Làm gì để Việt Nam có sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như bò Kobe?

10/06/2015 11:01 AM |

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2015 của cả nước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tình trạng khó khăn này đã được các chuyên gia nông nghiệp và Bộ trưởng kế hoạch đầu tư dự báo từ trước.

Khi Việt Nam gia nhập vào các thị trường lớn thì cũng mở ra cơ hội nhưng cũng gặp không ít sức ép khi mà các quốc gia trên thế giới đều có khả năng sản xuất những mặt hàng mà chúng ta đang coi như là chủ lực trong xuất khẩu như gạo, café, điều, tiêu, cao su, cá basa..v.v.

Chính vì thế, cần phải tìm ra một hướng đi mới, đặc biệt hơn để phát triển nền nông nghiệp. Bài viết này gợi ý một hướng đi đó là phát triển nông nghiệp xuất khẩu theo hướng cây, con và quy trình sản xuất đặc hữu.

Theo lý thuyết thương mai quốc tế và thực tiễn thương mại toàn cầu thì khi một quốc gia sở hữu riêng có một loại sản phẩm nào đó mà các quốc gia khác không thể có hoặc có lợi thế kèm hơn hẳn thì quốc gia sở hữu sản phẩm sẽ có lợi thế tuyệt đối trong cạnh tranh. Hay nói cách khác, quốc gia này đang độc quyền riêng một loại sản phẩm.

Những loại thực vật, động vật đặc hữu tức là chúng chỉ sống và tồn tại ở riêng một khu vực địa lý, trong một không gian với điều kiện về đất, nước, khí hậu riêng có của vùng. Nếu những loài động vật, thực vật này có giá trị về kinh tế cao thì đương nhiên nó sẽ trở thành một sản phẩm rất có giá trị và vượt ra các khuôn khổ cạnh tranh về giá và sản lượng thông thường.

Bên cạnh đó, có một cách thức khác để biến những loài động vật, thực vật thông thường và phổ biến trên thế giới trở thành đặc biệt bằng cách đưa vào áp dụng một quy trình sản xuất nuôi trồng, chế biến đặc biệt nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội hơn hẳn và đương nhiên sẽ có giá trị kinh tế cao.

Thịt bò là một ví dụ cụ thể. Bò có thể được nuôi ở khắp nơi trên thế giới nhưng người Nhật đã sáng tạo và quảng bá tốt một quy trình sản xuất thịt bò Kobe đặc biệt khiến cho chúng trở thành những món ăn được săn lùng trên khắp thế giới. Do đó, một hướng đi quan trọng là chúng ta nên tìm tòi và áp dụng những quy trình sản xuất chế biến đặc biệt, đặc trưng riêng của Việt Nam nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp thông thường.

Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta cũng đang sở hữu khoảng 250 loài thực vật đặc hữu và khoảng 292 loài động vật đặc hữu. Có thể kể ra một số giống:

Động vật đặc hữu:

- Phân loài Bò Bướu (Bos taurus indicus): Bò vàng Việt Nam

- Chi Trâu (Bubalus bubalis): Trâu nội thuộc phân loài Trâu đầm lầy

- Phân loài Chó (Canis lupus familiaris): Chó Bắc Hà, Chó cỏ (Chó Lài), Chó Phú Quốc, H’mông cộc đuôi... Gọi chung là Chó ta.

- Loài Voi châu Á (Elephas maximus): Voi Việt Nam

- Phân loài Ngựa (Equus ferus caballus): Ngựa nội (Ngựa Việt)

- Phân loài Gà (Gallus gallus domesticus): Gà chín cựa (Gà nhiều cựa), Gà Đông Tảo (Gà Đông Cảo), Gà Hồ, Gà Mía, Gà Tò

- Loài Thỏ nhà (Oryctolagus cuniculus): Thỏ ta (Thỏ Việt Nam)

- Loài Lợn rừng (Lợn lòi, Sus scrofa): Lợn rừng Việt Nam

- Phân chi Lợn nhà (Sus scrofa domesticus): Lợn ỉ, Lợn Móng Cái

Thực vật đặc hữu:

- Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc Họ Cuồng cuồng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam .

- Chi Khai khẩu tiễn: Tỏi đá Khang (Tupistra khangii), Tỏi rừng Thế (Tupistra theana). Tupistra khangii đặt theo tên nhà khoa học Nguyễn Sinh Khang. Tupistra theana đặt theo tên nhà khoa học Phạm Văn Thế.

- Chi Giang: Giang Bắc Bộ (Maclurochloa tonkinensis), Giang Lộc Bắc (Maclurochloa locbacensis)

- Chi Ruối: Bùng bục Phong Nha (Mallotus phongnhaensis)

- Chi Xoài: Xoài Đồng Nai (Mangifera dongnaiensis), Xoài Rừng (Xoài Lá nhỏ, Mangifera minutifolia)Chi Dầu: Dầu Côn Đảo (Dipterocarpus condorensis)

- Chi Gừng đen (Distichochlamys): Nghệ đen Bến En (Distichochlamys benenica), Gừng đen (Distichochlamys citrea), Gừng đen Orlow (Distichochlamys orlowii), Gừng đen Khía đỏ (Distichochlamys rubrostriata)

- Chi Trúc mũi tên: Sặt Ba Vì (Fargesia baviensis)

- Chi Trà: Chè Bù Gia Mập (Camellia bugiamapensis), Trà Hoa đầu (Camellia capitata), Chè Cát Tiên (Camellia cattienensis), Trà Hoa vàng Cúc Phương (Camellia cucphuongensis), Camellia curryana, Trà Duy (Camellia duyana), Trà mi Đà Lạt

Với một danh sách đa dạng các loài động thực vật đặc hữu, việc cần làm đó là thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng các công nghệ nhằm tìm ra những giá trị ích lợi kinh tế từ các loài đặc hữu chưa được thương mại hóa.

Đối với các sản phẩm đặc hữu đã được thương mại hóa thì việc cần làm đó là bảo tồn tốt nguồn giống quý và xác định mức sản lượng tối ưu về mặt kinh tế.

Trên hết, khi chúng ta đã sở hữu những sản phẩm riêng có thì việc quảng bá chúng như là những sản phẩm chỉ tìm thấy tại Việt Nam ra thị trường thế giới sẽ góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia và đem lại nguồn lợi xuất khẩu không nhỏ. Mặt khác, cũng là gián tiếp thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thông thường khác.

Trên đây là những ý tưởng phát triển nông nghiệp đặc hữu. Chúng ta hi vọng sẽ tìm thấy những sản phẩm mà thay vì có nhãn "Made in China" thì chúng ta sẽ có "Made in Vietnam" và "Only in Vietnam" (Sản xuất tại Việt Nam và chỉ Việt Nam mới có).

Minh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM