Vụ bê bối FIFA ảnh hưởng đến kinh tế thế giới như thế nào?

07/06/2015 08:49 AM |

Vụ bê bối trong Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) không chỉ thu hút sự chú ý của những người yêu bóng đá, mà còn khiến giới đầu tư toàn cầu phải theo dõi sát sao.

Vụ bê bối tham nhũng đã trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 111 năm của FIFA. Sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ và cảnh sát Thụy Sĩ nhập cuộc điều tra, công chúng đã biết thêm nhiều bê bối của FIFA, vốn từ lâu đã được che đậy rất kỹ càng. Ngoài ra, một loạt các ngân hàng đang phải đối mặt với những cáo buộc liên quan đến khoản tiền hối lộ 150 triệu USD được FIFA giao dịch qua hệ thống của các ngân hàng này.

Đứng đầu danh sách nghi vấn là những cái tên nổi tiếng như HSBC, Citigroup, JPMorgan Chase. Trong suốt 1 thập kỷ qua, hàng chục triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức FIFA, được cho là đã được một tập đoàn tiếp thị thể thao chuyển qua các ngân hàng này tại Mỹ.

Theo đó, các ngân hàng này có nghĩa vụ khai báo các giao dịch đáng ngờ nói trên cho cơ quan chức năng Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, đã không nhận được bất kỳ khai báo nào từ những ngân hàng này. Hiện, Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra về sự việc này.

Những cáo buộc liên quan đến tham nhũng tại FIFA không phải câu chuyện mới khi mỗi năm, tổ chức này kiếm về hàng tỷ USD nhờ các hợp đồng tài trợ, bản quyền phát sóng các giải đấu.

Trang tin CNN đã có những thống kê đáng ngạc nhiên về những cơ hội kinh doanh bên trong tổ chức này. Dù chỉ diễn ra 4 năm một lần, nhưng World Cup hiện là sự kiện thể thao, được mong chờ nhất hành tinh. Chỉ tính riêng năm ngoái, doanh thu từ bán vé đã mang về cho FIFA tới 527 triệu USD. Thêm vào đó, việc phân phối bản quyền phát sóng các trận đấu cùng với quảng cáo tiếp tục mang về cho tổ chức này thêm gần 4 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ năm 2011-2014, 6 nhà tài trợ lớn là Adidas, Coca-Cola, Hyundai, Emirates, Sony và Visa đã chi cho FIFA gần 1,6 tỷ USD. Ngược lại, ước tính giá trị của các thương hiệu có liên kết và tài trợ cho FIFA cũng đã vượt quá 100 tỷ USD. Toàn bộ số tiền từ quảng bá thương hiệu, cũng như hình ảnh của những nhà tài trợ mang tầm cỡ quốc tế này có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ bê bối.

Không chỉ có những công ty tiếp thị thể thao hay các ngân hàng nổi tiếng có dính líu tới bê bối tham nhũng của FIFA. Ngoài ra, FBI đã quyết định mở rộng điều tra tìm ra nguyên nhân giúp Nga và Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Bởi trước đó, nhiều thông tin cho rằng, hai quốc gia này có hành vi hối lộ quan chức FIFA.

Đã có rất nhiều nghi hoặc và tranh cãi diễn ra khi Qatar giành được quyền đăng cai. Bởi khí hậu Qatar mùa Hè rất nóng, có thể lên tới 40 độ C nên World Cup không thể diễn ra và dự kiến, World Cup 2022 sẽ được chuyển sang thi đấu vào mùa Đông. Đây là điều chưa từng xảy ra và có thể sẽ làm đảo lộn hoàn toàn lịch thi đấu các giải bóng đã tại châu Âu.

Đáng lo ngại hơn, nếu những ý kiến chỉ trích là chính xác thì quyền đăng cai World Cup sẽ thuộc về một quốc gia khác. Lúc đó, đất nước Trung Đông này sẽ phải hứng chịu tổn thất kinh tế rất lớn vì đã đầu tư nguồn vốn lên tới 200 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với các kỳ World Cup trước, để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng này.

Cùng chuyên mục
XEM