Ảm đạm một năm trái cây Việt

26/11/2014 11:40 AM |

Phát triển bền vững trong sản xuất trái cây đặc sản Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn khi câu chuyện “Được mùa, mất giá” cứ tiếp tục đeo bám người nông dân cả nước trong suốt năm nay.

Những con số đáng buồn

Với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng thơm ngon; người nông dân chăm chỉ, sáng tạo thế nhưng rất tiếc, nhiều nông sản Việt Nam lại thường xuyên rơi vào cảnh mất giá, khó tiêu thụ, thậm chí phải đổ bỏ khi vào vụ thu hoạch.

Dưa hấu

Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, bà con các tỉnh Quảng Nam, Bình Định năm nay được vụ dưa hấu lớn, trung bình cứ 1 ha cho 20 – 25 tấn. Thế nhưng, không những phải bán với giá bèo, người nông dân phải chịu thua lỗ nặng. Ngoài những chi phí như phân bón, nhân công, loại dưa này không thể trồng liên tục trên một chân đất mà phải du canh, thay đổi thì mới có hiệu quả, buộc người nông dân phải đi thuê đất, khiến chi phí đội lên rất nhiều.

Cuối tháng 3/2014, sản lượng dưa tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh khi xuất sang Trung Quốc. Mỗi ngày có khoảng 500 - 700 xe dưa, trong khi tiêu thụ chỉ được trên 200 xe dưa/ngày. Năng lực thông quan của cửa khẩu Tân Thanh cũng chỉ đạt khoảng 300 – 350 xe hàng hóa các loại mỗi ngày.

Tại cửa khẩu và Quảng Nam, Bình Định là thế, giá dưa hấu tại chợ bán buôn và bán lẻ khá cao tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Tại chợ bán buôn: 15.000 - 16.000 đồng/kg, tại chợ bán lẻ: 20.000 - 22.000 đồng/kg. Ngược lại, tại Quảng Ngãi, giá dưa tại ruộng rớt thảm hại xuống còn 1.500 – 3.000 đồng/kg.

Thanh long

Hai tháng sau, nhà vườn ĐBSCL lại một phen khốn đốn với siêu trái cây này. Sở dĩ thanh long được gọi là siêu trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế bởi đây là loại quả ngon, bổ, chống lão hóa, được thế giới cực kỳ ưa chuộng, giờ lại la liệt trên đường Việt Nam, thậm chí còn là thức ăn cho gia súc!

Tháng 6/2014, giá thanh long ruột đỏ được thương lái mua tại vườn từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 2.000 đồng/kg, giảm hơn 90% so với cùng kì năm ngoái. Thậm chí thanh long dạt, bị sâu không ai mua nên nông dân đành đổ bỏ.

Vải thiều

Năm 2014 chứng kiến sản lượng vải thiều kỷ lục và giá vải thiều tại các tỉnh phía Bắc rớt thê thảm, chỉ còn 6.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tăng dần từ Bắc vào Nam, dao động trong khoảng 7.000 đến 30.000 đồng/kg.

Người trồng vải tìm mọi cách xoay sở đầu ra, chỉ mong bán hết chứ nói gì đến được giá. Thương lái Trung Quốc không rầm rộ tổ chức thu mua tại vườn như mọi năm, tìm mọi cách ép giá khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Cà chua Lâm Đồng

Tính đến ngày 15/10/2014, giá cà chua Lâm Đồng loại 1 chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho mỗi gốc cà chua là 8.000 đồng/kg. Không ai mua, nhà vườn lỗ nặng, đành lòng bỏ cà chua cho bò ăn. Vậy mà, tại Hà Nội, giá cà chua trung bình không dưới 10.000 đồng/kg.

Sau khi phương tiện truyền thông đưa tin cà chua Lâm Đồng rớt giá mạnh, nhiều cá nhân và doanh nghiệp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thu mua cà chua Lâm Đồng để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, song số lượng thu mua không đáng kể so với sản lượng cà chua khổng lồ của toàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).

Thách thức còn nhiều

Bài toán hóc búa nhất đang đặt ra là sự liên kết có kế hoạch giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Với đầu vào, người nông dân cần có tâm lí ổn định, không chạy theo vụ trước mà cần sự tư vấn kĩ thuật của các nhà khoa học và tư vấn về thị trường tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu từ doanh nghiệp, phối hợp sản xuất, tuân thủ theo các chính sách và quy định của Nhà nước.

Sự lỏng lẻo giữa các mắt xích khiến cả nhà vườn và doanh nghiệp không yên tâm đầu tư. Nhiều mô hình liên kết được thành lập rồi lại tan rã, đã ảnh hưởng đến tâm lí người nông dân, chỉ dám sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, mặc cho thương lái lũng đoạn thị trường.

Phát triển thị trường – cơ hội và thách thức. Cơ hội còn nhiều khi thị trường nước ngoài vốn ưa chuộng các “siêu trái cây” của Việt Nam. Nếu kết hợp giữa phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng và khai thác thị trường. trái cây Việt Nam sẽ mang lại nguồn lợi khổng lồ cho cả doanh nghiệp và nhà vườn. Chưa kể đến nhu cầu trong nước vẫn còn bỏ ngỏ và hơn hết là sự tin tưởng của người tiêu dùng vào trái cây thuần Việt.

Tuy vậy, với tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, sự cạnh tranh hoa quả nhập khẩu tại các thành phố lớn là điều tất yếu. Một thách thức không hề nhỏ đang đặt ra cho doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, đưa trái cây Việt Nam vững bước trên sân nhà và vươn xa trên thế giới.

Chặng đường còn nhiều chông gai khi gần đây, các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản bắt đầu chấp nhận trái cây Việt Nam. Không thay đổi, “Được mùa mất giá” sẽ trở thành vấn nạn nhức nhối của nền kinh tế.     

>> Bloomberg: Nông dân trồng tiêu Việt Nam thắng lớn

Minh Phương

Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM