Sushi cá hồi - phát minh vĩ đại nhất của người ... Na Uy?

25/09/2015 11:17 AM | Marketing

Dù là một trong những loại sushi phổ biến nhất thế giới, nhưng sushi cá hồi mới chỉ xuất hiện trong khoảng 30 năm trở lại đây. Trước đó, người Nhật cực ghét ăn cá hồi sống và món sushi cá hồi chỉ ra đời nhờ vào nỗ lực của người ... Na Uy.

40 năm trước, Nhật Bản không nhập khẩu bất kỳ một loại cá nào và họ không hề dùng cá hồi cho món sushi. Trung bình hàng năm, Nhật Bản cung tiêu thụ khoảng 60kg hải sản/người, cao gấp 4 lần trung bình thế giới. Dù tiêu thụ nhiều, quốc gia này vẫn xuất khẩu khá nhiều cá ra thế giới, với sản lượng khoảng 7 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, tới những năm 1990, bối cảnh đã thay đổi rất nhanh. Nhật Bản chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu trong nước và cần thêm những nhà cung cấp để đáp ứng nhu cầu trong nước. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng của các DN thủy sản Nhật Bản.

Hai lý do quan trọng nhất đó là đánh bắt quá mức và những thay đổi của vùng biển khiến công việc đánh bắt không thuận lợi.

Năm 1974, người Na Uy bắt đầu để ý đến Nhật Bản. Họ nhận ra Nhật Bản đúng là một thị trường tuyệt vời cho hải sản đánh bắt của Na Uy. Thor Listau, thành viên của Hiệp hội Thủy sản Na Uy, đã đề xuất ra ý tưởng sẽ bán cá của Na Uy cho người Nhật. Dự án mang tên Project Japan.

Tới năm 1985, Listau quay trở lại Nhật Bản với nhiệm vụ quảng bá các loại thủy sản của Na Uy cho người Nhật. Mục tiêu của họ là làm sao tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên gấp đôi về sản lượng lẫn giá thành. Thời điểm đó, Na Uy đã xuất khẩu khỏang 500 triệu Krone (đơn vị tiền của Na Uy) hải sản sang Nhật Bản, tương đương với 1% tổng lượng nhập khẩu của Nhật và 7% lượng xuất khẩu hải sản của Na Uy. Tới năm 1991, con số này đã tăng lên là 1,8 tỉ Krone.

Project Japan đã cho người Na Uy thấy cánh cửa mở toang của thị trường Nhật Bản. Không chỉ vậy, nó còn làm thay đổi sâu sắc tới thói quen ăn uống của người Nhật Bản. Trước đó, người Nhật không hề thích ăn cá hồi sống. Sushi và sashimi thường được làm với cá ngừ và cá tráp biển. Người Nhật cho rằng cá hồi ăn sống rất nguy hiểm vì nó có thể chứa sán, lãi và thịt của nó cũng quá nạc để làm sushi. Thêm vào đó, các nhà cung cấp cá ngừ trong nước là đối tượng được Chính phủ Nhật Bản bảo hộ.

"Tất cả người Nhật đều nói chúng tôi không ăn cá hồi sống. Phải mất 15 năm để người tiêu dùng Nhật Bản thay đổi thói quen ăn uống của mình", Olsen, người chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường cho Project Japan giai đoạn 1986 - 1991 cho biết.

Phát minh vĩ đại nhất của người Na Uy?

Arne Hjeltnes, giám đốc công ty quảng cáo Creuna tại Oslo cho rằng, việc thuyết phục được người Nhật Bản dùng cá hồi cho sushi là một trong những thương vụ xuất khẩu thành công nhất trong 2 thập kỷ qua của quốc gia này. Thậm chí, sushi cá hồi có thể coi là phát minh tuyệt vời hơn cả món phô mai Na Uy.

"Mục tiêu của dự án đó là đưa sushi cá hồi tới những nhà hàng và khách sạn cao cấp nhất. Đại sứ Na Uy có nhiệm vụ phải phục vụ món ăn này cho bất cứ vị khách nào của ông".

Kết quả, xuất khẩu của Na Uy vào Nhật Bản tăng trưởng 250% trong giai đoạn 1980 - 1994. Lượng tiêu thụ cá hồi của Na Uy ở Nhật Bản, từ gần như không có gì trong năm 1980 - chỉ 2 tấn, đạt 28.000 tấn trong năm 1995. 5 - 6.000 tấn được tiêu thụ qua các món sống như sushi, sasimi.

Với việc dân số người Nhật tăng nhanh trong giai đoạn đấy (từ 93 triệu lên 122 triệu người trong vòng 35 năm: 1960 - 1995), nhu cầu tiêu thụ hải sản cũng tăng gấp đôi, từ 5 triệu lên 9 triệu tấn/năm. Trong khi đó, ngành công nghiệp đánh bắt của Nhật Bản lại sụt giảm và giá hải sản leo thang.

Yếu tố này giúp dự án của người Na Uy thành công lớn. Họ vừa bán được nhiều cá hồi, vừa bán được với giá cao. Ngày nay, khi sushi và sashimi cá hồi trở nên phổ biến, nhu cầu cá hồi Na Uy không chỉ ở riêng Nhật Bản. Thậm chí, Trung Quốc đã có lúc vượt qua cả Nhật Bản về lượng nhập khẩu cá hồi Na Uy. 80 - 90% lượng cá hồi nhập về là để làm món sống, như sushi hay sashimi.

Nhưng người Nhật cũng vui không kém gì Na Uy. Khi món sushi cá hồi được chấp nhận tại Nhật Bản, món này cũng xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore, biến sushi cá hồi thành một trong những loại sushi phổ biến nhất thế giới. Sự kết hợp giữa Nhật Bản - Na Uy và kết quả là món sushi cá hồi đã mang lại thành công lớn cho cả hai quốc gia.

Hoài An

Cùng chuyên mục
XEM