Ưu thế của hàng nhãn riêng

06/12/2014 11:05 AM | Thương hiệu

Theo báo cáo vừa được Nielsen công bố, hầu hết người tiêu dùng trong khu vực đã thay đổi quan điểm về hàng nhãn riêng và đây như một giải pháp hữu hiệu đối với các nhãn hiệu có tên tuổi.

Theo báo cáo về hàng nhãn riêng toàn cầu của Nielsen, có đến 84% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng nhận thức của họ về các thương hiệu riêng đã được cải thiện theo thời gian và đây là mức cao nhất trên toàn cầu.

Tỷ lệ này đạt 83% tại Thái Lan (thứ tư cao nhất trên toàn cầu), 77% tại Philippines, 70% tại Malaysia, 66% tại Indonesia và 64% tại Singapore, so với tỷ lệ 71% của người tiêu dùng toàn cầu.

Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy, niềm tin tiêu dùng các nhãn hàng riêng đặc biệt cao ở Philippines, nơi ba phần tư người tiêu dùng (75%) xem các nhãn hàng riêng là một lựa chọn thay thế tốt cho các thương hiệu nổi tiếng (tăng 24 điểm so với năm 2010); 69% cho rằng chất lượng của các sản phẩm nhãn hiệu riêng cũng ngang với các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng (tăng 28 điểm), và hơn phân nửa (54%) tin rằng một vài sản phẩm nhãn hiệu riêng có thể tốt hoặc tốt hơn các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng.

Niềm tin tiêu dùng này cũng khá cao tại Thái lan và Malaysia với hơn 3 trong 5 người tiêu dùng (lần lượt là 65% và 62%) tin rằng các nhãn hiệu riêng là những lựa chọn thay thế tốt cho các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng (tăng tuần tự 22 điểm và 16 điểm).

Hơn phân nửa người Thái Lan và Malaysia (55% và 52%) cho rằng, chất lượng của các sản phẩm hàng nhãn riêng có thể so sánh với các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng (tăng 40 điểm và 29 điểm).

Trong khi đó, 61% người tiêu dùng Thái Lan và Malaysia tin rằng một vài sản phẩm thuộc hàng nhãn riêng là tốt hoặc tốt hơn sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng.

Tuy nhiên, do thị phần của các hàng nhãn riêng trong khu vực vẫn còn thấp nên sự cải thiện niềm tin tiêu dùng đối với các sản phẩm này vẫn chưa tác động đến doanh số của các sản phẩm với nhãn hiệu riêng.

Trong khi 2/3 người mua sắm Singapore (66%) và 28% người mua sắm Thái Lan là những người mua sản phẩm hàng nhãn riêng thường xuyên nhưng các sản phẩm hàng nhãn riêng chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng giá trị mua sắm tại cả 2 thị trường này.

Thị phần tổng thể của hàng nhãn riêng trong khu vực vẫn rất thấp, tỉ lệ này tại Singapore là 6,3% và tại Thái Lan chỉ là 2,9%.

Theo ông Pete Gale, Trưởng Dịch vụ Bán lẻ của Nielsen tại châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ ngày càng tăng của mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại đang nổi lên khắp Đông Nam Á, nhận thức và niềm tin tiêu dùng đối với hàng nhãn riêng đang tăng dần lên.

Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức này vẫn chưa thể mang đến những thay đổi đáng kể trong doanh thu, và thị phần của các nhãn hàng riêng trong khu vực chỉ tăng nhẹ trong thập niên qua khi các hoạt động quảng cáo của thương hiệu nổi tiếng gia tăng.

Khi nói đến giá của sản phẩm hàng nhãn riêng, nhận thức xung quanh vấn đề giá của sản phẩm so với chất lượng không được khả quan trong khu vực Đông Nam Á so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Chỉ 46% người Indonesia tin rằng các sản phẩm hàng nhãn riêng có giá hợp lý, đây là tỷ lệ thấp nhất trong khu vực và thấp thứ sáu trên toàn cầu.

Có 55% người Việt Nam, 57% người Singapore, 58% người Malaysia, 59% người Thái Lan và 66% người Philippines tin các sản phẩm hàng nhãn riêng có giá hợp lý. Niềm tin tiêu dùng đối với sản phẩm hàng nhãn riêng ngày càng tăng cao và người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm hàng nhãn riêng mà họ thích.

Philippines là nước đứng đầu trên toàn cầu, với gần ba phần tư (72%) người tiêu dùng cho biết sẵn sàng trả bằng hoặc cao hơn cho các sản phẩm hàng nhãn riêng mà họ thích, kế tiếp là 69% người Việt Nam (đứng hàng thứ 5 cao nhất trên toàn cầu) và 64% người Thái Lan (cao hàng thứ 9 toàn cầu).

Ông Gale cho biết: "Trong khi đa số người mua sắm Đông Nam Á cảm thấy các sản phẩm bán lẻ hàng nhãn riêng có giá tốt, một số sản phẩm có thể bắt kịp để so sánh với các sản phẩm hàng nhãn riêng tại các thị trường phát triển lâu hơn như Anh, Mỹ và Úc.

Nhưng thú vị hơn nữa là tỷ lệ người tiêu dùng lên danh mục các sản phẩm hàng nhãn riêng mà họ thích và sẽ mua thêm lần sau (ngay cả khi giá của nó đắt hơn giá của các sản phẩm thương hiệu) đang ngày càng tăng lên.

Điều này tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ điều chỉnh hàng nhãn riêng để phục vụ cho thị hiếu địa phương nhằm tăng thêm số người dùng thử và xây dựng lòng trung thành theo thời gian".

>> Procter & Gamble cắt giảm cả trăm nhãn hàng

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM