Thông tư 20 hết "đát": Nhà nhập khẩu chính hãng lo sốt vó, người tiêu dùng vui mừng chờ ô tô giá rẻ

05/07/2016 09:10 AM | Kinh tế vĩ mô

Từ 1/7/2016, Thông tư 20 của Bộ Công Thương chính thức hết hiệu lực. Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu vui mừng vì thị trường xe hơi được hồi sinh, đa dạng sản phẩm, người tiêu dùng kỳ vọng mua xe với giá cả hợp lý thì lo sốt vó là tâm trạng của các nhà nhập khẩu chính hãng.

Ngày 12/5/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Trong đó, yêu cầu các nhà nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ GTVT cấp.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2016, Thông tư 20 chính thức hết hiệu lực. Điều này dang dấy lên nhiều luồng tranh cãi trong cộng đồng kinh doanh và mua bán xe.

Doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng lo sốt vó

Đó là tâm trạng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu chính hãng.

Mới đây, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ Công Thương, Tài chính và Tư pháp đề nghị không nên bãi bỏ Thông tư 20.

Theo khối doanh nghiệp này, trong 5 năm qua, Thông tư 20 đã góp phần đảm bảo được nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến mặt hàng và thị trường ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, bao gồm: Chế độ bảo hành, bảo dưỡng chính hãng; linh kiện, phụ tùng chính hãng; liên tục tiếp thu và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hoạt động triệu hồi sản phẩm trong trường hợp xe có lỗi do nhà sản xuất...

Khi các yêu cầu của Thông tư 20 hết hiệu lực sẽ xuất hiện rất nhiều nhà nhập khẩu không chính hãng thường hoạt động trốn thuế bằng việc khai giá mua/bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 được ban hành.

Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của Chính phủ.

Đây cũng là nỗi lo ngại của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) khi hội này cho rằng: “Khi Thông tư 20 hết hiệu lực và không được thay thế, chúng tôi lo ngại về việc ai sẽ đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nếu những nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ dừng hoạt động sau đó vì những lý do nào đó”.

Thậm chí, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng còn kiến nghị nâng văn bản này lên thành Nghị định do Chính phủ ban hành. Mục tiêu nhằm đảm bảo cho một thị trường ôtô minh bạch mà ở đó, các doanh nghiệp được kinh doanh một cách công bằng và đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo.

Người tiêu dùng mừng vì sắp được mua ô tô giá rẻ?

Trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam lo ngại việc Thông tư 20 hết "đát" sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng xe thì ngược lại, người tiêu dùng vui mừng vì có thể tiếp cận được với những mẫu xe có giá hấp dẫn hơn hiện tại, chủ yếu đến từ các đơn vị nhập khẩu tư nhân không chính hãng. Thậm chí, xe phân phối chính hãng cũng có thể được giảm giá.

Thực tế, xe nhập không chính hãng luôn có giá bán tốt hơn xe chính hãng cùng cấu hình. Bên cạnh đó, người hưởng trọn niềm vui còn phải kể đến các nhà nhập khẩu không chính hãng.

Anh Hoàng Văn Trí, Chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở Hà Nội cho hay, năm 2011, đang làm ăn phát triển hưng thịnh nhất thì Thông tư 20 ra đời đã gây khó khăn cho nhiều DN trong đó có DN của anh.

Đã có nhiều doanh nghiệp chết "bất đắc kỳ tử", số còn lại sống sót nhờ cách nhập xe đã qua sử dụng, nhập qua hình thức phi mậu dịch khác làm méo mó thị trường xe hơi. Trong khi đó, việc xin các hãng mở đại lý thứ hai ở Việt Nam cực kỳ khó khăn.

"Bộ Công Thương không nên kéo dài thêm Thông tư 20, để cho chúng tôi có cơ hội làm ăn. Đã là xe chính hãng thì xe nào cũng như nhau, tại sao lại phải phân biệt đối xử xe mua ở hãng và xe mua bên ngoài như vậy", anh Trí nói.

Trước khi Thông tư 20 được ban hành, cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhưng đến nay, chỉ còn tồn tại khoảng 20 doanh nghiệp.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề xuất gỡ bỏ Thông tư 20 vì thông tư này trái luật, làm “méo mó” môi trường cạnh tranh, độc quyền, khiến giá bán xe cao.

Quy định về giấy ủy quyền nhập khẩu tạo ra ưu thế cho một số thương nhân sở hữu, không mang lại lợi ích từ góc độ quản lý nhưng lại gây khó khăn cho việc nhập khẩu.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM