Bộ trưởng Cao Đức Phát: Không phải sản phẩm nông nghiệp nào của VN cũng như dưa hấu, hành tím

11/06/2015 10:56 AM |

“Không phải mặt hàng nào cũng như dưa hấu, hành tím, vẫn có mặt hàng được giá như hồ tiêu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nội dung nổi bật:

- Tình hình nông nghiệp Việt Nam không đến nỗi không sáng sủa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết khi trả lời phiên chất vấn trước Quốc hội

- Theo thống kê, trong 10 mặt hàng xuất khẩu, có 5 mặt hàng xuống giá là Gạo, Cao su, Cafe, Tôm, Cá tra; và 5 lên giá là: Hồ tiêu, Hạt điều, Đồ gỗ, Sắn và Rau quả. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sắn tăng tới 44%.

- Liên kết 4 nhà, năm 2014 đã được triển khai thử nghiệm với cây lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân trên diện tích 72.000 ha. Nhưng chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại thì bỏ cuộc giữa chừng.


Trả lời phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Tình hình nông nghiệp Việt Nam không đến nỗi không sáng sủa.

Bộ trưởng Phát cho biết, trong những ngày này, Bộ trưởng có liên hệ với các Giám đốc Sở tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thu nhận được những thông tin rất khả quan.

Tại Cần Thơ: Lúa hè thu năm nay được mùa. Trái cây được mùa được cả giá.

Tại Hậu Giang: Các loại trái cây như cam, chanh được mùa được giá. Lúa hè thu năm nay bình quân 6 tấn, tăng so với cùng kỳ năm ngoái (bình quân 5 tấn).

“Tất nhiên giá (gạo – PV) giờ đang thấp vì giá bình quân thế giới thấp”, Bộ trưởng Phát nói. “Không phải mặt hàng nào cũng như dưa hấu, hành tím, vẫn có mặt hàng được giá như hồ tiêu”.

Theo thống kê của Bộ trưởng, trong 10 mặt hàng xuất khẩu, có 5 mặt hàng xuống giá là Gạo, Cao su, Cafe, Tôm, Cá tra; và 5 lên giá là: Hồ tiêu, Hạt điều, Đồ gỗ, Sắn và Rau quả. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sắn tăng tới 44%.

“Tôi nghĩ trong mọi tình huống chúng ta sẽ bình tĩnh xử lý. Dưa hấu xuống giá là do khả năng thông quan thấp. Còn với hành tím của Sóc Trăng, lý do chính là tới 72% hành của Sóc Trăng nhằm để xuất khẩu sang Indonesia. Từ cuối 2014, với chủ trương tự túc trong nước, Indonesia dừng nhập khẩu hành từ Việt Nam. Chúng tôi đã sang Indonesia làm việc để tháo gỡ nhưng việc này cần phải có thời gian, vì đây là chính sách của một nước”.

“Rõ ràng, để nông dân có thu nhập cao hơn từ sản xuất nông nghiệp, phải lựa chọn cả mặt hàng và làm với chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn và làm căn cơ theo cả chuỗi giá trị để phát triển bền vững và có hiệu quả”, Bộ trưởng khuyến nghị.

Liên kết 4 nhà, vì sao doanh nghiệp bỏ cuộc?

Mặc dù chủ trương liên kết 4 nhà được đưa ra 10 năm nay, trên thực tế, chỉ các lĩnh vực như chăn nuôi bò sữa, trồng mía đường… thì sự liên kết thực hiện phổ biến. Những lĩnh vực không nhất thiết cần sự liên kết với doanh nghiệp thì sự kết nối lỏng lẻo hơn.

Bộ trưởng Phát cũng chia sẻ, trong năm 2014, liên kết 4 nhà đã được triển khai thử nghiệm với cây lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân trên diện tích 72.000 ha. Nhưng chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại thì bỏ cuộc giữa chừng.

Với câu hỏi trong 4 nhà, “nhà” nào là chính? Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh đó là doanh nghiệp. Còn việc chưa thành công trong liên kết này, theo Bộ trưởng, là do:

Một là, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, doanh nghiệp tiềm lực có thể liên kết (về hạ tầng, cơ sở chế biến...) và thực hiện liên kết không nhiều.

Hai là, khi liên kết, cơ chế khâu trung gian gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân như các hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu.

Ba là, sự quan tam sâu sát của chính quyền các cấp. Các tỉnh phải thành lập ban chỉ đạo, đưa ra tiêu chí cánh đồng lớn, phải có quy hoạch.

“Theo thống kê, chưa đến 10/63 tỉnh làm được điều này. Để thúc đẩy chủ trương về liên kết trong thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân, chúng ta phải phải có các biện pháp đồng bộ”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM