Tín dụng cho nông nghiệp: Nếu tiền đi không trở lại?

29/06/2015 07:30 AM |

Đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi đúng, nhưng liệu có cần sự vào cuộc ồ ạt như hiện nay của các ngân hàng không? Trước “mốt” tam nông, các ngân hàng đã có thời chạy theo chứng khoán, bất động sản để rồi ôm một đống nợ xấu đến giờ xử lý vẫn chưa xong.

Nội dung nổi bật:

- Với nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam thì việc coi trọng tam nông là tất yếu, nhưng nếu không may có “thiên địch” thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Có tới 70% dân số đang sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng tỷ trọng nông nghiệp của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 17% GDP. Đất canh tác nông nghiệp chiếm đến 80% diện tích tài nguyên đất, nhưng sản phẩm làm ra vẫn ca mãi bài: được mùa, mất giá.

- Đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi đúng, nhưng liệu có cần sự vào cuộc ồ ạt như hiện nay của các ngân hàng không? Trước “mốt” tam nông, các ngân hàng đã có thời chạy theo chứng khoán, bất động sản để rồi ôm một đống nợ xấu đến giờ xử lý vẫn chưa xong.


Đầu tư cho tam nông đang trở thành trào lưu của các ngân hàng trong ba năm gần đây. Thời trang cần có tính ứng dụng cao mới phát triển được. Bỏ vốn đầu tư phải hiệu quả nếu không ngân hàng sẽ tiền mất, tật mang.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) không phải chuyện mới. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2015, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 58,87% so với cuối năm 2011. Với nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam thì việc coi trọng tam nông là tất yếu, nhưng nếu không may có “thiên địch” thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Vốn cho tam nông: Đâu có thiếu

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2004-2013, tổng vốn đầu tư của nhà nước cho khu vực tam nông đạt khoảng hơn 718.000 tỷ đồng, bằng 48,5% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước. Về vốn tín dụng, ngoài Agribank – ngân hàng của nhà nông – thì bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng dành nguồn vốn nhất định đầu tư cho tam nông. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ – CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Và một trong những chỉ đạo đáng chú ý nhất của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình ngay khi nhậm chức hồi năm 2011 là yêu cầu các tổ chức tín dụng phải dành ít nhất 20% tổng dư nợ tín dụng cho tam nông. Và đây cũng là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi. Như vậy là chính sách có, vốn đầu tư cũng không ít. Vậy chúng ta thu được gì?

Có tới 70% dân số đang sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng tỷ trọng nông nghiệp của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 17% GDP. Đất canh tác nông nghiệp chiếm đến 80% diện tích tài nguyên đất, nhưng sản phẩm làm ra vẫn ca mãi bài: được mùa, mất giá.

Việt Nam có những nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới như: tiêu, điều, gạo, cà phê, chè… nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản chỉ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thu nhập bình quân của nông dân hiện 20 triệu đồng/người/năm (trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện khoảng 2.000 USD/người/năm)…

Đó là những con số thống kê được trích từ một nghiên cứu mới được công bố của một ngân hàng thương mại lớn. Ngân hàng này cũng như nhiều ngân hàng khác đã và đang tiếp tục đẩy vốn vào tam nông như một mốt thời thượng, dù không mới! Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng, để tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho tam nông thì cần xã hội hóa Quỹ Khuyến khích đổi mới nông nghiệp.

“BIDV mong muốn đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bước đầu, BIDV sẽ tham gia đóng góp 100 tỷ đồng cho quỹ này”, ông Bắc Hà tuyên bố.

Trồng cây mắc-ca, nuôi con bò sữa!

Trồng cây gì, nuôi con gì? Câu hỏi “kinh điển” bao nhiêu năm nay của người nông dân và cả giới làm chính sách có vẻ như đã được ngân hàng trả lời: Trồng cây mắc-ca, nuôi con bò sữa! Không chỉ tuyên bố trở thành ngân hàng gần gũi với nhà nông, năm 2014, LienVietPostbank còn đưa ra đề án thay đổi giống cây trồng – phát triển cây mắc-ca tại địa bàn Tây Nguyên, với số vốn dự kiến là 10.000 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2015, trong khi vẫn còn rất nhiều tranh luận trái chiều của các nhà khoa học về tương lai của cây mắc-ca thì ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank vẫn tự tin: “Hai mươi ngàn tỷ đồng vào mắc-ca, tôi thấy đây là con số quá nhỏ!”

Hôm 3/6 vừa rồi, LienVietPostBank và MobiFone đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Điểm đáng chú ý trong thỏa thuận này là hai bên thống nhất cùng phát hành SIM Macca nhằm tuyên truyền sâu rộng các thông tin về phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam! Nhanh thì 3 năm nữa mắc-ca mới đồng loạt ra quả sẽ tạo thành thị trường phân phối và tiêu thụ sôi động.

Lý thuyết thì là thế. Nhưng mắc-ca liệu có trở thành cây tỷ đô không để LienVietPostbank thu về trái ngọt sau khi đầu tư cả núi tiền và công sức vào loại cây này? Nếu thực tế không diễn ra như… đề án thì LienVietPost Bank sẽ ra sao? Người nông dân sẽ ra sao?

Với bò sữa, phải nói TH true Milk có chiến lược marketing rất hiệu quả khi trình làng tháng 12/2010, nhưng giờ rất khó để xác định giữa sữa và ngân hàng đâu là “con cưng” của bà Thái Hương – Tổng giám đốc Bac A Bank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH. Chưa kể nhãn hàng rau sạch FVF của TH đã ra đời, nhưng chưa có tiếng tăm gì so với “anh ngân hàng, chị bò sữa”. Xin không bàn về tương lai của TH true Milk hay ngành sữa Việt Nam. Nhưng có một thực tế là tại nhiều nước, sữa còn rẻ hơn nước tinh khiết đóng chai!

Đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi đúng, nhưng liệu có cần sự vào cuộc ồ ạt như hiện nay của các ngân hàng không?

Thực tế cho thấy, nếu chỉ có ngành ngân hàng “đổ vốn” cho nông nghiệp thì chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề được mùa, mất giá của nông sản. Tại sao Agribank được thành lập từ năm 1988, đến giờ vẫn chỉ là ngân hàng lớn (đông nhân viên, nhiều chi nhánh nhất trong toàn hệ thống) chứ không phải là ngân hàng mạnh?

Và Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) – một ngân hàng tại vựa lúa của cả nước đã phải sáp nhập vào BIDV. Liệu đây có phải là một trong những lý do khiến BIDV trình Chính phủ Đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất với tổng vốn triển khai khoảng 284 triệu USD?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2015, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 58,87% so với cuối năm 2011. Các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai rất nhiều chương trình tín dụng cho nông nghiệp. Nào thì chương trình cánh đồng mẫu lớn; cho vay thu mua lúa gạo; cho vay theo chuỗi liên kết; nào thì cho vay phát triển thủy hải sản, đánh bắt xa bờ… Chương trình nào cũng có nhiều vướng mắc, cũng phải sửa đổi, bổ sung các quy định. Thậm chí có chương trình không được nhắc đến nữa vì không phù hợp với thực tế, như cho vay mua máy, thiết bị nông nghiệp.

Đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi đúng, nhưng liệu có cần sự vào cuộc ồ ạt như hiện nay của các ngân hàng không? Trước “mốt” tam nông, các ngân hàng đã có thời chạy theo chứng khoán, bất động sản để rồi ôm một đống nợ xấu đến giờ xử lý vẫn chưa xong. Mặt khác, trước đây chỉ có một mình Agribank khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ cho nông dân vì lý do thiên tai, dịch bệnh thì còn có thể chấp nhận được. Giờ, nếu không may có “thiên địch”, tiền đi không trở lại, cả hệ thống ngân hàng phải khoanh nợ, giãn nợ… thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo Thái Thanh

Cùng chuyên mục
XEM