của một công ty quản lý tài sản uỷ thác (trust company) ở Nevada của Rothschild cũng khẳng định, đây là cách làm mới của giới ngân hàng. Theo Cripps, với những khách hàng người Mỹ, việc tách mình khỏi đám đông đua nhau chuyển tài sản ra nước ngoài (thay vào đó chuyển về Nevada) càng giúp họ “trú ẩn” tốt hơn. Với những vị khách hàng giàu có nước ngoài, “tính bảo mật là vô cùng lớn.”
Sự thay đổi lớn (được đề cập tới ở trên) của ngành ngân hàng thế giới là bởi trong những năm gần đây, các bang như Nevada và South Dakota ở Mỹ đang thực hiện các chương trình với mức thuế thấp, tính bảo mật cao qua các điều luật về quản lý tài sản (khá rộng lượng cho những nhà giàu không muốn công khai tài sản).
Cisa Trust – một công ty có trụ sở ở Geneva, Thuỵ Sỹ - chuyên “chăm sóc” các khách hàng giàu có người Mỹ La Tinh đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Pierre, South Dakota.
Trident Trust – một trong các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản uỷ thác lớn nhất thế giới – cũng vừa mở một công ty tín thác ở Sioux Fall, South Dakota. Chủ tịch của Trident, Alice Rokahr chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước số lượng khách hàng yêu cầu những tài khoản bên ngoài Thuỵ Sỹ."
Nhưng cuối cùng thì đâu mới là điều kiện quyết định, khiến một nguồn tài sản khổng lồ (không muốn được công khai) đang đổ về Mỹ?
Để hiểu về điều này, đầu tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu ngược về năm 2010. Khi đó, Mỹ thông qua Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ - The Foreign Account Tax Compliance Act (hay FATCA).
Cụ thể nội dung điều luật này là Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại các nước (TCTD) phải báo cáo thông tin định kì về các tài khoản của tổ chức/cá nhân Hoa Kỳ tại các TCTD.
Trong trường hợp không thực hiện, các ngân hàng nước ngoài sẽ phải đối mặt với các án phạt (penalty). Giờ có lẽ bạn đã hiểu khoản 5 tỷ đô mà các ngân hàng Thuỵ Sỹ đã trả cho Bộ Tư Pháp Mỹ là bởi vì đâu.
Sau đó, tổ chức quốc tế Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD) (với 34 nước thành viên) cũng đã đưa ra những chuẩn về cung cấp thông tin tài khoản và tài sản của các công dân.
Theo đó, thông tin về tài sản của các cá nhân sẽ được chia sẻ với các quốc gia tham gia thoả thuận này. Hiện nay, có hơn 80 quốc gia và vùng miền lãnh thổ đã tham gia.
Tuy nhiên, lúc này, Mỹ cùng các quốc gia khác như Baharain, Nauru (những quốc gia bạn gần như chẳng bao giờ biết đến) lại không tham gia thoả thuận này. Điều này có nghĩa, Mỹ giờ lại là “hầm trú ẩn” an toàn cho các nhà giàu muốn lách thuế.