Tại sao ô tô tải Trung Quốc “tăng trưởng nóng” ?

03/12/2015 08:28 AM |

Nhu cầu về xe tải lớn trong khi xe lắp ráp trong nước lại không đáp ứng được nhu cầu liệu có phải là nguyên nhân khiến lượng xe tải (nói chung) có nguồn gốc từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam tăng trưởng nóng?

Theo nhận định từ Cục đăng kiểm, thị trường Việt đang có hiện tượng tăng trưởng nóng về số lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, loại xe này tập trung ở một số loại có trọng tải lớn như: ô tô tải tự đổ, ô tô đầu kéo, ô tô sát-xi và sơ mi rơ mooc các loại.

Ô tô đang là một trong những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua. Theo con số thống kê, xe ô tô nhập khẩu tại thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2015. Lượng xe nhập khẩu vào thị trường trong nước 10 tháng năm 2015 là 105.151 chiếc. Nếu so sánh với tổng số xe đã nhập năm 2014 (là 76.780 chiếc) thì thị trường Việt đã nhập gần gấp đôi lượng xe nhập.

Có nhiều lý do khiến con số nhập khẩu ô tô tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, thực tế thấy rằng, dù đạt con số tăng trưởng đáng kể, nhưng Việt Nam lại đang trở thành thị trường “béo bở” cho các loại xe nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, chủ yếu là xe đầu kéo và xe tải với lượng nhập khẩu tăng đột biến.

Cụ thể, theo con số thống kê chi tiết, số lượng xe tải các loại từ thị trường Trung Quốc nhập về Việt Nam trong 10 tháng năm 2015 là 33.300 chiếc (con số đã làm tròn). Trong khi đó, xe từ các thị trường khác là 14.800 chiếc. Con số này, tương ứng trong năm 2014 là 22.600 chiếc và 9.400 chiếc từ các thị trường khác. Với lượng xe nhập khẩu này, xe từ thị trường Trung Quốc tràn vào Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt.

Theo đánh giá từ một bản báo cáo của Cục Đăng kiểm, hiện tượng tăng trưởng của các dòng xe tải cỡ lỡn tại thị trường Việt Nam là do nhu cầu của thị trường trong giai đoạn này quá lớn.

Theo đó, cơ quan này phân tích: kể từ khi Chính phủ và Bộ GTVT triển khai việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải thì nhu cầu về tăng số lượng đầu phương tiện tăng trưởng nhanh. Nếu như trước đây, các xe đều chở quá tải, cá biệt có những trường hợp quá tải đến 300 – 400%. Thì hiện nay, khi việc kiểm soát tải trọng được kiểm soát đồng bộ, hiệu quả. Các phương tiện đã chở đúng tải trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa vẫn tăng trưởng đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải tăng số đầu phương tiện vận tải để phục vụ nhu cầu.

Trong khi đó, xe tải, xe tải chuyên dụng, đặc biệt là các xe có trọng tải lớn và ô tô đầu kéo lại là loại phương tiện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước không sản xuất.

Quan tìm hiểu, hiện, đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ, trang thiết bị để sản xuất các loại xe tải cỡ lớn tại Việt Nam như: Thaco, Fuso, Hino,…Nhưng hiện tại, lượng xe xuất xưởng cũng rất khiêm tốn và các doanh nghiệp này cũng không sản xuất các loại xe đầu kéo. Trên thực tế, cũng khó cạnh tranh được về giá, thời gian cung ứng so với các dòng xe nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

Một nguyên nhân nữa có thể khiến lượng xe nhập từ Trung Quốc tăng nóng là việc thuế suất của các loại ô tô đầu kéo, sơ mi rơ mooc có nguồn gốc từ Trung Quốc đã giảm về 0% kể từ 1/1 năm nay theo như Hiệp định ASEAN – Trung Quốc đã ký kết.

Ngoài ra, như trong tin bài ICTnews đã phản ánh từ trước đó, năm 2015, cả nước sẽ có 16.600 phương tiện hết niên hạn sử dụng. Trong đó, theo thống kê từ Cục đăng kiểm, số lượng lớn phương tiện hết niên hạn lại tập trung chủ yếu vào các loại xe tải và xe chở khách càng khiến cho lượng xe vào thị trường Việt Nam tăng cao.

Theo Phúc Vinh

Cùng chuyên mục
XEM