Thị trường nhỏ, giá lại cao nhất thế giới... Cửa nào cho ô tô Việt Nam?

08/12/2015 13:51 PM |

Quy mô thị trường nhỏ, giá xe cao, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển có thể nói là "căn bệnh" của ô tô Việt Nam, khiến ngành này mãi chưa chịu phát triển.

Thêm một cuộc hội thảo bàn về giải pháp và chiến lược cho ngành ô tô Việt Nam lại tiếp tục được diễn ra sáng nay 8/12. Hội thảo này có tên: "Thực trạng và chính sách phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam" do Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Bàn về thực trạng ngành ô tô tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, so với các nước có nền công nghiệp ô tô phát triển trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philipines, mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhưng quy mô vẫn thấp nhất, giá xe Việt Nam cao hơn các nước khác.

"Giá xe Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng cao trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá ô tô Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều, có những dòng xe cao hơn từ 60-80%", bà Thúy nói.

Thị trường ô tô Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây. Ngành công nghiệp ô tô đã sản xuất, xuất khẩu được một số phụ tùng linh kiện ô tô nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp; nhập khẩu linh kiện lớn.

Quy mô thị trường nhỏ, giá xe cao, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển có thể nói là "căn bệnh" của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Kể từ sau năm 2018, thuế ASEAN về 0% thì doanh nghiệp trong nước sẽ cạnh tranh như thế nào với xe nhập khẩu? - vị đại diện Bộ Công Thương đặt câu hỏi.

Mục tiêu của các ông lớn ngành ô tô tại thị trường Việt Nam là khác nhau. Có doanh nghiệp chỉ muốn bán xe chứ không định duy trì sản xuất lâu dài. Trong khi đó lại có doanh nghiệp muốn sản xuất, lắp ráp lâu dài tại Việt Nam.

Do vậy, bà Thúy cho rằng, mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo là cần phải hài hòa hóa lợi ích giữa các bên, làm sao để duy trì sản xuất sau năm 2018. Đồng thời, phát triển thị trường lành mạnh, phát triển quá nóng chỉ làm lợi cho xe nhập khẩu.

Việt Nam cần giảm giá bán và cắt giảm chi phí sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng lưới sản xuất khu vực và thế giới, tuân thủ các cam kết quốc tế.

Thuế, phí đánh vào ô tô của Việt Nam còn lớn với nhiều loại thuế khác nhau. Bên cạnh đó, thuế của Việt Nam giảm chậm, trong khi các nước ASEAN đã giảm về 0% gần hết” – vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm với bà Thúy, ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, Chính phủ tiếp tục đề ra định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với quan điểm coi công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn.

Theo đó, ưu tiên phát triển xe tải và xe khách để phục vụ cho nông nghiệp nông thôn, xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.

Uu tiên phát triển xe 9 chỗ, tập trung vào các dòng xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân; ưu tiên phát triển xe chuyên dụng như xe chở bê ram, xi téc và đặc chủng an ninh-quốc phòng...

Đặc biệt, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó tập trung tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe… cho một vài chủng loại xe.

Tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm bảo vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM