Khủng hoảng hôn nhân trầm trọng ở Trung Quốc và Ấn Độ

24/07/2015 08:27 AM |

Ấn Độ và Trung Quốc là quê hương của 1/3 dân số thế giới. Tuy nhiên, hai quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hôn nhân sẽ kéo dài nhiều thế hệ.

Nội dung nổi bật:

- Trung Quốc và Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng hôn nhân khi chênh lệch giới tính giữa nam và nữ quá lớn.

- Nguyên nhân của tình trạng này là việc chuộng con trai dẫn đến phá thai nữ và tỷ lệ sinh giảm. Quá nhiều đàn ông độc thân thường đi kèm tỷ lệ tội phạm và bạo lực cao, kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng.


Ấn Độ và Trung Quốc là quê hương của 1/3 dân số thế giới. Tuy nhiên, hai quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hôn nhân sẽ kéo dài nhiều thế hệ.

Chỉ 5 năm trước, cách thức kết hôn tại hai quốc gia này vẫn diễn ra bình thường. Nhưng hiện nay, các điều luật đã tồn tại 500 năm của Ấn Độ đang được sửa đổi để cho phép đàn ông cưới vợ không cùng địa vị, khác làng và khác nước. Trong khi đó, Trung Quốc có tới 50 triệu đàn ông không lập gia đình. Vậy điều gì đã dẫn đến tình trạng sụt giảm hôn nhân này?

Lý do đầu tiên là việc thiếu “hụt” hàng triệu phụ nữ. Người dân các nước này vốn chuộng sinh con trai. Nhiều năm trước, nhờ sự phát triển của công nghệ siêu âm thai mà bố mẹ có thể biết trước giới tính của con cái. Do đó, các cặp vợ chồng Trung Quốc, rồi đến Ấn Độ, bắt đầu phá thai nữ và chỉ giữ lại thai nam. Đỉnh điểm, một vài nơi ở châu Á có tỷ lệ giới tính khi sinh là hơn 120 bé nam trên 100 bé gái.

Những em bé được sinh ra trong giai đoạn đó giờ đã đến tuổi kết hôn. Tuy nhiên, vì lý do trên mà số lượng nam giới vượt xa nữ giới. Nếu Trung Quốc giữ tỷ lệ giới tính khi sinh bình thường thì số phụ nữ tính đến năm 2010 phải là 720 triệu. Trên thực tế, con số này chỉ là 655 triệu so với 705 triệu đàn ông, dẫn đến tình trạng thừa 50 triệu “ông chồng”.

Tỷ lệ sinh càng làm vấn đề mất cân bằng giới tính thêm trầm trọng. Khi tỷ lệ sinh của một quốc gia giảm, chẳng hạn như Ấn Độ, số lượng người trẻ có xu hướng ít hơn người già. Đàn ông thường lớn tuổi hơn vợ, nghĩa là tương lai sẽ có ít cô dâu hơn chú rể vì cô dâu được sinh ra ở thế hệ sau, khi tỷ lệ sinh giảm.

Điều này sẽ dẫn đến hiệu ứng xếp hàng. Người nào chưa tìm được vợ ngay thì tiếp tục tìm kiếm và cạnh tranh với những chàng trai trẻ hơn. Kết quả là số đàn ông độc thân ngày càng nhiều lên, xếp thành hàng dài. Đến năm 2060, tỷ lệ nam/nữ muốn kết hôn ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể lên tới 160 : 100.

Đây là vấn đề nghiêm trọng ở những quốc gia mà hôn nhân luôn cần thiết để một người trở thành thành viên trọn vẹn của xã hội. Hậu quả có thể rất khủng khiếp. Hầu như ở tất cả những nơi có số lượng đàn ông độc thân lớn thì kèm theo tỷ lệ tội phạm và bạo lực cũng cao. Không ai biết được chính xác những quốc gia này sẽ ra sao trong tương lai.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM