Trung Quốc sẽ tạo ra nền kinh tế tiêu dùng trị giá 67 nghìn tỷ USD như thế nào?
Khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chuyển đổi nền kinh tế bằng việc khuyến khích tiêu dùng, thị trường này có khả năng đạt 67 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới theo nghiên cứu của The Demand Institute.
Gần như ai cũng từng nghe thấy cụm từ “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc).
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc xuất khẩu những mặt hàng giá rẻ đến rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới ngay cả khi sức tiêu dùng nội địa giảm sút. Tuy nhiên, đây là thời điểm sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trở lại.
Cụ thể, nếu chính phủ thực hiện lời hứa chuyển đổi nền kinh tế bằng việc khuyến khích tiêu dùng, thị trường này có khả năng đạt 67 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới theo nghiên cứu của The Demand Institute.
Bản thân thế giới cũng đang rất thích thú và quan tâm tới người tiêu dùng Trung Quốc. Nữ ca sỹ nổi tiếng Taylor Swift mới hợp tác cùng JD.com - công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 tại quốc gia này để bán những mẫu thời trang mới được thiết kế đặc biệt dành cho người Trung Quốc. Tại rạp chiếu phim, doanh số bán vé đang tăng, với doanh thu nửa đầu năm 2015 đạt mức 20 tỷ yuan (tương đương 3,2 tỷ USD) so với mức 4 tỷ yuan trong năm 2008.
Nhiều dữ liệu kinh tế cũng cho thấy quá trình dịch chuyển đang diễn ra dù ở mức độ chậm. Tiêu dùng tại Trung Quốc hiện đóng góp 60% vào tốc độ phát triển GDP trong nửa đầu năm 2015 ngay cả khi kinh tế nước này đang đạt tốc độ phát triển chậm chạp nhất trong vòng 25 năm.
Một phần nguyên nhân khiến sự gia tăng chi tiêu bị giảm là bởi chính phủ muốn thúc đẩy chuyển đổi những khoản nợ trong đầu tư sang tiêu dùng. Tuy nhiên, việc này sẽ không xảy ra chỉ sau 1 đêm: Thị phần tiêu dùng trong nền kinh tế đã bị giảm 28% trong năm 2011 từ mức 76% trong năm 1952 theo dữ liệu của Demand Institute.
“Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm thị phần tiêu dùng trong GDP đang chậm lại nhưng chắc chắn tình thế chưa bị đảo ngược hoàn toàn”, tác giả của báo cáo là Louise Keely và Brian Anderson nói.
Trong quá trình phân tích, Demand Institute đưa ra 2 kịch bản, tất cả đều dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại từ 7% xuống 4% cho đến năm 2019 và sau đó duy trì trạng thái như vậy cho tới năm 2025.
Trong kịch bản đầu tiên mà các chuyên gia cho rằng có khả năng xảy ra cao nhất, thị phần tiêu dùng trong GDP sẽ vẫn không đổi khoảng 28% giữa năm 2015 - 2025 với tổng chi tiêu đạt 330 nghìn tỷ yuan (tương đương 53 nghìn tỷ USD).
Trong trường hợp thứ 2, tiêu dùng chiếm 46% tổng sản lượng đầu ra đến năm 2025, tức là chi tiêu hàng năm tăng 126%, mức tiêu dùng sẽ tăng lên 420 nghìn tỷ yuan (tương đương 67 nghìn tỷ USD).
Các phân tích được dựa trên sự phát triển của 167 quốc gia từ khoảng giữa năm 1950 - 2011. Đa phần xu hướng tiêu dùng tại các quốc gia có nền tảng cơ bản tương tự như Trung Quốc vẫn đi ngang so với GDP trong một khoảng thời gian.
Thậm chí, ngay cả khi sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu khởi sắc thì nó cũng sẽ bắt đầu từ một nền tảng cơ sở thấp. Sử dụng dữ liệu so sánh mới nhất từ năm 2011 có thể thấy, lượng tiêu dùng tại Trung Quốc chiếm 28% GDP thực. Trong khi đó, con số tương tự tại Mỹ là 76% , 67% tại Brazil, 60% tại Nhật Bản, 59% tại Đức và 52% tại Ấn Độ.