4 bê bối khó "gột rửa" của các thương hiệu nổi tiếng
Những bê bối liên quan đến phát ngôn, sản phẩm lỗi... khiến thương hiệu đối mặt với khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng tới doanh số kinh doanh.
1. Abercrombie & Fitch khốn đốn vì phát ngôn của CEO
Những lời phát biểu của CEO Mike Jeffries trước câu hỏi: "Tại sao thương hiệu không cung cấp kích thước XL, XXL cho phụ nữ" đã khiến thương hiệu Abercrombie & Fitch đối mặt với khủng hoảng truyền thông.
Cụ thể, ông Mike Jeffries nói rằng không muốn nhìn thấy người béo (cách gọi của người đàn ông này với người mặc size XL, XXL) mua sắm tại cửa hàng. "Tôi chỉ muốn bán cho những người có phong cách và ưa nhìn".
Lời phát ngôn này đã được lan truyền một cách nhanh chóng và nhận được những phản ứng dữ dội từ tín đồ thời trang. Kết quả, Jefferies phải lên tiếng xin lỗi về những định kiến dành cho khách hàng có ngoại hình quá khổ.
2. Nike đối mặt với cáo buộc bóc lột công nhân
Nike và một số nhãn hiệu khác thuộc sở hữu của thương hiệu này từng bị chỉ trích và cáo buộc về việc bóc lột công sức công nhân để sản xuất quần áo, giày dép, phụ kiện được bán với giá không hề thấp. Trong cáo buộc có nội dung, các công nhân phải làm việc trong một xưởng thiếu thốn điều kiện, không khí luôn oi bức. Nhiều công nhân bị bóc lột sức lao động thậm chí còn có trẻ chưa vị thành niên và phụ nữ.
Hồi năm 2011, công nhân tại Indonesia làm trong các phân xưởng của thương hiệu này đã lên tiếng nói về những việc các quản đốc của hãng này ném giày vào họ, tát tai họ, gọi họ là chó và heo.
"Họ ném giày và các thứ khác vào chúng tôi. Họ càm ràm và trút giận lên chúng tôi mỗi khi bực bội. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa”, một nữ công nhân làm ở bộ phận thêu bức xúc nói.
Đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu thể thao nổi tiếng đối mặt với bê bối này, khoảng hơn chục năm trước, nhãn hiệu cũng bị chỉ trích dữ dội vì sử dụng lao động trẻ em và trả tiền lương rẻ mạt cho công nhân, trong khi những đôi giày của họ có giá trung bình từ vài chục đến hàng trăm USD/đôi. Thậm chí, hãng này còn không tiếc tiền trả công "béo bở" cho các ngôi sao thể thao ký hợp đồng đại diện.
Các công nhân làm cho thương hiệu này đã từng đình công vì bất mãn với mức lương bèo bọt
3. Lululemon và chiếc quần mỏng tai tiếng
Thương hiệu Lululemon nổi tiếng với dòng quần tập yoga chất lượng tốt, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên trong năm 2013, nhãn hàng này đã đối mặt với vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử kinh doanh với chính sản phẩm từng khiến họ "nở mày nở mặt".
Do khâu kiểm soát chất lượng chưa tốt, Lululemon đã tung ra thị trường những chiếc quần tập siêu mỏng, thậm chí có thể nhìn xuyên thấu. Với nhiều động tác yoga, đáy quần lộ rõ sự "trong suốt" vì chất liệu siêu nhẹ, mỏng. Sau đó, Lululemon đã phải thu hồi khẩn cấp các loại quần tập có tên "Luon" từ các cửa hàng trên toàn thế giới.
Sau sự cố này và gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính.
Thương hiệu Lululemon thu hồi quần vì quá mỏng
Sự cố kinh doanh này khiến thương hiệu tổn thất không nhỏ
4. Quần áo H&M dính cáo buộc chứa hóa chất gây hại
Theo Cảnh báo Công nghiệp Hóa chất Quốc gia và Đề án Đánh giá (NICNAS) của Cục Y tế Úc, sức khỏe con người bị ảnh hưởng rất lớn bởi hóa chất Formaldehyde có từ các sản phẩm như chăn và quần áo dệt may.
Tổ chức Hòa bình Xanh cũng đã thử nghiệm trên một số mẫu quần áo của các thương hiệu thời trang, trong đó có H&M và đã tìm ra sự tồn tại của loại hóa chất độc hại nonylphenol ethoxylates.
Đại diện của tổ chức này cho biết, nonylphenol ethoxylates thường được dung làm chất tẩy trong sản xuất công nghiệp, khi phân hủy sẽ thành chất NP (nonylphenol) có thể tích tụ lại trong cơ thể ảnh hưởng đến hệ thống sinh dục và tăng trưởng, gây rối loạn khả năng sinh sản.
Được biết, đầu năm 2014, phòng Kiểm dịch Trung Quốc đã thu được 12.305 trường hợp quần áo nhập khẩu không đạt chuẩn, trong đó có tới 396 lô hàng mang nhãn hiệu bình dân khá nổi tiếng.
Một thành viên của tổ chức Hòa bình Xanh hóa trang thành các công nhân để phản đối việc quần áo có hóa chất độc hại